Trong bản “Lý lịch công chức ngành giáo dục - đào tạo” cũng như khá nhiều tài liệu chúng tôi có được, “họ, đệm, tên” của “khổ chủ” là Phạm Thị Ngọc Liêm, sinh ngày 10/10/1956 (quê xã Hồng Thành, huyện Yên Thành). Thế nhưng, chỉ dựa vào dữ liệu được nhập sai của chuyên viên, UBND huyện Yên Thành đã ép cô giáo Phạm Thị Ngọc Liêm nghỉ hưu trước 4 năm.  
 
Trong “giấy chứng nhận trúng tuyển kỳ thi hết cấp hai trường phổ thông” do Trưởng ty giáo dục tỉnh Nghệ An cấp ngày 10/6/1971, ngày, tháng, năm sinh của bà Phạm Thị Ngọc Liêm được ghi là 10/10/1956; tại “Bằng tốt nghiệp cấp ba Bổ túc văn hóa” do Trưởng ty Giáo dục tỉnh Nghệ Tĩnh cấp cho Phạm Thị Ngọc Liêm cũng ghi sinh ngày 10/10/1956; Giấy chứng nhận tốt nghiệp do hiệu trưởng Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai cũng xác nhận tên, ngày, tháng năm sinh của bà Phạm Thị Ngọc Liêm tương tự. 
 
Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Gia Lai (năm 1983), giáo sinh Phạm Thị Ngọc Liêm được phân công về dạy học tại Trường PTCS Nông trường Quang Trung, huyện Đắk Tô, tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Năm 1988, do hoàn cảnh gia đình, bà Phạm Thị Ngọc Liêm đã được chuyển về dạy học tại Trường cấp 2 xã Đức Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Tại quyết định điều động của Phòng Giáo dục huyện Yên Thành (số 160/QĐ-TCCB, ngày 11/10/1988) do ông Nguyễn Bá Huệ ký, họ, đệm, tên của bà Liêm vẫn là Phạm Thị Ngọc Liêm.   
 
Từ đó đến nay, việc quản lý hồ sơ, lý lịch của bà Phạm Thị Ngọc Liêm do Phòng Giáo dục - đào tạo và Phòng Nội vụ huyện Yên Thành đảm nhiệm. Tuy nhiên, không hiểu từ khâu nào, tại trang bìa của cuốn sổ Bảo hiểm xã hội (BHXH) do BHXH tỉnh Nghệ An lập ngày 10/10/1996, tên của bà Phạm Thị Ngọc Liêm bị thay đổi thành Phạm Thị Liêm (ngày sinh vẫn ghi là 10/10/1956). Đến ngày 20/7/2005, BHXH tỉnh Nghệ An làm lại Sổ BHXH. Từ đây, tên bà Phạm Thị Ngọc Liêm bị đổi thành Phạm Thị Liêm, ngày sinh chuyển từ 10/10/1956 thành ngày 10/6/1952 (!?). 
 
Căn cứ vào những dữ liệu sai nêu trên, ngày 23/8/2007, bà Nguyễn Thị Nhàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành đã ký quyết định (số1774/QĐ-UBND) cho bà Phạm Thị Liêm “được nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí từ ngày 01/11/2007” (!?). 
 
Sau khi phải nhận quyết định nghỉ hưu sớm, bà Phạm Thị Ngọc Liêm đã có đơn khiếu nại gửi UBND huyện Yên Thành nhưng không được xem xét, giải quyết. 
 
Ngày 1/8/2011, Phòng Nội vụ huyện Yên Thành đã có báo cáo vụ việc trình Chủ tịch UBND huyện. Tại báo cáo này, ông Lưu Xuân Tiến, Trưởng phòng Nội vụ cũng thừa nhận việc sai lệch hồ sơ từ Phạm Thị Ngọc Liêm thành Phạm Thị Liêm và ngày sinh từ 10/10/1956 thành 01/10/1952 xảy ra trong thời gian bà Liêm về công tác tại Trường cấp 2 xã Đức Thành cho đến nay. Sai sót xảy ra đầu tiên bắt đầu từ cơ quan BHXH tỉnh Nghệ An (như đã viện dẫn). Thậm chí, tại quyết định số 1433/QĐ-UB ngày 20/7/2005 của UBND huyện Yên Thành về việc chuyển xếp lương cho cán bộ công chức, tên của bà Phạm Thị Ngọc Liêm bị ghi sai thành Phạm Thị Liên (!?)
 
Cũng qua xác minh của Phòng Nội vụ cho thấy, việc quản lý hồ sơ cán bộ công chức của Phòng Giáo dục và BHXH rất tùy tiện. Cụ thể, từ ngày 31/12/1999 tên của bà Phạm Thị Ngọc Liêm không còn trong danh sách của trường cũng như của Sở Nội vụ nữa mà thay vào đó là Phạm Thị Liên, sinh ngày 01/10/1952 (!?)
 
Trong thời gian chịu cảnh “sai tên” và “thất lạc năm sinh”, cô giáo Phạm Thị Ngọc Liêm cũng đã nhiều lần có đơn xin đối chiếu hồ sơ BHXH, đơn xin đối chiều hồ sơ công chức, thậm chí đã từng viết “Bản kiểm điểm sai hồ sơ công chức”, nhận sai sót về mình để mong được các cơ quan liên quan “trả lại tên cho em”, nhưng đều rơi vào im lặng. Tất cả những lá đơn kiến nghị mong được sửa lại họ, đệm, tên  và ngày sinh của bà Phạm Thị Ngọc Liêm được diễn ra từ năm 2004 cho đến tháng 5/2007 (trước khi nhận quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí) nhưng không cơ quan chức năng nào chịu giải quyết.
 
Đáng buồn thay, sau khi nhận được báo cáo của Phòng Nội vụ, ngày 12/7/2012, ông Nguyễn Tiến Lợi- Chủ tịch UBND huyện Yên Thành đã ký quyết định phủ nhận nội dung khiếu nại của bà Phạm Thị Ngọc Liêm. Sai sót hồ sơ là do lỗi của các cơ quan liên quan, của những cán bộ chuyên trách, sao lại để cho một nhà giáo phải gánh chịu?
 
Được biết, cũng liên quan đến vụ việc này, sau khi xác minh, Tổ công tác liên ngành do Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An được giao chủ trì, đã có văn bản báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định khiếu nại của bà Liêm là đúng và đề nghị các cơ quan liên quan nên sửa sai, trả lại đúng họ, đệm, tên cùng ngày, tháng, năm sinh cho nhà giáo Phạm Thị Ngọc Liêm. Tuy nhiên, không hiểu sao, sau khi nhận được báo cáo của Sở Nội vụ, ông Thái Văn Hằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An vẫn “chưa yên tâm” và tiếp tục giao cho Sở Lao động- Thương binh và xã hội tỉnh Nghệ An xác minh, giải quyết vụ việc khiếu nại lại từ đầu (!?). 
 
Dư luận đặt câu hỏi rằng, vì sao, một vụ việc đã được UBND tỉnh giao cho Sở Nội vụ chủ trì thành lập Tổ công tác liên ngành với sự tham gia của Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, BHXH và đã có kết quá báo cáo nhưng vẫn chưa được phê chuẩn? Vậy đâu là bản chất của vụ việc, báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục cung cấp thông tin về vụ việc tới bạn đọc vào số báo sau.
 
 
Trần Cường