Thế nhưng, không hiểu sao, tháng 5/2012, UBND TP. Hồ Chí Minh lại ban hành quyết định thu hồi nhà đất nêu trên với những lý do mà theo người dân là chưa  thuyết phục…

Tài sản hợp pháp, không bị quốc hữu hóa

Bà Lê Thị Hồng Phượng (trú tại 368/19 Kinh Dương Vương, phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) có đơn và những tài liệu gửi báo BVPL phản ánh và khiếu nại đối với Quyết định số 2375/QĐ-UBND ngày 11/5/2012 của UBND TP. Hồ Chí Minh (Quyết định số 2375/QĐ-UBND) về việc thu hồi nhà đất hợp pháp của gia đình bà tại địa chỉ số 515 đường An Dương Vương, phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh. Theo bà Phượng, nhà đất số 515 đường An Dương Vương (cũ là số 24 An Dương Vương) thuộc sở hữu của bà Trần Thị Hiếu (mẹ của bà Phượng). Sau giải phóng, UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ tịch thu tài sản của bà Hiếu tại địa chỉ số 64 đường An Dương Vương, quận 6 và số 67/3 quốc lộ 4, huyện Bình Chánh, không tịch thu hoặc quốc hữu hóa nhà đất tại địa chỉ số 515 An Dương Vương.

Còn theo tài liệu mà PV thu thập được thể hiện, ngày 17/2/1978, UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 201/QĐ-UB tịch thu tài sản của Công ty Kim Nga Mễ Cốc (Nhà máy xay lúa gạo Kim Nga) của bà Trần Thị Hiếu gồm 02 cơ sở được ghi cụ thể, đó là: Kim Nga I, có địa chỉ tại số 64 đường An Dương Vương, quận 6 và Kim Nga II, có địa chỉ tại số 67/3b quốc lộ 4, xã An Lạc, huyện Bình Chánh. Theo Quyết định số 201/QĐ-UB thì ngoài 02 tài sản tại địa chỉ cụ thể trên bị tịch thu, bà Hiếu không bị tịch thu tài sản nào khác. Trong khi đó, ngoài 02 tài sản bị tịch thu, bà Hiếu còn 01 khu đất làm nhà kho mang tên bà tại địa chỉ số 24 An Dương Vương (nay là số 515 An Dương Vương) thuộc bằng khoán điền thổ số 1065 cấp ngày 13/9/1971. Thêm vào đó, tại Văn bản số 628/CV-TTPC ngày 25/10/1994 trả lời Công ty dịch vụ và xây lắp thủy sản II liên quan đến việc xác nhận chủ quyền khu đất tại số 24 An Dương Vương, Sở Địa chính TP. Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định: Về mặt pháp lý, nhà kho và sân bãi tại số 24 An Dương Vương không bị chi phối bởi Quyết định quốc hữu hóa số 201/QĐ-UB ngày 17/2/1978 của UBND TP. Hồ Chí Minh, mặc dù tài sản tại khu đất này là của bà Trần Thị Hiếu. Như vậy, có cơ sở khẳng định khu đất trên là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của gia đình bà Phượng và không bị quốc hữu hóa.

Lý do thu hồi chưa thuyết phục!


Trong khi gia đình bà Phượng đang quản lý, sử dụng nhà đất liên tục, ổn định tại số 24 An Dương Vương từ sau giải phóng đến nay; hàng năm đều nộp thuế nhà, đất cho Nhà nước; các cấp chính quyền không hề có bất kỳ quyết định nào liên quan đến việc quốc hữu hóa hay giao cho đối tượng khác quản lý sử dụng khu đất này thì bỗng nhiên, ngày 11/5/2012, UBND TP. Hồ Chí Minh có Quyết định số 2375/QĐ-UBND thu hồi nhà, đất tại số 515 An Dương Vương giao UBND quận Bình Tân quản lý. Quyết định số 2375/QĐ-UBND cho rằng đây là nhà, đất của Công ty cổ phần xây lắp thủy sản II (trước đây là Công ty dịch vụ và xây lắp thủy sản II), thuộc trường hợp đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định, mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm (thu hồi theo điểm b, khoản 6, Điều 38 Luật Đất đai năm 2003).

leftcenterrightdel
Hiện trạng khu nhà đất tại 515 An Dương Vương, quận Bình Tân. 

Sau Quyết định số 2375/QĐ-UBND của UBND TP. Hồ Chí Minh, gia đình bà Phượng đã làm đơn khiếu nại. Với việc UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2375/QĐ-UBND, bà Phượng cho biết, trước đó, dù nhiều lần gia đình bà đề nghị được hợp thức hóa nhà đất nhưng chưa được xem xét, giải quyết với lý do cần phải xác minh nguồn gốc nhà đất tại số 24 An Dương Vương. Bên cạnh đó, sau khi ban hành quyết định thu hồi, 7 tháng sau (tức tháng 12/2012), Văn phòng UBND thành phố lại có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng xác minh làm rõ nhà đất số 24 có phải là nhà đất số 64 hay không, từ sau năm 1975 đến nay Nhà nước có quyết định hay văn bản kiểm kê, quản lý đối với nhà đất số 24 hay không, trong trường hợp 02 địa chỉ nêu trên không cùng một vị trí nhà đất và cũng không có quyết định quản lý, bố trí sử dụng nhà đất số 24 thì báo cáo UBND thành phố xem xét, giải quyết. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, Thành phố đã ban hành 02 văn bản nhưng dường như lại mâu thuẫn nhau; thu hồi nhà đất khi chưa có kết quả xác minh nguồn gốc nhà đất, hiện trạng quá trình sử dụng?. Mặt khác, việc quyết định thu hồi của UBND thành phố cho rằng nhà, đất số 24 (nay là số 515) An Dương Vương là của Công ty cổ phần xây lắp thủy sản II là không đúng bởi theo bà Phượng, căn nhà giao cho Công ty cổ phần xây lắp thủy sản II quản lý sử dụng là căn nhà số 64 (nay là số 511) An Dương Vương. Nhà đất số số 515 và nhà đất số 511 là hai khu nhà đất riêng biệt, độc lập, được ngăn cách bởi nhà đất số 513.

Liên quan đến vụ việc, ngày 23/3/2018, Thanh tra Bộ Xây dựng có Văn bản số 139/TTr-KNTC gửi UBND TP. Hồ Chí Minh nêu rõ: “Thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan chức năng của Thành phố kiểm tra, xem xét và giải quyết khiếu nại của bà Phượng theo đúng quy định của pháp luật.”.

Bà Phượng cho biết: “Kể từ khi UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2375/QĐ-UBND đến nay đã 6 năm trôi qua, gia đình tôi đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại nhưng chưa được giải quyết. Chính vì thế, gia đình tôi mong muốn UBND TP. Hồ Chí Minh xem xét lại, hủy bỏ Quyết định số 2375/QĐ-UBND ngày 11/5/2012 đồng thời để gia đình tôi được hợp thức hóa nhà đất tại số 515 An Dương Vương bởi đây là tài sản hợp pháp mà gia đình tôi lao động cả đời mới tạo dựng được”.

Báo BVPL sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Liên quan đến khiếu nại của bà Phượng, ngày 12/1/2018, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản số 494/VPCP-V.I chuyển đơn của công dân đến UBND TP. Hồ Chí Minh để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có công văn số 55/BDN ngày 19/1/2018 chuyển đơn của công dân đến Bộ Xây dựng để xem xét, giải quyết.

P.V