Như Báo Bảo vệ pháp luật đã thông tin, hiện tại ở phòng làm việc của ông Trần Văn Thư - Bí thư, Chủ tịch UBND xã Ân Phú, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đang lưu giữ 26 đạo sắc phong các đời vua ban.
Điều đáng nói, 26 đạo sắc phong này vốn dĩ được lưu giữ tại chùa Am - di tích văn hoá cấp quốc gia ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Thời điểm làm hồ sơ đề nghị công nhận di tích văn hóa cấp quốc gia, những đạo sắc phong này được thống kê, trình lên trong hồ sơ xét duyệt là di vật, hiện vật do chùa Am lưu giữ, bảo quản.
|
|
Chùa Am - Di tích văn hóa cấp quốc gia, nơi lưu giữ 41 đạo sắc phong ban đầu.
|
Lúc bàn giao, có chính quyền, cơ quan chức năng tỉnh, huyện, xã đồng ý, chứng kiến
Đó là khẳng định của ông Trần Văn Thư - Bí thư, Chủ tịch UBND xã Ân Phú khi được PV Báo Bảo vệ pháp luật hỏi về việc di dời, bàn giao 26 đạo sắc phong từ chùa Am (Đức Thọ) về xã Ân Phú (Vũ Quang) đã được sự đồng ý của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng hay chưa?
Ông Thư cho biết, thời điểm nhận bàn giao 26 đạo sắc phong là năm 2011: “Số sắc phong đó nhận từ chùa Am đưa về. Bàn giao có xin phép, có sự đồng ý của cấp tỉnh (Sở Văn hóa), huyện và 2 xã. Lúc bàn giao có sự chứng kiến của Chủ tịch 2 huyện, Chủ tịch 2 xã, con em 2 địa phương và đại diện Sở Văn hóa… Có Giám đốc bảo tàng ký xác nhận bàn giao”.
|
|
Ông Trần Văn Thư - Bí thư, Chủ tịch UBND xã Ân Phú (Vũ Quang).
|
Cũng theo ông Thư, khoảng năm 2006, con em Ân Phú ra chùa Am thắp hương, phát hiện ra có những đạo sắc phong đang lưu giữ tại đây nói về đền Vại và Ân Phú. Thời điểm đó địa phương cũng làm hồ sơ đề nghị công nhận di tích văn hóa cấp tỉnh cho đền Vại, nên đã có báo cáo, có tờ trình xin được bàn giao lại những đạo sắc phong này đưa về đền Vại để thờ tự, cũng như để làm hồ sơ di vật, hiện vật liên quan đến đền Vại.
Lý giải vì sao 26 sắc phong lúc đã nhận bàn giao không lưu giữ, thờ tự tại đền Vại, mà lưu giữ, thắp hương cúng bái ngay tại phòng làm việc của mình, ông Trần Văn Thư cho biết: Chỗ lưu trữ của đền Vại không đảm bảo an ninh, điều kiện lưu giữ, bảo quản và bảo vệ không đảm bảo, nên phải lưu giữ trong tủ làm việc ở phòng Chủ tịch UBND xã.
Đối với việc thắp hương, cúng bái ngay trong phòng làm việc của mình, ông Thư cho biết, là làm theo tín ngưỡng văn hóa, lúc đưa sắc phong đi về đền Vại làm lễ và lúc đón về cất giữ, phải thắp hương.
|
|
Sắc phong được thắp hương, cúng bái trong phòng làm việc.
|
“Cúng bái là làm theo tín ngưỡng, đưa đi phải thắp hương, đưa về cũng phải thắp hương” – Ông Thư nói.
Trước nghi vấn liệu còn nguyên vẹn số lượng 26 đạo sắc phong như ban đầu, cùng hồ sơ tài liệu bàn giao, lưu giữ theo quy định? Ông Thư cho biết, nếu cơ quan công quyền của nhà nước vào làm việc thì sẽ cung cấp đầy đủ.
“Bàn giao khi chưa được sự đồng ý của Bộ Văn hóa là trái luật”
Đây là khẳng định của giới chuyên môn khi được PV Báo Bảo vệ pháp luật tham vấn ý kiến, liên quan đến việc di dời hiện vật từ chùa Am (là ngôi chùa đã được công nhận di tích văn hóa cấp quốc gia) đến địa điểm, địa phương khác. Việc di dời, bàn giao 26 đạo sắc phong từ chùa Am về xã Ân Phú khi chưa được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch là trái Luật Di sản.
Trực tiếp, ông Hồ Quốc Tuấn, nguyên Trưởng phòng Văn hoá huyện Đức Thọ (địa phương có chùa Am) cho biết: “Khi họp để bàn giao tôi đã kiên quyết phản đối, không đồng tình vì bàn giao là trái với Luật Di sản, bởi Chùa Am là Di tích văn hoá cấp quốc gia nên di chuyển các hiện vật ra khỏi chùa phải có ý kiến bằng văn bản của Bộ Văn hóa…”.
|
|
Một số bản sắc phong và dịch nghĩa (Ảnh chụp lại từ Báo Hà Tĩnh).
|
Theo ông Tuấn, thời điểm đó ông và cán bộ chuyên môn ở huyện nhận được sự chỉ đạo của UBND huyện về việc phối hợp với Sở Văn hóa, thể thao, du lịch kiểm tra đánh giá lại các sắc phong tại chùa Am. Đoàn của Sở về làm việc, sau đó họp với các xã để tiến hành bàn giao sắc phong từ chùa Am về Ân Phú.
“Tôi là người chịu trách nhiệm tham mưu về mặt chuyên môn của huyện Đức Thọ, nên tôi đã kiên quyết phản đối. Việc di dời các sắc phong ra khỏi chùa Am là ngôi chùa đã được công nhận là Di sản Văn hóa cấp quốc gia thì bắt buộc phải có ý kiến của Bộ Văn hóa, thể thao, du lịch. Mặc dù chịu sức ép từ nhiều phía nhưng tôi vẫn nhất quyết không đồng ý” – Ông Tuấn cho biết.
|
|
Sắc phong được phát hiện, lưu giữ ở chùa Am (Ảnh chụp năm 2006 - NB Trần Đức Thọ).
|
Dẫu đã có ý kiến của cán bộ chuyên môn như vậy, Luật đã quy định như vậy, nhưng sau đó việc di dời, bàn giao 26 đạo sắc phong từ chùa Am về Ân Phú vẫn diễn ra.
Là người trực tiếp đại diện Sở Văn hóa, thể thao, du lịch Hà Tĩnh làm việc về vấn đề này thời điểm đó, ông Trí Sơn (Trưởng phòng Di sản lúc đó) cho biết: “Sau khi nhận được đề xuất của địa phương, Sở Văn hóa đã làm việc với 2 huyện Đức Thọ và Vũ Quang và thống nhất chuyển giao một số sắc phong liên quan từ Chùa Am về Ân Phú. Sở Văn hóa thời điểm đó có tôi và chị Thư Hiền là Phó Giám đốc chứng kiến việc bàn giao các sắc phong này”.
|
|
Một trong những biên bản bàn giao sắc phong.
|
Ông Trần Hồng Dần, nguyên Giám đốc bảo tàng Hà Tĩnh, là người trực tiếp lập hồ sơ về di sản đề nghị công nhận chùa Am là Di tích văn hóa cấp quốc gia, cũng cho biết những nét chính về chùa Am và 41 đạo sắc phong lưu giữ tại đây, nhận định: “Lý do vì sao các sắc phong này lại được di dời sang một địa điểm khác thì tôi không nắm rõ vì lúc đó tôi đã nghỉ hưu. Tuy nhiên việc di dời các sắc phong đã được thống kê trong hồ sơ công nhận Di tích Văn hóa cấp Quốc gia thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Văn hóa – Thông tin theo qui định của Luật Di sản”.
Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.