(BVPL) - Hợp mua bán căn nhà trên đường 2/9 Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng được thực hiện dựa trên sự tự nguyện của hai bên và thực hiện đúng theo các trình tự, thủ tục pháp luật, nhưng lại bị TAND TP. Đà Nẵng tuyên hủy kéo theo một loạt hệ lụy đối với nhiều cơ quan nhà nước, ngân hàng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Điều vô lý nhất, sau khi bản án được tuyên, người mua nhà đang phải đối diện với khoản nợ từ trên trời rơi xuống lên đến hơn 12 tỷ đồng.
 
Bán nhà gần 8 tháng rồi … khởi kiện
 
Theo bản án sơ thẩm ngày 10/3/2016 của TAND TP. Đà Nẵng, ngày 17/2/2014 tại Phòng công chứng số 2, TP. Đà Nẵng vợ chồng ông Nguyễn Hùng Cương, bà Nguyễn Thị Ngọc Nga có lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà (trên đường 2/9, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng) với người mua là bà Nguyễn Thị Hà Phương Hà. 
 
Đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND TP.Đà Nẵng
Đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND TP. Đà Nẵng
 
Hợp đồng mua bán này, theo Sở Tài nguyên – Môi trường TP. Đà Nẵng là đúng quy định của pháp luật, nên sau đó Văn phòng đăng ký nhà đất tại Q.Hải Châu đã tiến hành chỉnh lý biến động sang tên, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho người mua là bà Phương Hà.
 
Sau khi được sang tên căn nhà, bà Phương Hà không có nhu cầu sử dụng căn nhà này, khoảng 8 tháng sau bà Phương Hà bán lại cho ông Trần Huy Nhựt với giá 16 tỷ đồng. Sau đó ông Nhựt mang căn nhà này thế chấp tại Ngân hàng TMCP quân đội – Chi Nhánh Đà Nẵng.
 
Chuyện mua bán giữa các bên diễn ra bình thường, đúng theo quy trình pháp luật, thế nhưng khoảng 8 tháng sau khi việc mua bán với bà Phương Hà chấm dứt, vợ chồng ông Cường, bà Nga bất ngờ nộp đơn ra TAND TP. Đà Nẵng khởi kiện, yêu cầu tòa không công nhận hợp đồng này và đồng ý trả lại số tiền mà bà Phương Hà đã bỏ ra để mua căn nhà.
 
Tại bản tự khai, biên bản hòa giải cũng như tại phiên tòa, đại diện bị đơn cho rằng, bà Phương Hà và bà Nga có quen biết từ trước, bà Nga có ý định bán căn nhà đường 2/9 để lấy vốn làm ăn cũng như trả nợ ngân hàng. Bà Phương Hà biết rõ về căn nhà này nên đồng ý mua, sau khi thương lượng hai bên đã tự nguyên thực hiện việc mu bán. Đến ngày 17/2/2014 hai bên lập hợp đồng mua bán tại phòng công chứng, bà Nga nhận đủ tiền từ bà Hà và cũng được UBND Đà Nẵng cập nhật đăng ký biến động chủ sử dụng đất để sang tên theo đúng quy định của pháp luật.
 
Theo trình bày của vợ chồng ông Cường bà Nga, việc mua bán này là giả cách, để hai bên thực hiện việc thanh toán nợ nần với nhau. Và trong quá trình thực hiện mua bán, vợ chồng ông Cường bà Nga cho rằng ông Cường bị đánh đập, đe dọa nên mới ủy quyền cho vợ là bà Nga đứng ra bán căn nhà cho bà Hà với giá 7 tỷ đồng.
 
Liên quan đến vấn đề ông Cường, bà Nga có bị đánh đập hay không, bà Phương Hà đã trình bày với cơ quan công an, bà cùng chồng có đến nhà vợ chồng ông Cườn, bà Nga nói chuyện, giữa hai bên có lớn tiếng. Căn cứ vào trình bày này, TAND Đà Nẵng “hồn nhiên” cho rằng, có cơ sở để xác định ông Cường  ủy quyền cho bà Nga định đoạt tài sản (để sau đó bà Nga bán cho bà Hà) trong tình huống bị áp lực bởi … chủ nợ. Do áp lực từ việc đòi nợ, và to tiếng giữa chủ nợ và con nợ nên được TAND Đà Nẵng xác định ông Cường không thể hiện ý chí … tự nguyện.
 
Bỗng dưng ôm nợ 12 tỷ đồng
 
Bức xúc trước căn cứ này của tòa, bà Phương Hà cho biết, tất cả các giao dịch đó đều diễn ra tại nhà riêng của ông Cường, bà Nga, tôi lại là người sinh sống và làm việc tại TP.HCM, mỗi lần ra Đà Nẵng, vào tận nhà ông Hùng bà Nga, tôi còn nơm nớp lo sợ “Tôi là người đi đòi nợ, chả lẽ tòa phải yêu cầu tôi nhẹ nhàng, năn nỉ, van xin bà Nga trả nợ cho tôi à? Việc vợ chồng ông Hùng bà Nga bán căn nhà này cho tôi là hoàn toàn tự nguyện sau khi hai bên đã thỏa thuận tất cả các điều khoản với nhau”, bà Phương Hà bức xúc.
 
Trong khi đó, dưới góc độ của một chuyên gia pháp luật, luật sư Nguyễn Hồng Bách (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, nếu bà Phương Hà đủ khả năng đánh đập, ép buộc, đe dọa ông Cường ký ủy quyền cho vợ (để vợ là bà Nga toàn quyền định đoạt tài sản, sau đó bán cho bà Hà) thì bà Phương Hà đã cấu thành tội danh “cưỡng đoạt tài sản”. “Căn cứ vào trình bày của vợ chồng ông Cường, sao tòa không chuyển vụ án qua công an Đà Nẵng? hoặc vợ chồng bà ông Cường bà Nga không tố cáo hành vi này cho công an Đà Nẵng, để cơ quan này làm rõ hành vi cưỡng đoạt tài sản của bà Phương Hà”, luật sư Bách phân tích thêm.
 
Ngoài căn cứ trên, TAND TP. Đà Nẵng còn đưa ra một số lý do như: giá bán căn nhà cho bà Phương Hà không … sát với thị trường bất động sản thời điểm đấy, bà Phương Hà sau khi hoàn tất việc mua bán chưa nhận nhà ngay… Trước những căn cứ này, theo bà Phương Hà là nực cười. Bởi theo bà Phương Hà, giữa bà với bà Nga có mối quan hệ từ trước, việc giá bán nhà là sự thỏa thuận giữa các bên, đồng thời việc chưa bàn giao nhà ngay là vì vợ chồng bà Nga xin giao nhà chậm (vì căn nhà này đang cho công ty Hùng Cường, cũng là công ty của vợ chồng bà Nga thuê).
 
Tôi cũng không hiểu sao tòa Đà Nẵng lại có thể ra một bản án vô lý đến như vậy, nếu bán án này được thực thi thì bà Nga hoàn trả lại tôi số tiền tôi đã mua cộng với lãi xuất theo ngân hàng. Về phần tôi, tôi từ người mua nhà bỗng dưng phải ôm 1 khoản nợ lên đến 12 tỷ đồng. Cụ thể, theo bản án sơ thẩm, buộc bà Hà phải hoàn trả 16 tỷ đồng cho ông Trần Huy Nhựt (người mua nhà sau này của bà Phương Hà) đồng thời phải bồi thường thêm cho ông Nhựt hơn 12 tỷ đồng – đây là số tiền tòa xác định ông Nhựt bị thiệt hại sau khi mua nhà cùa bà Phương Hà (các cơ quan chuyên môn định giá căn nhà tại thời điểm hiện tại hơn 28 tỷ đồng).
 
Theo bà Phương Hà, sau khi nhận bản án sơ thẩm của TAND Đà Nẵng bà đã làm đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án này, gửi TAND cấp cao tại Đà Nẵng.
 
Hải Dương
.