(BVPL) - Kế hoạch cưỡng chế, phương án cưỡng chế, phương án bảo vệ cưỡng chế đã được triển khai. Toàn bộ lực lượng, phương tiện đã sẵn sàng để thực hiện việc cưỡng chế đối với 9 hộ thuê quầy kinh doanh của Công ty CP Điện tử Thái Bình vào các ngày 7, 8, 9/7/2015. Tuy nhiên, chiều tối ngày 6/7/2015 Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) thành phố Thái Bình bất ngờ ra thông báo tạm dừng việc cưỡng chế trên mà không đưa ra bất kỳ nguyên nhân, lý do tại sao dừng(?). Trước việc làm bất thường này, có ý kiến cho rằng chính quyền nơi đây bất lực hay pháp luật đang bị coi thường?
Vụ việc tranh chấp thuê quầy kinh doanh giữa 9 hộ với Công ty CP Điện tử Thái Bình tại số 456, phố Lý Bôn, TP Thái Bình đã được Tòa án nhân dân TP Thái Bình thụ lý giải quyết, qua đó ban hành các bản án số 07, 08, 09, 10/2014/DSST ngày 05/08/2014 và các bản án số 11, 12, 13, 14, 15/2014/DSST ngày 07/08/2014, quyết định buộc 9 hộ, gồm các ông bà: Lê Thị Thái Hà, Phạm Văn Thắm, Hứa Văn Hiếu, Trần Thị Thúy, Lương Thị Thơm, Vũ Văn Chính, Phạm Thị Thùy, Nguyễn Thị Liên, Bùi Trọng Khởi (đều trú tại TP Thái Bình) phải trả lại quầy dịch vụ cũng như trả tiền thuê quầy trong thời gian trả chậm lại quầy cho Công ty CP Điện tử Thái Bình.
|
Phía trước 9 gian hàng phải THA nơi có rất nhiều người qua lại |
Điều đáng nói là các bản án dân sự trên không bị kháng cáo, kháng nghị. Có nghĩa là các bản án dân sự sơ thẩm có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, sau khi thụ lý Chi cục THADS TP Thái Bình đã tiến hành đầy đủ các thủ tục THA theo quy định của pháp luật, tìm mọi cách động viên, giáo dục, thuyết phục nhưng 9 hộ trên không tự nguyện THA. Vì vậy, ngày 26/6/2015, Chấp hành viên Chi cục THADS thành phố Thái Bình đã ra các quyết định cưỡng chế THA số: 04, 05, 06, 07, 08, 09, 10, 11, 12/QĐ – CCTHA, và thông báo cưỡng chế số 04/TB – THA ngày 26/6/2015, đối với 9 hộ là người phải THA trả quầy thuê dịch vụ cho Công ty CP Điện tử Thái Bình. Thời gian cưỡng chế vào các ngày 07, 08, 09 tháng 7/2105.
Để thống nhất các ban, ngành khối nội chính của tỉnh cũng như của Thành phố. Ngày 4/7/2015 ông Phạm Văn Xuyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng Ban chỉ đạo THADS tỉnh Thái Bình đã yêu cầu Ban chỉ đạo THADS thành phố tổ chức cuộc họp có sự tham gia của Lãnh đạo Ban Nội chính tỉnh ủy, Lãnh đạo các ngành Công an, Tòa án, Viện kiểm sát, Cục THADS tỉnh, cùng các ông Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố... Tại cuộc họp, sau khi tất cả các đại biểu hoàn toàn nhất trí, thống nhất về thời điểm và phương án thực hiện, ông Trưởng Ban chỉ đạo THADS tỉnh đã chỉ đạo cưỡng chế THA theo kế hoạch.
Kế hoạch cưỡng chế, phương án cưỡng chế, phương án bảo vệ cưỡng chế đã được triển khai và toàn bộ lực lượng, phương tiện đã sẵn sàng để thực hiện việc cưỡng chế, cụ thể: có trên 200 công an và lực lượng dân phòng, xe cứu hỏa, xe cứu thương, thẻ cưỡng chế, lệnh cấm đường, phân luồng giao thông đã được tuyên truyền trên các phương tiên thông tin đại chúng của tỉnh, thành phố, phường... Tuy nhiên, chiều tối ngày 6/7/2015 Chi cục THADS thành phố Thái Bình lại bất ngờ ra thông báo tạm dừng cưỡng chế THA trên. Đồng thời làm thủ tục hủy các hợp đồng: thuê kho, thuê nhân công bốc dỡ hàng hóa, thuê xe tải, xe nâng, xe cứu thương, phá khóa... và phải nộp phạt do vi phạm hợp đồng (?).
Để làm rõ thông tin sự việc trên, ngày 7/7/2015 PV báo BVPL đã có buổi làm việc với Cục THADS tỉnh Thái Bình. Trao đổi về việc này, ông Nguyễn Ngọc Tăng – Cục trưởng Cục THADS tỉnh Thái Bình cho biết: “Để chuẩn bị và xây dựng kế hoạch cưỡng chế THA vụ việc này, không chỉ chúng tôi mà các ngành chức năng của tỉnh, thành phố Thái Bình cũng đã phải họp đi họp lại nhiều lần, tốn quá nhiều công sức trong nhiều tháng qua”.
Trước câu hỏi của PV, khi tất cả đã được chuẩn bị và sẵn sàng cho buổi cưỡng chế vậy tại sao đến phút chót lại ra thông báo tạm dừng việc này? Lý do nào ra quyết định này? ông Tăng dè dặt trả lời: “Do một số vấn đề nhạy cảm (?)”.
PV tiếp tục đặt câu hỏi: “Nhạy cảm như thế nào và vấn đề nhạy cảm ở đây là gì?” Ông Tăng từ chối trả lời và đề nghị PV đặt câu hỏi và sẽ trả lời bằng văn bản.
Chiều cùng ngày, PV có buổi làm việc với ông Lưu Minh Sơn – Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty CP Điện tử Thái Bình (bên được THA – PV), ông Sơn cho biết: “Tôi quá bất ngờ khi nhận được thông báo này, bởi lẽ, chiều tối ngày 6/7/2015 sau khi nhận được thông báo trên, thì đài Truyền hình, đài Phát thanh tỉnh Thái Bình cũng như trên loa phát thanh của phường vẫn tuyên truyền về lệnh cấm đường, phân luồng giao thông để phục vụ cho buổi cưỡng chế”.
Cũng theo ông Sơn: “Việc dừng cưỡng chế đã khiến hàng trăm nhân viên của công ty không có nơi làm việc. Đặc biệt, còn ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ hoàn thành dự án xây dựng Trung tâm kinh doanh Điện tử và Dịch vụ tổng hợp của công ty vì không có mặt bằng để thi công, điều này gây thiệt hại lớn về kinh tế của chúng tôi...”.
Theo quan sát của PV, tòa nhà nơi có 9 hộ phải THA đã được tháo dỡ ¾, nằm sát đường giao thông chính, ngã tư đường Trần Hưng Đạo với đường Lý Bôn TP Thái Bình. Phía trước là cổng trường PTTH Lê Quý Đôn nên có nhiều người và phương tiện qua lại, phía sau tòa nhà là công trình đang thi công, móng đào sâu và rộng có thể sụt, lún, đổ tường bất kỳ lúc nào. Hơn nữa, hiện nay đang trong mùa mưa bão nên nguy cơ mất an toàn và hậu quả làm ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng không chỉ của 9 hộ mà của cả người dân khi mua bán hàng hóa và tham gia giao thông ở khu vực này.
Dư luận xã hội cần có câu trả lời thỏa đáng trong vụ việc này là: Lý do nào có quyết định “bất thường” này? Hậu quả và những thiệt hại trên ai là người chịu trách nhiệm?
Báo BVPL sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin vụ việc trên.
Bùi Toàn – Tiến Phòng