(BVPL) - Cụ Nguyễn Thị Cúc (95 tuổi) phải nằm trên vỉa hè suốt mấy ngày áp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 vừa qua, trong tiết trời mưa lạnh… đã trút hơi thở cuối cùng trước cửa ngôi nhà cũ của cụ. Câu chuyện đã làm xôn xao dư luận Hà Nội suốt thời gian qua.
Chấn động dư luận
Ngôi nhà số 21, phố Ấu Triệu trước đây thuộc quyền sở hữu của cụ Nguyễn Thị Cúc vốn bị bại liệt, đau ốm và không thể tự chăm sóc được bản thân. Nguyên nhân dẫn tới việc cụ Cúc bị bê ra đường bỏ mặc là do nợ nần của con cái và những tranh chấp nhà cửa chưa được giải quyết thỏa đáng giữa các bên. Cụ thể, vào năm 2010, cụ Cúc đã quyết định sang tên cho con trai là ông Hoàng Văn Hoan (59 tuổi) ngôi nhà số 21, phố Ấu Triệu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Kể từ thời điểm đó đến nay, ông Hoan quản lý, sử dụng ngôi nhà này. Năm 2011, ông Hoan cho em gái là bà Hoàng Thị Trung Thu mượn sổ đỏ ngôi nhà trên để đi vay số tiền 4 tỷ đồng từ một người tên P. (ở Hoàng Cầu, Hà Nội) để làm ăn. Đến đầu năm 2012, bà P. yêu cầu bà Thu trả tiền gồm cả gốc và lãi lên tới hơn 5,5 tỷ đồng. Để có tiền trả nợ, bà Thu đã vay tiền của một người tên Ph. (ngõ 1, Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) với số tiền chênh hơn tiền vay của bà P. không đáng kể, để trả lại cho người phụ nữ này, ông Hoan cho hay. Thủ tục vay và trả giữa các bên được giao dịch trực tiếp tại một ngân hàng nằm trên đường Quang Trung (Hà Nội). Để đảm bảo khoản vay, bà Thu đã xin ông Hoan bảo lãnh thế chấp cho ông Ph. bằng sổ đỏ nhà số 21, phố Ấu Triệu. Đến nay, số tiền cả lãi lẫn gốc đã bị đẩy lên 8 tỷ đồng. Sau vài tháng vay và ông Ph. cũng hứa nếu bà Thu trả đủ tiền thì sẽ trả lại sổ đỏ. Tuy nhiên, cuối năm 2013, ông Ph. bị bắt trong một vụ buôn bán heroin. Lúc này, sổ đỏ nhà số 21, phố Ấu Triệu đã được chuyển sang tên của chị Ph. (là con gái của ông Ph.)”, ông Hoan nói. Chị Ph. cũng đồng ý với quyết định trả tiền chuộc nhà của bà Thu, nhưng phía gia đình chị Ph., cụ thể là bà Oanh (ngõ 301 đường Hồng Hà, là mẹ chồng của chị Ph.) không đồng ý. Tháng 01 năm 2014, bà Oanh tuyên bố lấy ngôi nhà 21, phố Ấu Triệu, yêu cầu gia đình ông Hoan dọn khỏi nhà trước tháng 7/2014 để gia đình bà sửa nhà. Gia đình ông Hoan cùng bà Thu đã nhiều lần xin gặp, thương lượng trả tiền gốc và lãi nhưng bà Oanh không đồng ý. Đến 10 giờ 30 phút ngày 10/2/2015, bà Oanh đã tổ chức cho hàng chục đối tượng đến đập phá tài sản, đánh đập người nhà cụ Cúc, còn cụ Cúc thì bị bê ra đường. Sau đó, bà Oanh đã dùng 6 khóa, khoá kín toàn bộ cửa nhà 21, phố Ấu Triệu.
Cụ Cúc đã phải nằm 8 ngày, 7 đêm trên vỉa hè đến tận đêm 30 Tết mới được đưa về nhà con gái ở tạm. Nhưng đến đêm ngày 01/3/2015, cụ Cúc đã qua đời. Các con của cụ Cúc đã phá khóa nhà để đưa cụ về lại nhà số 21, phố Ấu Triệu chuẩn bị an táng. Sự việc trở nên căng thẳng, thậm chí xô xát khi bà Oanh kéo nhiều người xuống ngăn cản tang lễ. Chỉ sau khi chính quyền phường vào cuộc can thiệp, bà Thu quỳ xuống van xin, hai bên thống nhất ký Biên bản mượn nhà 10 ngày thì tang lễ cụ Cúc mới được tiến hành theo đúng thủ tục tâm linh của người Việt.
Hiếu vi bách hạnh chi tiên
Đa số người dân phố Ấu Triệu đều biết về cụ Cúc vì cụ đã làm dâu ở số nhà 21 này gần một thế kỷ. Một người phụ nữ cả đời vì chồng, vì con, vì cháu sống hiền lành, đức độ vậy mà đến tận lúc chết, cụ vẫn phải gánh chịu những nỗi đau khó tả bằng lời. Cụ bị bại liệt, mất khả năng nói, chỉ bất động một chỗ, chứng kiến khoảnh khắc ngôi nhà cụ gắn bó cả đời thuộc về người khác, chứng kiến các con bị đánh đập, bản thân bị bế vứt ra vỉa hè mà không thể phản kháng… Còn nỗi đau nào hơn khi suốt những đêm dài lạnh lẽo trong cái Tết cận kề, trí óc minh mẫn nhưng muốn kêu mà không thể thành lời, muốn che chở cho các con mà không thể. Trái tim tôi như bị bóp nghẹt khi nghĩ tới lần đầu gặp cụ trên vỉa hè Ấu Triệu ngay sau hôm cụ bị bế ra vỉa hè (11/2/2015). Cụ nhìn tôi với ánh mắt muốn nói cả ngàn lời, những giọt nước mắt mặn mòi của người già lăn trên gò má.
Ngay sau đó, phóng viên báo BVPL đã trực tiếp gọi điện cho đồng chí Tr. - Phó Chủ tịch UBND phường phản ánh về vụ việc. Đồng chí Tr. đã ngay lập tức xuống hiện trường, nắm bắt tình hình và đưa ra hướng xử lý. Theo đó, dù điều kiện chật chội, khó khăn nhưng UBND phường vẫn cố gắng bố trí một chiếc giường bệnh ấm áp cho cụ, có cả nhân viên y tế phường chăm sóc. “Ai sai, ai đúng sẽ có pháp luật xử lý, nhưng tính mạng con người là quan trọng nhất, UBND phường đề nghị gia đình phối hợp đưa cụ Cúc về Trạm Y tế phường để nghỉ ngơi”. Đồng chí Tr. và phóng viên đã nhiều lần nói với gia đình các con cụ Cúc về việc này nhưng đáp lại sự thiện chí và lo lắng của chúng tôi là một sự im lặng đáng sợ, các con cụ đã không đồng ý với thiện chí đó. Phải chăng, họ muốn để cụ nằm đó, gây áp lực với chính quyền, với các cơ quan chức năng để được phép phá khóa vào ngôi nhà 21, phố Ấu Triệu? Điều mà chúng tôi và nhiều người khác thấy rằng, một bà cụ đã 95 tuổi, gần đất xa trời, bại liệt, không thể nói, phải dầm mưa giá rét trong khi các con cụ hoàn toàn có thể cho mẹ mình ít nhất là một chiếc giường ấm áp, khô ráo và được chăm sóc tốt hơn. Nhưng đau đớn thay, các con của cụ không những để cho cụ phải dầm mưa dãi nắng suốt 8 ngày trên vỉa hè, mà họ còn nhẫn tâm mang thi thể cụ quay lại số nhà 21, phố Ấu Triệu một lần nữa. Và nếu linh hồn cụ có linh thiêng, cụ lại phải chứng kiến thêm nỗi đau vì những đứa con bị người nhà bà Oanh hành hung, phải quỳ xuống van xin để được làm đám tang cho cụ. Sao họ phải làm vậy? Họ chính là người đã phá hoại ngôi nhà của bố mẹ để lại vì chính những hành động của mình, và tiếp đó, họ lại dùng mẹ già ra như một biện pháp để gây sự chú ý của dư luận. Cuối cùng, họ nhẫn tâm mang thi thể mẹ ra để đạt được mục đích là có thể phá khóa vào ngôi nhà mà về pháp lý, nó đã không còn là của họ. Việc mua bán, sang tên sổ đỏ, đúng hay sai thế nào sẽ có pháp luật xem xét nhưng những gì mà những người con của cụ Cúc đã làm với cụ thì thật khó chấp nhận.
Nếu hiếu thảo được xem như đứng đầu trăm hạnh (Hiếu vi bách hạnh chi tiên) thì bất hiếu là một trọng tội (tội nặng). Kinh Phật đã dạy: Điều lành cao tột chẳng gì bằng hiếu, điều ác cùng cực chẳng gì bằng bất hiếu. Cụ Cúc đã kết thúc cuộc đời gần 1 thế kỷ của mình bằng một cái chết uất ức, còn những người ở lại, sẽ phải day dứt đến tận lúc họ xuôi tay vì những lỗi lầm do chính họ gây ra.
Khánh An