(BVPL) - Giở tập hồ sơ dày cộm mà gia đình đã đi khiếu nại hàng chục năm nay cho chúng tôi xem, ông Lý Quan Xệ, ngụ tại 160/4, khu vực 8, phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ không nén được nỗi bức xúc:" Gia đình tôi có ông nội theo kháng chiến được tặng Huy chương, cha tôi thì nuôi giấu cách mạng trong vườn nhà mình...thế mà chỉ vì một Quyết định của UBND tỉnh Hậu Giang cũ cách nay 36 năm mà gia đình phải lâm vào cảnh khốn cùng thời gian dài do thiếu đất sản xuất.".
 
Chính quyền địa phương ra Quyết định sai?
 
Chuyện là, ông Lý Quan Ngự (cha ông Xệ ) thừa kế của cha ruột mình là ông Lý Vĩnh Cửu lô đất hương hỏa (bằng khoán số 614 ) với diện tích 5,94 ha tại xã Tân An cũ (bây giờ là phường An Bình, quận Ninh Kiều) từ trước ngày giải phóng. Đất này đã bị chế độ cũ truất hữu 1,8 ha nhưng chưa bồi thường. Ngày 20/06/1978, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định số 631/QĐ-UBT.78 có nội dung, ông Lý Quan Ngự là địa chủ, chiếm hữu ruộng đất phát canh thu tô, đất đã truất hữu và chiếm lại phát canh. Thu hồi đất truất hữu, trưng thu đất và vườn phát canh, gia đình ông Ngự được giao lại đất và vườn theo bình quân nhân khẩu để tự lao động sản xuất. 
 
 Mộ phần của ông Lý Vĩnh Cửu giáp Trại Rau Răm, quận Ninh Kiều.
Mộ phần của ông Lý Vĩnh Cửu giáp Trại Rau Răm, quận Ninh Kiều.
 
Từ Quyết định trên, chính quyền địa phương chỉ giao lại cho gia đình ông Ngự 3.060m2 đất vườn và thổ cư. Phần đất còn lại, ngày 15/06/1981, UBND tỉnh Hậu Giang cũ ban hành Quyết định số 208/QĐ-UBT.81 giao Công an thành phố Cần Thơ (nay là quận Ninh Kiều ) sử dụng làm Trại giam Rau Răm và phục vụ cải tạo lao động (diện tích 22.780m2) do Công an quản lý cho đến nay.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Quyết định của UBND tỉnh Hậu Giang năm 1978 trưng thu toàn bộ đất ruộng và vườn của gia đình ông Lý Quan Ngự là dựa vào Quyết định số 188/CP ngày 25/09/1976 của Hội đồng Chính phủ "cho phép địa chủ kháng chiến và địa chủ thường hiến ruộng: Đối với địa chủ thường thì vận động họ hiến nếu họ không hiến hoặc hiến không hết thì chính quyền tỉnh ra quyết định trưng thu. Đối với địa chủ kháng chiến cũng vận động họ hiến là chính, trong một số trường hợp cũng có thể trưng mua một phần. Nếu gia đình địa chủ nêu trên sống ở nông thôn, nên để lại cho mỗi người trong gia đình một số ruộng đất tương đương bình quân nhân khẩu nông nghiệp ở địa phương".
 
Thế nhưng, Quyết định của UBND tỉnh Hậu Giang lúc bấy giờ đã thực hiện không đúng với nội dung Quyết định 188/CP của Hội đồng Chính phủ. Đó là: Chính quyền địa phương đối xử với gia đình ông Lý Quan Ngự như là đối tượng địa chủ ác bá, địa chủ thường mà không xem đây là địa chủ kháng chiến. 
 
Trong khi đó, ông Lý Vĩnh Cửu, cha ông Lý Quan Ngự là địa chủ theo kháng chiến, được Nhà nước tặng Huy chương vì "Đã có thành tích trong cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc". Bản thân ông Lý Quan Ngự cũng là người có công với cách mạng, nuôi chứa cán bộ, tiếp tế lương thực thuốc men...Trên đất bị trưng thu ông từng đào trên chục hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ cách mạng suốt cuộc kháng chiến đến ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng.
 
Diện tích 3.060m2 đất chính quyền địa phương để lại cho gia đình ông Ngự (gồm 11 nhân khẩu) chỉ là đất vườn và thổ cư, không có đất ruộng làm sao sản xuất lúa khi mà đang sống ở nông thôn? 
 
Ông Nguyễn Nhật Trường (tự Năm Bò), sinh năm 1939, hiện ngụ tại 167/5, khu vực 8, đường Nguyễn Văn Trường, phường An Bình, Ninh Kiều người sống ở đây từ trước đến giờ cho chúng tôi biết, vào thời điểm năm 1978, bình quân nhân khẩu nông nghiệp ở địa phương mỗi người là trên 1.000m2 đất ruộng. Như vậy, nếu chính quyền giao lại đất ruộng cho gia đình ông Ngự để canh tác sinh sống thì phải giao trên 11.000m2 mới hợp lý.
 
Rõ ràng, trong thực tế chính quyền tỉnh Hậu Giang lúc bấy giờ đã tiến hành trưng thu và giao đất cho gia đình ông Ngự một cách bất công, chưa thấu tình đạt lý và không đúng như nội dung của Quyết định 188/CP của Hội đồng Chính phủ năm 1976.
 
Nỗi bức xúc kéo dài
 
"Số đất trên 2,2 hec-ta của gia đình tôi mà Nhà nước giao cho Công an Cần Thơ làm trại giam Rau Răm, năm 2006 họ đã cắt ra 1,037 hec-ta san lắp mặt bằng, lắp cả 13 hầm chứa giấu cán bộ cách mạng trước năm 1975 để xây dựng khu tập thể cán bộ với 80 lô. Bức xúc trước việc đất của gia đình chính sách biến thành đất cán bộ, gia đình tôi tiếp tục khiếu nại quyết liệt". Ông Lý Quan Xệ nói.
 
Ông Lý Vĩnh Cửu được Huy chương kháng chiến hạng Nhì.
Ông Lý Vĩnh Cửu được Huy chương kháng chiến hạng Nhì.
 
Trong Công văn số 235/UBND-NCPC, ngày 15/01/2014, UBND thành phố Cần Thơ đã trả lời cho ông Xệ biết sự việc trên như sau " Việc Công an thành phố Cần Thơ chuyển 10.377,5m2 đất an ninh thành đất ở cho cán bộ chiến sĩ là  chưa phù hợp với quy hoạch, do đó UBND thành phố đề nghị Bộ Công an không chuyển đổi đất ở, giữ nguyên đất an ninh để mở rộng nhà tạm giữ Công an quận Ninh Kiều và xây dựng kho vật chứng của Công an thành phố đã được Bộ Công an chấp thuận.
 
Và cũng chính Công văn này đã thông báo "Tuy không có cơ sở để xem xét giải quyết trả lại đất theo yêu cầu của hộ ông Lý Quan Xệ, nhưng UBND thành phố xét thấy trên phần đất giao Công an có 02 ngôi mộ của gia đình ông, nên UBND thành phố mạnh dạn kiến nghị Bộ Công an giao lại phần đất mặt tiền đường Nguyễn Văn Trường, có 2 ngôi mộ cho hộ ông Xệ quản lý chăm sóc mồ mả và đã được Bộ Công an chấp thuận".
 
Dẫn chúng tôi đi xem phần đất có 2 ngôi mộ của ông bà Nội mình (ông Lý Vĩnh Cửu, người được Nhà nước tặng 2 Huy chương kháng chiến hạng Nhì ), ông Xệ giơ tay chỉ mảng tường dài bảo vệ khu vực Trại Rau Răm được xây cao khỏi đầu người chỉ cách mộ phần ông Lý Vĩnh Cửu vài ba tấc đất: "Người ta trả đất mồ mả cho gia đình tôi mà còn ngắt nhéo như thế này đây! ". Nói xong, ông lại thở dài.
 
Nhiều năm đi khiếu nại ở các cấp thẩm quyền mà chưa được gì, giờ thì ông Xệ lại bị tai biến mạch máu não, may mắn là chữa chạy kịp thời. Nguyện vọng của ông Xệ hiện giờ chỉ mong muốn Nhà nước và chính quyền địa phương sớm đem lại sự công bằng cho gia đình ông, đó là sửa sai Quyết định số 631/QĐ UBT.78 của UBND tỉnh Hậu Giang ký ngày 20/06/1978, phải xem gia đình ông là đối tượng địa chủ kháng chiến để phần nào an ủi đối với những người đã khuất thuộc gia đình có công với cách mạng. Và hơn thế nữa phải thực hiện đúng việc " để lại cho mỗi người trong gia đình một số ruộng đất tương đương bình quân nhân khẩu nông nghiệp ở địa phương " mà 36 năm qua gia đình ông chưa nhận được.
 
Nhật Mai