(BVPL) - Bỏ qua chứng cứ mà cơ quan cảnh sát điều tra cung cấp để chấp nhận chứng cứ có nhiều mâu thuẫn, không đúng thực tế, có dấu hiệu làm giả của đương sự cung cấp để làm căn cứ tuyên án(!?). Việc làm khó hiểu này của hai cấp TAND tỉnh Thái Bình không chỉ làm cho Chi cục thi hành án huyện Tiền Hải phải “bó tay” sau hơn 03 năm không thể thi hành bản án này, mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế cho đương sự, khiến dư luận nơi đây bất bình.
Kỳ 1: Công an nói không, tòa nói có
Trao đổi với PV báo BVPL, ông Trần Mạnh Nhân và ông Đặng Văn Sáng (đ/c: xã Nam Hà, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), cho biết: năm 2010, ông Nhân cho ông Đặng Văn Hoản và vợ là bà Đào Thị Hòa, là người cùng xã vay 02 lần tiền với tổng số tiền là 100 triệu đồng. Khi vay có viết giấy biên nhận, lãi suất do hai bên thỏa thuận, mục đích vay tiền để mua máy xúc, thời hạn vay là 10 ngày. Tuy nhiên, sau 10 ngày, vợ chồng anh Hoản mới trả lãi chứ chưa trả gốc. Kể từ đó đến nay, vợ chồng ông Hoản vẫn chưa trả tiền gốc và lãi cho ông.
Đối với ông Đặng Văn Sáng, năm 2010, vợ chồng anh Hoản vào phường do ông Sáng làm cái phường để mua máy xúc, tổng số tiền phường là 212.700.000 nghìn đồng. Ngày 01/03/2011, vợ chồng ông Hoản lại vay nóng của anh số tiền là: 130 triệu. Tổng hai khoản vợ chồng anh Hoản nợ của ông là: 342.700.000 nghìn đồng, đến nay, họ không có ý thức trả khoản nợ này.
Sau khi vay tiền của ông Nhân và ông Sáng, khoảng cuối tháng 02/2010, vợ chồng ông Hoản có mua 01 chiếc máy xúc KOMATSU PC120 – 3 có giá 485 triệu, giấy tờ mang tên vợ ông Hoản là bà Đào Thị Hòa.
Ngày 06/9/2011, vợ chồng ông Hoản thỏa thuận bán chiếc máy xúc trên cho ông Nhân với giá 495 triệu nhưng không thành vì ông Nhân đề nghị trừ tiền vợ chồng ông Hoản nợ vào tiền mua máy.
Do không đòi được nợ và cho rằng vợ chồng ông Hoản cố tình không trả nợ, nên ngày 18/09/2011, ông Nhân và ông Sáng đã tạm giữ chiếc máy xúc KOMATSU PC120-3 để yêu cầu vợ chồng ông Hoản trả tiền đã vay và tiền phường của hai ông. Khi giữ chiếc máy xúc trên, hai ông đã trình báo công an xã Nam Cường (huyện Tiền Hải, Thái Bình).
Công an nói không…
Việc giữ chiếc máy xúc trên của ông Nhân và ông Sáng, bị ông Ngô Đức Hòa ( là anh rể của ông Hoản – PV) làm đơn đề nghị (ngày 21/9/2011) gửi công an (CA) huyện Tiền Hải giải quyết việc hai ông Nhân và ông Sáng chiếm giữ trái phép chiếc máy xúc trên của ông Ngô Đức Hòa (!?).
Sau khi nhận đơn đề nghị của ông Ngô Đức Hòa, CA huyện Tiền Hải đã tiến hành xác minh, thu thập tài liệu để làm rõ sự việc. Trong các biên bản ghi lời khai với Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) CA huyện Tiền Hải của vợ chồng ông Hoản; ông Ngô Đức Hòa đều khai số tiền mua chiếc máy xúc trên (485 triệu) là tiền của một mình ông Ngô Đức Hòa bỏ ra mua, vợ ông Hoản chỉ là người đứng tên? Tuy nhiên, kết quả xác minh của CA huyện Tiền Hải kết luận, ông Ngô Đức Hòa không có đủ căn cứ chứng minh đó là tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Vì vậy, ngày 18/10/2011, CA huyện Tiền Hải đã ra quyết định không khởi tố hình sự số 12 và 13 đồng thời chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Tiền Hải để nghiên cứu, xem xét. Cùng ngày, VKSND huyện Tiền Hải đã trả lại hồ sơ và có công văn trả lời khẳng định, cơ quan CSĐT CA huyện Tiền Hải ra các quyết định không khởi tố vụ án hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật. Sau đó, CA huyện Tiền Hải đã mời các bên lên để thông báo và hướng dẫn làm đơn khởi kiện ra Tòa án dân sự huyện Tiền Hải để giải quyết theo quy định pháp luật.
… Tòa nói có?
Sau khi nhận thông báo và hướng dẫn của CA huyện Tiền Hải, ông Trần Mạnh Nhân và ông Đặng Văn Sáng, đã làm đơn khởi kiện vụ việc trên ra Tòa án dân sự huyện Tiền Hải và được Tòa án thụ lí giải quyết. Vụ việc tưởng chừng không mấy phức tạp này, nhưng hai cấp TAND huyện Tiền Hải và TAND tỉnh Thái Bình phải tiến hành xét xử tới 04 lần, qua đó ban hành 04 bản án khác nhau. Trong đó, TAND huyện Tiền Hải thụ lý giải quyết. Vụ việc tưởng chừng không mấy phức tạp này, nhưng hai cấp TAND huyện Tiền Hải và TAND tỉnh Thái Bình phải tiến hành xét xử tới 04 lần, qua đó ban hành 04 bản án khác nhau. Trong đó, TAND huyện Tiền Hải thụ lý giải quyết bằng 02 bản án số: 04/2011/DSST, ngày 14/03/2012 về việc tranh chấp hợp đồng vay tài sản và Bản án số: 09/2012/DSST, ngày 09/11/2012 về việc tranh chấp kiện đòi tài sản. Do hai bản án trên đều bị kháng cáo nên TAND tỉnh Thái Bình phải xử phúc thẩm bằng 02 bản án số: 12/2012/DS-PT, ngày 07/06/2012 về việc tranh chấp hợp đồng vay tài sản và bản án số: 06/2013/DS-PT, ngày 29/01/2013 về việc kiện đòi tài sản. Và đây cũng là bản án có hiệu lực pháp luật ( bản án số: 06/2013/DS-PT), mà đến nay sau gan 03 năm vẫn chưa thể thi hành án?
Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến việc hai cấp TAND tỉnh Thái Bình phải đưa vụ việc này ra xét xử tới 04 lần mà vẫn không “thuận lòng người”? Chất lượng của bản án có hiệu lực pháp luật thế nào mà khiến cho cơ quan THA huyện Tiền Hải phải “bó tay” trong gần 03 năm vẫn không thể thi hành án? Dư luận đang hoài nghi về tính khách quan, công bằng và đúng pháp luật của các bản án mà hai cấp Tòa án tỉnh Thái Bình đã tuyên.
Để rộng đường dư luận, PV báo BVPL đã vào cuộc tìm hiểu, xác minh sự việc. Trao đổi với PV, ông Trần Mạnh Nhân thẳng thắn chia sẻ: “khi Tòa án xác định việc vay nợ, tiền phường và tổng số tiền mà vợ chồng ông Hoản phải trả cho tôi và anh Sáng thì các bên đều nhất trí và không có ý kiến gì. Tuy nhiên, tôi không chấp nhận việc Tòa án đưa ông Ngô Đức Hòa vào tranh tụng với vai trò là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, là người đồng sở hữu chiếc máy xúc KOMATSU PC120-3 với vợ chồng ông Hoản. Bởi lẽ, trước đó Cơ quan CSĐT CA huyện Tiền Hải, VKSND huyện Tiền Hải đều đã kết luận ông Ngô Đức Hòa không phải là chủ sở hữu chiếc máy xúc này”.
Còn ông Đặng Văn Sáng thì bức xúc, cho rằng: “Nguyên nhân ông Ngô Đức Hòa được Tòa án chấp nhận là người đồng sở hữu chiếc máy xúc trên với vợ chồng ông Hoản là do ông Ngô Đức Hòa phối hợp với vợ chồng ông Hoản “đẻ” ra “Biên bản thỏa thuận về việc mua chung máy xúc” trên (biên bản lập ngày 27/06/2010), nhằm hợp thức hóa quyền sở hữu chiếc máy xúc này để trục lợi. Việc này khiến cho vụ án trở nên phức tạp, làm thiệt hại về kinh tế của chúng tôi (ông Nhân, ông Sáng – PV)”.
Thực tế, khi đối chiếu nội dung Biên bản thỏa thuận về việc mua chung máy xúc với lời khai của vợ chồng ông Hoản và ông Ngô Đức Hòa trước cơ quan CSĐT CA huyện Tiền Hải thì có sự mâu thuẫn rất rõ ràng. Bởi, như đã nêu ở trên, trong các biên bản ghi lời khai voi Cơ quan CSĐT CA huyện Tiền Hải của vợ chồng ông Hoản và ông Ngô Đức Hòa đều khai rằng số tiền (485 triệu) mua chiếc máy xúc trên là tiền của một mình ông Ngô Đức Hòa bỏ ra mua, vợ ông Hoản chỉ là người đứng tên. Tuy nhiên, nội dung trong biên bản thỏa thuận trên lại thể hiện: “… vợ chồng Đặng Văn Hoản đã đồng ý để vợ chồng anh Ngô Đức Hòa góp tiền vào việc mua máy xúc. Chiếc máy xúc này, vợ chồng Đặng Văn Hoản đã mua của Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Sơn Tùng… trị giá chiếc máy xúc đã mua là 485 triệu đồng; vợ chồng ông Ngô Đức Hòa góp số tiền là: 315 triệu đồng; vợ chồng Đặng Văn Hoản góp số tiền là: 170 triệu đồng…”.
Vậy, tháng 02/2010 ông Hòa bỏ toàn bộ số tiền 485 triệu đồng ra để mua chiếc máy xúc trên, đến tháng 06/2010, ông Ngô Đức Hòa lại bỏ tiền 315 triệu đồng để mua lại chính máy xúc của mình!? Mặt khác, mặc dù Biên bản thỏa thuận mua chung máy xúc trên đã được Chủ tịch UBND xã Tây Lương xác nhận ngày 28/06/2010, tuy nhiên vị Chủ tịch này chỉ ký xác nhận: “Anh Ngô Đức Hòa có hộ khẩu thường trú xã Tây Lương là đúng”, chứ không hề xác nhận nội dung của biên bản.
Việc TAND huyện Tiền Hải và TAND tỉnh Thái Bình khi xét xử vụ án trên mà không căn cứ vào hồ sơ xác minh và kết luận của Cơ quan CSĐT CA huyện Tiền Hải, VKSND huyện Tiền Hải mà lại lấy Biên bản thỏa thuận về việc mua chung máy xúc của ông Ngô Đức Hòa cung cấp để làm căn cứ quyết định ông Ngô Đức Hòa là người đồng sở hữu chiếc máy xúc trên, liệu đã đử cơ sở và căn cứa pháp luật?
Dư luận đặt câu hỏi: Kết luận của Cơ quan CSĐT CA huyện Tiền Hải, VKSND huyện Tiền Hải là đúng hay sai, tại sao Tòa án không lấy kết luận này làm căn cứ xét xử vụ án ? Biên bản thỏa thuận mà ông Ngô Đức Hòa cung cấp cho Tòa án có nhiều mâu thuẫn, không đúng thực tế lại được hai cấp Tòa án tỉnh Thái Bình “ưu tiên” lấy làm căn cứ? Việc bản án trên sau 03 năm không thể thi hành án có phải nguyên nhân từ đây?
Bùi Toàn