(BVPL) - Từng là chủ doanh nghiệp thành đạt trong ngành xây dựng, đi xe tiền tỷ, là chủ sở hữu hệ thống nhà hàng khách sạn, quán cà phê sang trọng và nhiều khu đất với giá trị ước tính tới hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng, sau ly hôn, ông Phan Văn Mười (SN 1970, ngụ 93/66/10 Lũy Bán Bích, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) lại cay đắng khi rơi vào tình cảnh gần như trắng tay. Vì đâu nên nỗi?
Trắng tay vì vợ "trả nợ" chồng mới
Không quá nổi tiếng về độ giàu có nhưng vợ chồng ông Phan Văn Mười và bà Phan Thị Bé, chủ quán cà phê sang trọng tọa lạc tại thị trấn Bến Lức, tỉnh Long An đều không ai xa lạ. Ông Mười và bà Bé cưới nhau năm 1995 và chính thức đăng ký kết hôn năm 1999. Sau khi kết hôn, vợ chồng bà Bé và ông Mười chung sống tại quận Tân Phú, TP.HCM được 2 năm thì chuyển về làm ăn sinh sống tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Những năm đầu, thuận vợ đồng chồng, chăm chỉ làm ăn nên hai vợ chồng đã tạo dựng cơ nghiệp tại Long An với số tài sản trong tay lên tới nhiều tỷ đồng. Không những vậy, cuộc sống vợ chồng cũng ngày một hạnh phúc với hai đứa con khỏe khoắn, xinh đẹp lần lượt ra đời khiến không ít người mơ ước. Hạnh phúc được xây dựng trên nền tảng như thế cứ ngỡ vững chắc, nào ngờ biến cố đã xảy ra khi hai vợ chồng ông Mười, bà Bé đưa nhau ra Toà để ly hôn. Và cay đắng hơn, từ một người đàn ông thành đạt, thì sau phiên toà này, ông Mười thành một kẻ trắng tay.
|
Sau khi ly hôn, ông Phan Văn Mười hàng ngày chạy xe ôm mưu sinh |
Theo đó, ngày 06/11/2012, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Long An đưa vụ án ra xét xử. Sau phán quyết của Toà, ông Mười chẳng còn gì sau bao năm vất vả ngược xuôi, thậm chí hai đứa con mà ông rất mực thương yêu cũng thuộc quyền nuôi dưỡng của vợ ông. Tại Tòa sơ thẩm TAND tỉnh Long An, ông Mười cho biết: Ngoài tài sản được người vợ mang đi định giá hơn 12 tỷ đồng, vợ chồng ông còn có chiếc xe ô tô hiệu Lexus 470 trị giá khoảng 2 tỷ đồng mà bà Bé đang đứng tên sử dụng. Và 5 tỷ đồng góp vốn vào Công ty TNHH Phương Nga do ông Võ Công Bình (SN 1956, ngụ 119 Hùng Vương, phường 2, TP. Tân An, tỉnh Long An) làm giám đốc.
Theo liệt kê tài sản mà bà Bé khai tại Tòa, tổng giá trị tài sản gần 12,5 tỷ đồng gồm nhiều nhà, đất và tài sản khác. Nhưng bà Bé lại nợ ông Võ Công Bình ngụ 119 Hùng Vương, phường 2, TP. Tân An, tỉnh Long An(chồng mới của bà Bé hiện nay - PV) đến hơn 13,6 tỷ đồng. Ngoài khoản nợ ông Bình, bà Bé còn nợ Ngân hàng TMCP Bản Việt hơn 651 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Mười chỉ thừa nhận phần nợ hơn 651 triệu đồng đối với Ngân hàng Bản Việt. Riêng phần nợ giữa vợ và ông Bình là không có cơ sở và cũng không liên quan đến tài sản chung. Có lẽ do "quá lố" trong việc tẩu tán tài sản ly hôn, chuẩn bị quá kỹ cho cuộc sống hôn nhân mới, nên sau đó chồng mới của bà Bé là ông Bình phải "phóng khoáng" giảm ngay 2 tỷ đồng tiền lãi cho vợ tương lai và người chồng cũ của cô ta. Điều đáng nói, ông Bình không thèm xuất hiện tại Tòa mà ủy quyền cho luật sư thực hiện “nghĩa cử” cao đẹp này. Với liệt kê nợ này, bà Bé yêu cầu được quản lý toàn bộ tài sản gồm các bất động sản, động sản để thanh toán nợ cho chồng mới. Theo đó, ngoài tài sản mà bà Bé đang quản lý, tài sản mà ông Mười đang quản lý phải chuyển cho bà Bé để bà bán trả nợ cho ông Bình và Ngân hàng Bản Việt vì đây là nợ chung của vợ chồng. Sau khi trả nợ chung xong, nếu... còn thì chia đều cho hai người.
Bản án số 13/2013/HNGĐ-PT ngày 17/6/2013 của Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã dập tắt hoàn toàn hi vọng của người đàn ông tội nghiệp này khi chấp nhận đơn yêu cầu ly hôn đối với ông Mười của bà Bé. Đồng thời, giao cho bà Bé nuôi dưỡng hai con chung. Theo đó, toàn bộ bất động sản và động sản đều giao cho bà Bé quản lý sử dụng, sau khi xử lý xong nợ bà Bé chia cho ông Mười là 23.728.808 đồng và 2 chiếc xe máy mà ông Mười đang sử dụng. Như vậy, tài sản chung có tổng giá trị hơn 13,9 tỷ đồng nhưng vì nợ ông Bình (chồng mới của bà Bé) nên thành ra trắng tay?
Tòa tỉnh “dài tay” xử ly hôn
Lẽ ra việc thụ lý giải quyết vụ ly hôn của vợ chồng ông Mười - bà Bé phải do TAND huyện Bến Lức thụ lý theo đúng thẩm quyền. Nhưng lấy lý do tài sản tranh chấp "quá lớn", TAND tỉnh Long An đã "dài tay" nhiệt tình mang vụ ly hôn lên cấp tòa tỉnh để thụ lý, xét xử sơ thẩm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích chính đáng cho ông Mười. Trong khi, vụ án hoàn toàn có thể xét xử ở Tòa cấp huyện theo đúng quy định pháp luật.
Phán xét về việc phân chia tài sản khi ly hôn giữa ông Mười và bà Bé, khiến dư luận tại Long An đặt ra không ít câu hỏi về sự công tâm của TAND tỉnh Long An. Cụ thể, phần tài sản được cho tặng và tạo lập trong thời gian hôn nhân lẽ ra phải được xác định là tài sản chung, cả hai đều có quyền ngang nhau. Thế nhưng, việc trả lại tài sản hồi môn cho gia đình bên vợ đã đành! Việc biến nợ riêng thành nợ chung, khi con nợ và chủ nợ có quan hệ tình cảm, ở chung một nhà lại không được xem xét, làm rõ?
Đây là khoản nợ rất đáng ngờ mà bà Bé trả cho chồng mới. Nợ với giá trị lớn gần bằng tài sản nhưng lại không có chữ ký của ông Mười, vợ mượn nợ nhưng chồng lại hoàn toàn không hay biết. Đó là chưa nói, vợ mượn nợ hàng tỷ đồng của người đàn ông sẽ là chồng mới của mình thì có gì chứng minh là bà Bé sẽ mang số tiền này về làm ăn để lo cho cuộc sống gia đình mới? Dù trước đó, bà Bé cũng đã ký hợp đồng góp vốn 5 tỷ đồng vào công ty của ông Võ Công Bình?... Như vậy, chẳng lẽ bà Bé ký hợp đồng góp 5 tỷ đồng vốn vào công ty ông Bình để cùng kinh doanh nhưng sau đó không góp mà lại mượn nợ ông Bình 5 tỷ để mang về nhà?
Theo Luật sư Phan Ngọc Băng –Trưởng văn phòng luật sư Quỳnh Hương thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM, khi tranh chấp về tài sản chung của vợ chồng, rất phổ biến tình trạng lợi dụng kẽ hở pháp luật quy định về hợp đồng vay nợ không cần phải công chứng, chứng thực vẫn có giá trị pháp lý làm chứng cứ để đòi nợ. Họ thường “tạo ra” giấy viết tay vay nợ tương ứng với thời điểm tạo lập tài sản, để yêu cầu Tòa xét xử buộc bên tranh chấp tài sản chung phải cùng trả nợ. Yêu cầu này dễ được chấp nhận vì rất khó chứng minh khả năng tài chính của vợ chồng khi tạo lập tài sản chung.
Thiết nghĩ, trong vụ án này Tòa án hoàn toàn có thể làm rõ khoản nợ này từ mối quan hệ của con nợ và chủ nợ để đòi hỏi những chứng cứ pháp lý cho nguồn nợ này có thật sự tồn tại.
Nhóm PVPL