(BVPL) - Ngay từ khi mới về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị đã tỏ ra quyết liệt trong việc xử lý các công trình xây dựng sai phạm. Người dân Hà Nội và dư luận cả nước còn nhớ rất rõ những phát ngôn, chỉ đạo quyết liệt của ông. Và lần này, khi TP. Hà Nội quyết định kiên quyết cắt bỏ phần sai phạm “khủng” tại công trình số 8B Lê Trực (chủ đầu tư sẽ bị thiệt hại nhiều tỷ đồng), người dân Thủ đô và dư luận cả nước lại mong chờ  xem ông Bí thư Thành ủy sẽ chỉ đạo xử lý công trình sai phạm của ông PGĐ Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh ( tại ngõ 8 Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm)  như thế nào?

Công trình nhà A3, ngõ 8 Lý Nam Đế, chủ đầu tư được cấp phép 6 tầng nhưng đã xây ngạo nghễ lên 10 tầng, “vượt mặt” tất cả các ngôi nhà khác trong khu vực. Sát bên cạnh đó, nằm ngay mặt đường Lý Nam Đế tòa nhà của Báo Quân đội Nhân dân chỉ được phép xây 6 tầng! Qua tìm hiểu của phóng viên, rất nhiều người dân không khỏi bất bình khi biết rằng: Dù đã xây sai phép nhưng hệ thống chính quyền, cơ quan chức năng ở Hà Nội như bị “tê liệt” khi công trình trên vẫn ngang nhiên tồn tại, thách đố dư luận? Công trình này không những không bị đình chỉ, cưỡng chế theo quy định của pháp luật mà vẫn tiếp tục hoàn thiện để có thể nhanh chóng đi vào khai thác, sử dụng. Mặc dù nằm sát Bộ Quốc phòng nhưng công trình này cao tới gần 50m, vượt lên trên tất cả các ngôi nhà bên cạnh, đứng trên tòa nhà này có thể quan sát trọn vẹn Bộ  Quốc phòng. Vì thế, dư luận không thể không đặt câu hỏi: Đang có những thế lực “bảo kê” cho công trình này không bị cưỡng chế, cắt ngọn như nhiều công trình khác??? Trách nhiệm để xảy ra vi phạm “khủng” tại công trình này thuộc về ai??? Đó là những câu hỏi mà người dân, dư luận cần có câu trả lời từ lãnh đạo TP. Hà Nội - đặc biệt là trong bối cảnh Hà Nội đang đẩy mạnh thực hiện năm “Văn minh đô thị”….
 
 

 

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4) đề nghị cần phải vào cuộc, điều tra xử lý nghiêm đối với công trình tại ngõ 8, Lý Nam Đế. Bởi vì, công trình này do ông Nguyễn Hoàng Linh – PGĐ Sở GTVT Hà Nội đứng tên. Ông Linh là cán bộ do Thành ủy Hà Nội quản lý nên càng phải xử lý nghiêm để tránh gây mất uy tín, niềm tin đối với quần chúng nhân dân…


Dưới góc độ an ninh quốc phòng, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh (nguyên Cục phó Cục Tác chiến - Bộ Quốc phòng), tòa nhà trên nằm sát Bộ Quốc Phòng mà xây ngạo nghễ như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc đảm bảo an ninh quốc phòng. Bản thân ông và nhiều vị tướng lĩnh khác dù cống hiến nhiều cho đất nước nhưng khi xây dựng nhà cũng phải tuân thủ đúng quy định, trường hợp sai phạm cũng bị dỡ bỏ, không có ưu tiên gì.

Nhìn lại gần chục năm qua, trong suốt thời gian từ khi mới về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội đến nay, ông Phạm Quang Nghị luôn tỏ rất quyết liệt trong việc xử lý các công trình xây dựng sai phạm. Còn nhớ, tại cuộc giao ban tháng 6/2007, ông Phạm Quang Nghị đã phát biểu: "Không có cấp trên nào chỉ đạo, can thiệp khác đi nếu chúng ta làm đúng". Tháng 3/2014, tại buổi kiểm tra thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị” ở quận Đống Đa, ông Phạm Quang Nghị cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số tuyến phố vi phạm TTXD, nhếch nhác mất mỹ quan đô thị là một phần do buông lỏng quản lý và việc triển khai thực hiện không kiên quyết. Đặc biệt có trường hợp còn có thỏa thuận ngầm với người làm sai, nộp tiền thì không phá dỡ. Vị Bí thư Thành ủy khẳng định Hà Nội không thể chấp nhận việc dùng tiền để “chuộc” các công trình xây dựng vi phạm. Và thực tế, những năm qua đã có hàng loạt công trình xây dựng sai phạm ở Hà Nội bị xử lý, thậm chí bị cắt ngọn như: công trình số 2 ngõ 31 Nguyễn Chí Thanh bị cắt ngọn 5 tầng; số 4 Đặng Dung phải phá dỡ 13m; tòa nhà 221-223 Bạch Mai bị cưỡng chế phá dỡ 5 tầng; tòa nhà số 9 Đào Duy Anh bị cắt ngọn 2 tầng hay như việc cắt bỏ hàng loạt tầng tại nhà số 167 - 169 Bùi Thị Xuân…
 
Chuyện các công trình xây vượt tầng ở Hà Nội chẳng khác những con rắn Hy-đra trong thần thoại Hy Lạp, chặt đầu này nó mọc ngay đầu khác. Hà Nội có đủ các qui định pháp lý để ngăn chặn và xử lý xây dựng sai phép, nhưng vì sao chuyện này vẫn đâu đóng đấy? Có lẽ nguyên nhân của vấn nạn nay như chính ông Phạm Quang Nghị từng nói với báo chí, nguồn lợi từ vi phạm TTXD là rất lớn, nên chủ đầu tư chỉ cần dùng 30% để "chạy", thì sẽ làm hư hỏng cán bộ, đủ tạo nên những rào cản còn khó phá hơn cả bê tông. Vậy làm thế nào để có thể chặt đầu “con rắn” xây nhà sai phép? Cách xử lý cũng đơn giản thôi, chính như ông Bí thư Thành ủy mới nêu gần đây, rằng yêu cầu trước hết phải áp dụng các biện pháp nghiêm khắc đã từng thực hiện những năm 2006, 2007 như “cắt ngọn”, không cung cấp điện, nước, không cho vận chuyển vật liệu, cán bộ có sai phạm liên quan phải bị xử lý nghiêm. Vấn đề là những biện pháp chẳng có gì mới ấy, có được thực hiện không? Thực tế là sau đợt ra quân những năm 2006, 2007 còn chưa chặt hết đầu những “con trằn tinh nọ” thì nay, chuyện những ngôi nhà như của ngài Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội lại đang là “con trằn tinh” khủng thách thức quyết tâm của Thành phố Hà Nội!
 
Trao đổi với báo chí bên lề buổi tiếp xúc cử tri tại quận Đống Đa hôm 29/9/2015, ông Phạm Quang Nghị nói: Tinh thần của thành  phố lâu nay là những công trình vi phạm TTXD đều bị xử lý minh bạch, rất nghiêm túc, không loại trừ một dự án, công trình nào. Người dân và dư luận hy vọng, sẽ không có “vùng cấm” đối với công trình sai phạm của ông Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh (một cán bộ do Thành ủy Hà Nội quản lý). Bởi, lời nói của người đứng đầu Thành ủy Hà Nội không phải chuyện đùa…

 

 

Hồng Quang

 

.