Báo Bảo vệ pháp luật nhận được đơn kêu oan khẩn cấp của ông Hứa Văn Cường, sinh năm 1959, địa chỉ: tổ 5, phường Phùng Chí Kiên, thị xã Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn, nguyên là cán bộ Phòng Hậu cần, Công an tỉnh Bắc Kạn, có nhiều năm công tác trong ngành và nhiều năm liền được công nhận là Công an giỏi, Chiến sĩ thi đua, bằng khen…và được kết nạp Đảng chính thức ngày 20-12-2003. Ông Cường cho biết “…chỉ vì tôi đứng ra bảo vệ và hướng dẫn một số đồng bào dân tộc bị công an huyện Bạch Thông bắt và đánh đập vô cớ đến kêu oan tại một số cơ quan chức năng của huyện Bạch Thông…”.
|
Ông Hứa Văn Cường |
Theo đó, vào những năm 2002, 2003, Lâm trường Bạch Thông có triển khai khai thác một khối lượng gỗ khá lớn theo kế hoạch – đây là hoạt động bình thường của một lâm trường. Để khai thác hàng trăm m3 gỗ, thì Lâm trường Bạch Thông phải dựa thêm vào sức dân, đồng thời đây cũng là một cách làm nhằm giúp đồng bào, nhân dân trong vùng tăng thu nhập. Từ thực tế trên, Lâm trường đã thuê một số lao động ở thôn bản 42, xã Dương Phong, huyện Bạch Thông để đi khai thác theo hợp đồng của lâm trường. Mọi việc tưởng chừng bình thường, thì bỗng đâu “tai hoạ” ập đến với một số người lao động đã đi khai thác cho Lâm trường Bạch Thông. “… Khoảng tháng 5/2006, Công an huyện Bạch Thông cho rằng số lao động được Lâm trường Bạch Thông thuê đi chặt gỗ trước đây ở Bản 42 là dạng khai thác gỗ trái pháp luật, cho nên họ đã bắt giữ… đồng thời bị đánh đập gây thương tích đối với anh Đặng Văn Đức, bệnh án đã có ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn” – ông Cường cho biết. Toàn bộ số người được Lâm trường thuê đi chặt gỗ thấy Công an huyện Bạch Thông vô cớ đổ cho cái tội đi khai thác gỗ trái phép, số lao động này hầu hết là bà con dân tộc thiểu số, trình độ hiểu biết kém nên không biết kêu ai, nhờ ai để hiểu thấu cái bụng của mình. Không biết may hay hoạ, trong số người đi chặt gỗ thuê này có gia đình nhà ông Khoát, quen biết ông Hứa Văn Cường, và biết được ông Cường là Công an trên tỉnh, cho nên đã nhờ cậy ông kêu oan, cứu giúp cho họ tới cơ quan chức năng huyện… Với tinh thần trách nhiệm của người công an, ông Cường đã hướng dẫn bà con đến một số cơ quan chức năng của huyện và tỉnh để kêu oan và chữa vết thương… “Biết được việc làm của tôi và cho rằng sẽ không có lợi cho một số hành vi “ứng xử” của mình, cho nên cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bạch Thông đã làm văn bản đề nghị Công an tỉnh đình chỉ công tác, gắn cho tôi tội danh Khai thác gỗ trái phép để tạm giữ tôi” – ông Cường cho biết.
Ông Cường cũng phản ánh: Sau khi bị Công an tỉnh đình chỉ công tác, ông Cường bị Công an huyện gọi về, tạm giữ 24 giờ để làm bản tường trình, đồng thời nộp toàn bộ chứng từ, hoá đơn có liên quan đến việc ông Cường mua gỗ của Lâm trường Bạch Thông. Nộp xong toàn bộ chứng từ, hồ sơ gốc có liên quan đến việc mua gỗ của ông Cường đối với lâm trường, Công an huyện Bạch Thông cũng bắt giam ông Cường luôn, gọi là để điều tra (?!). Suốt hai mươi tháng ông Cường bị giam tại huyện Bạch Thông để điều tra, nhưng tất cả những việc điều tra của Cơ quan điều tra Công an huyện hầu như không có gì liên quan đến ông Cường?! Sau đó, ông Cường phải chịu hình phạt 27 tháng tù mà không hề nhận được bản án nên cũng không biết mình phạm tội gì?!
Ông Cường cho biết, sau khi mãn hạn tù, ông Cường mới đi gõ cửa các cơ quan chức năng để kêu oan, nhưng chưa một cơ quan nào thụ lý để xem xét cho ông. Cái khó cho việc kêu oan của ông là hồ sơ, chứng cứ của ông nộp trên Công an huyện Bạch Thông đều không lấy lại được, vì Công an huyện Bạch Thông nói rằng bị “thất lạc” hết rồi. Tuy nhiên, ông Cường cung cấp cho chúng tôi bản kết luận kiểm tra đối với lâm trường Bạch Thông, về việc thực hiện giấy phép khai thác gỗ trên số 556, ngày 7-5-2002 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn”, số 1027/ KL – CAB, ngày 10-11-2006, do Trưởng Công an huyện Bạch Thông do Trung tá Trần Đình Luận kí, và một số nhân chứng, vật chứng.
Điều khó hiểu nữa là tại sao ông Cường là tội phạm lại không bị khai trừ khỏi Đảng và không bị tước quân tịch khỏi ngành? rồi việc Cơ quan điều tra huyện bắt giam một sĩ quan hậu cần thuộc cơ quan Công an cấp tỉnh?… Dư luận cũng cho rằng, hay chăng, Công an huyện phát hiện vi phạm của ông Cường (nếu có), thì tổng hợp, báo cáo lên Cơ quan điều tra cấp tỉnh làm rõ đối tượng, cùng phối hợp điều tra về hành vi vi phạm của ông Cường. Chứ không thể đơn phương bắt ông Cường về huyện, mà Công an tỉnh không có thái độ gì…(?!).
Hiện tại, ông Cường đang sống trong cảnh trắng tay. Trong lúc ông ở tù, ông bị vợ con nghi hoặc, kết quả là vợ đã làm đơn ly dị ông, các con ông cũng đi theo mẹ hết.
Trọng Phong - M. Tuấn