(BVPL) - Cho người khác vay tiền, nhận thế chấp bằng “sổ đỏ”, khi quá hạn, con nợ đã đồng ý sang tên mảnh đất cho chủ nợ. Nhưng cuối cùng, con nợ lại dính vào một vụ tranh chấp khác, TAND Thành phố Sơn La đã tiến hành xét xử và bỏ mặc quyền lợi chủ nợ cùng các giấy tờ chứng minh.
Một giao dịch dân sự đúng pháp luật
Mới đây, ông Đỗ Hữu Năm , trú tại số nhà 89, đường Nguyễn Lương Bằng, tổ 8, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La có Đơn đề nghị gửi lên Báo BVPL về vụ việc của gia đình ông. Tháng 6/2013, ông Năm có cho ông bà Chiến, Lam (phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La) vay số tiền 1,5 tỷ đồng để mua mảnh đất ở gần nhà. Khoảng tháng 8/2013, UBND thành phố Sơn La đã sang tên Giấy chứng nhận QSDĐ số I407663 cấp ngày 02/4/1997 của chủ cũ cho ông bà Chiến, Lam. Ông bà Chiến Lam đã thế chấp sổ này cho ông Năm, cam kết chưa thế chấp cho cơ quan, cá nhân nào để vay thêm 400 triệu đồng nữa. Tuy nhiên, do làm ăn thua lỗ nên ông bà Chiến, Lam không thể hoàn trả số tiền vay cho ông Năm theo thỏa thuận mà chỉ trả được tiền lãi. Do đó, ngày 02/01/2014, hai bên đã thoả thuận dồn cả tiền vay đợt 1 và đợt 2 thành một giấy vay có tổng số tiền là 1,9 tỷ đồng. Sau đó vài tháng, nhận thấy không có khả năng trả gốc và lãi số tiền trên nên ông bà Chiến Lam đã đồng ý chuyển nhượng “sổ đỏ” trên cho ông Năm để cấn trừ toàn bộ số nợ gốc và lãi. Ngày 29/8/2014, hai bên lập Biên bản thoả thuận sẽ đưa vụ việc ra TAND thành phố để tiến hành công nhận thỏa thuận đương sự về vụ việc.
|
Ông Đỗ Hữu Năm bên mảnh đất 76m2 tại phường Quyết Thắng |
Ngày 12/9/2014, TAND thành phố Sơn La đã ra Quyết định công nhận thoả thuận đương sự số 43/QĐST-TCDS giữa nguyên đơn Đỗ Hữu Năm – Tạ Thị Chiên và bị đơn Cầm Lam – Đinh Thị Chiến. Trong đó, ghi nhận sự tự thoả thuận của các đương sự theo bên bản ngày 29/8/2014 như sau: ông Đỗ Hữu Năm và Tạ Thị Chiên được quyền sử dụng, quyền sử dụng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số sơ ri số I407663; số vào sổ 1602/QSDĐ theo Quyết định số 399/QĐ-UB ngày 02/4/1997 của UBND tỉnh Sơn La (Đã được chuyển nhượng ngày 23/8/2013 mang tên ông Cầm Lam và bà Đinh Thị Chiên); diện tích sử dụng 76m2 tại phường Quyết Thắng - TX Sơn La – tỉnh Sơn La. Ông bà Cầm Lam – Đinh Thị Chiến chuyển quyền sử dụng đất (đã thế chấp) cho ông Đỗ Hữu Năm và bà Tạ Thị Chiên để đối trừ số tiền nợ 1,9 tỷ đồng. Ông bà Đỗ Hữu Năm và bà Tạ Thị Chiên được toàn quyền sử dụng thửa đất trên, kể từ ngày Tòa án ra Quyết định.
Thế nhưng, khi chuẩn bị bán mảnh đất thì ông Năm không thể ngờ, một giao dịch dân sự đúng pháp luật của ông và bà Chiến lại rơi vào tình huống pháp lý hi hữu khác.
Áp dụng không đúng pháp luật?
Vào cuối năm 2012 đến giữa năm 2013, bà Chiến làm ăn thua lỗ lớn khi hợp tác với ông H. (thường trú của một cơ quan báo chí lớn) và bà Lê Thị Thanh Sơn (phường Quyết Tâm – thành phố Sơn La). Để khắc phục tình trạng trên, bà có vay tiền của ông Đỗ Hữu Năm như đã nêu trên và vay của bà Đỗ Hải Lan (phường Tô Hiệu – thành phố Sơn La) số tiền 1,35 tỷ đồng. Ngày 13/01/2014, bà Chiến và bà Lan đã lập Biên bản thỏa thuận với nội dung: cùng nhau đi đòi nợ bên thứ 3 là Lê Thị Thanh Sơn; khi nào đòi được tiền thì bà Chiến sẽ trả cho bà Lan số tiền nợ 1,35 tỷ đồng. Biên bản này đã được bà Lan đọc kĩ, hiểu rõ và kí vào công nhận thoả thuận dân sự này. Trong Biên bản không hề đề cập gì đến việc thế chấp tài sản hay xung đột với quyền lợi của bất cứ người nào.
Ngày 22/12/2014, TAND Thành phố Sơn La lại mở phiên tòa xét xử vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn là bà Đỗ Hải Lan và bị đơn là bà Đinh Thị Chiến. Tại phiên tòa, Thẩm phán Phan Thị Hoa đã tuyên Quyết định buộc ông Lam, bà Chiến phải trả số tiền gốc vay là 1,35 tỷ đồng kèm theo tiền lãi là hơn 101 triệu đồng. Tòa cũng chấp nhận đề nghị của bà Lan áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) cấm chuyển nhượng thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số I407663; Đã được chuyển nhượng ngày 23/8/2013 mang tên ông Cầm Lam và bà Đinh Thị Chiến có diện tích sử dụng 76m2 tại phường Quyết Thắng – TP. Sơn La – tỉnh Sơn La.
Có hai vấn đề nghi vấn căn cứ theo các quy định về quy trình, thủ tục tố tụng cần được đặt ra sau kết quả của phiên toà này. Đó là, mảnh đất này đã được bà Chiến sang nhượng cho ông Đỗ Hữu Năm căn cứ theo Quyết định công nhận thỏa thuận đương sự của chính TAND TP. Sơn La. Quyết định này đã bị kháng nghị và hủy sau đó nhưng cũng đã có đủ căn cứ pháp lý để xác nhận quyền và nghĩa vụ liên quan của ông Năm trong vụ việc. Tuy nhiên, TAND thành phố Sơn La không mời ông Năm tham dự phiên tòa là vi phạm thủ tục tố tục.
Việc Tòa án ra Quyết định BPKCTT “cấm đương sự thực hiện hành vi nhất định”(ở đây được hiểu là chuyển quyền sử dụng đất- pv) là không đúng với qui định tại Điều 120 Bộ LTT dân sự và Nghị quyết số 02/2005 của Hội đồng thẩm phán TANDTC.
Quá trình xét xử vụ án kiện đòi nợ, Toà án không huỷ bỏ BPKCTT đã áp dụng, gây khó khăn cho đương sự trong việc thực hiện quyền của người sử dụng đất. Đến nay, án đã phát sinh hiệu lực không còn thời hạn để kháng nghị giám đốc thẩm và không thuộc trường hợp phát sinh tình tiết mới xem xét theo trình tự tái thẩm, trong khi quyền lợi của người thứ 3 chưa được giải quyết. Đáng nhẽ, TAND thành phố Sơn La phải ra Quyết định huỷ bỏ BPKCTT tại thời điểm Quyết định công nhận thoả thuận đương sự số 43/QĐST-TCDS. Việc Tòa không hủy BPKCTT đã làm tổn hại đến quyền lợi hợp pháp của ông Đỗ Hữu Năm, sau đó xét xử lại không mời ông Năm có mặt khiến ông tiếp tục bị thiệt hại nặng nề.
Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, xem xét lại trường hợp của ông Đỗ Hữu Năm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân.
Đức Thắng