(BVPL) - Ngày mai, 06/08, sẽ diễn ra phiên phúc phẩm vụ đại án ngàn tỷ ở Đăk Nông. Phiên toà sẽ thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội; bởi đây không chỉ là một trong 10 vụ đại án mà Ban Nội chính Trung ương đã công bố danh sách mà nó còn có một ý nghĩa xã hội hết sức to lớn với cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ đang thực hiện quyết liệt.
Ở một góc độ khác, rất nhiều tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước đang “hồi hộp” dõi theo những diễn biến trong phiên toà phúc thẩm này: tài sản của Nhà nước sẽ được cơ quan tố tụng bảo vệ như thế nào?
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 17/2014/HSST, Toà án nhân dân tỉnh Đăk Nông cho rằng số tiền mà 4 doanh nghiệp: Công ty TNHH TMDV Minh Nhật; Công ty TNHHTMDV Nhật Tân; HTX Sông Cầu; Công ty TNHH Thuỷ Ngân đã trả cho VDB- Chi nhánh Đăk Lăk – Đăk Nông (VDB – CNĐLĐN) là vật chứng của vụ án vì số tiền này do các bị cáo phạm tội mà có từ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của NHTM CP Phương Đông và yêu cầu VDB trả tiền cho NHTM CP Phương đông.
|
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra từ ngày 11-13/3/2014 |
Trước phán quyết này của Toà sơ thẩm, nhiều Luật sư đã bày tỏ ý kiến chưa đồng thuận; mà đại diện là Công ty Luật TNHH Trường Sa – Đoàn Luật sư thành hố Hà Nội đã gửi kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội Giám sát quá trình xét xử của Toà tại phiên phuc thẩm. Một phần Bản kiến nghị đã đề cập việc lập luận số tiền do các bị cáo phạm tội mà có của Toà sơ thẩm là thiếu căn cứ; bởi:
Thứ nhất, Tại thời điểm trả nợ, các doanh nghiệp (DN) trên đang có dư nợ tín dụng tại VDB - CNĐLĐN, các DN trên đều tự nguyện ký kết các giấy tờ văn bản, hồ sơ trả nợ, ủy nhiệm chi (bút lục số 36120) hợp pháp và đúng với các quy định tại Điều 471 Bộ luật Dân sự và khoản 16 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng: Điều 471 quy định “Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định”. Khoản 16 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng quy định: “Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi”.
Hai là, Khi có yêu cầu hợp pháp của chủ tài khoản là các DN trên, VDB – CNĐLĐN phải làm thủ tục cho các DN trên rút vốn trước hạn, đồng thời thu nợ quá hạn theo đúng quy định của pháp luật. Đây là quyền hợp pháp của các chủ sở hữu tài khoản được pháp luật bảo vệ, thể hiện tại Điều 472 Bộ luật Dân sự. Điều luật này quy định: “Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay từ thời điểm nhận tài sản đó”. Số tiền gửi của các DN trên tại VDB - CNĐLĐN là số tiền thuộc quyền sở hữu của các DN.
Ba là, Thực hiện trách nhiệm của mình tại bản xác nhận về Hợp đồng tiền gửi (HĐTG) của các DN cho Ngân hàng TMCP Phương Đông - Sở giao dịch TP Hồ Chí Minh (OCB), VDB - CNĐLĐN đã gửi văn bản thông báo cho OCB biết việc các DN trên đã hủy bỏ cam kết và rút vốn trước bạn để trả nợ. Sau một thời gian dài (từ 11 đến 20 ngày) OCB mới có công văn gửi yêu cầu cho VDB - CNĐLĐN chuyển tiền về tài khoản của OCB tại TP HCM.
Bốn là, Việc VDB - CNĐLĐN chấp thuận cho các DN trên rút tiền gửi trước hạn là đúng quy định vì VDB - CNĐLĐN đã thực hiện theo yêu cầu của chủ tài khoản và tại thời điểm đó không có đề nghị phong tỏa tài khoản hợp pháp theo quy định của pháp luật nào của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và của OCB, đồng thời cam kết phong tỏa tài khoản trước đây của DN đã được chính các trên DN gửi văn bản tự hủy bỏ cam kết trên trước khi ký các giấy tờ thanh toán nợ.
Năm là, Các bản tự cam kết của các doanh nghiệp trên, tuy có được gửi đến VDB - CNĐLĐN và OCB, nhưng lại không có xác nhận của OCB. Do đó đây chỉ là ý kiến tự cam kết đơn phương của các DN tự ký và gửi cho VDB - CNĐLĐN (Bút lục số 36186).
Sáu là, Về phần xác nhận của VDB - CNĐLĐN tại Giấy đề nghị xác nhận, thì VDB - CNĐLĐN chỉ xác nhận các DN trên hiện đang có mở 01 HĐTG tại VDB - CNĐLĐN. VDB - CNĐLĐN không xác nhận số dư và chỉ xác nhận đến ngày đáo hạn VDB - CNĐLĐN cam kết tự động trích số tiền từ HĐTG về tại khoản của các DN được mở tại OCB chứ không phải đến ngày đáo hạn tự động trích số tiền từ HĐTG về tài khoản của doanh nghiệp tại OCB. (Bút lục số 36187).
Bảy là, Trong quá trình kinh doanh, các doanh nghiệp gặp khó khăn, nên đã có văn bản xin rút vốn trước thời hạn HĐTG để trả nợ cho VDB - CNĐLĐN. (Bút lục số 36198). Trong công văn các doanh nghiệp đều khẳng định rõ số tiền gửi tại VDB – CNĐLĐN là tiền bán hàng của hoạt động xuất khẩu. Trong công văn, các DN trên cũng đã cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về khoản tiền của mình.
Tám là, Thời điểm các doanh nghiệp làm thủ tục trả nợ cho VDB – CNĐLĐN là vào các ngày 30/12/2010 - 30/01/2011, tại thời điểm này không có văn bản nào của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay của Cơ quan cảnh sát điều tra về việc cấm các DN trên chuyển tiền trả nợ cho VDB - CNĐLĐN hoặc phong tỏa các tài khoản của các DN trên; Mãi đến ngày 10/03/2011 cơ quan Cảnh sát điều tra mới ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại OCB (Bản cáo trạng VKS). Như vậy trước khi có quyết định khởi tố vụ án và quyết định phong tỏa tài khoản của các DN trên thì mọi giao dịch trước đó của các DN này đều được pháp luật công nhận và bảo vệ.
Chín là, Không có một thỏa thuận nào giữa 3 bên là: VDB – CNĐLĐN, Ngân hàng TMCP Phương Đông - Sở GD TP HCM với các Doanh nghiệp trên để thỏa thuận việc VDB – CNĐLĐN có nghĩa vụ phong tỏa tài khoản của các Doanh nghiệp trên mở tại VDB – CNĐLĐN, cho nên VDB – CNĐLĐN không thể cấm các DN trên rút tiền trong tài khoản của mình tại VDB – CNĐLĐN. Việc các Doanh nghiệp cam kết không rút tiền là thỏa thuận giữa các Doanh nghiệp trên với Ngân hàng TMCP Phương Đông - Sở GD TP HCM, đây là quan hệ tín dụng độc lập không liên quan gì tới VDB – CNĐLĐN. Do vậy việc các Doanh nghiệp rút các khoản tiền có trong tài khoản của Doanh nghiệp tại VDB – CNĐLĐN để trả nợ cho VDB – CNĐLĐN phù hợp với các quy định của pháp luật.
Mười là, Không có văn bản pháp luật nào quy định việc VDB – CNĐLĐN phải xác minh nguồn gốc số tiền của khách hàng ở đâu để các DN trên có thể thực hiện việc trả nợ cho VDB – CNĐLĐN. Việc chứng minh nguồn gốc số tiền đó do chủ tài khoản chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Mười một là, Việc các Doanh nghiệp trên đã làm thủ tục trả nợ và VDB - Chi nhánh Đăk Lăk - Đăk Nông cũng đã tiến hành các thủ tục giảm trừ số dư nợ cho các Doanh nghiệp trên ngay tại thời điểm các ngày 30/12/2010 – 30/01/2011 cũng như đã chuyển toàn bộ số tiền trên về Hội sở chính tại Hà Nội và cũng tại thời điểm đó VDB đã đưa toàn bộ số tiền thu được trên vào lưu thông, hạch toán, kiểm toán, bảo toàn được vốn cho nhà nước. Như vậy, quan hệ giao dịch trên đã được pháp luật công nhân theo quy định của pháp luật và hợp đồng tín dụng vay xuất khẩu. Do vậy, số tiền mà các Doanh nghiệp trên trả cho VDB - Chi nhánh Đăk Lăk - Đăk Nông là tài sản của VDB kể từ thời điểm đó.
Như vậy, theo lập luận của Công ty Luật TNHH Trường Sa (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) thì toàn bộ quá trình thanh toán nợ của các DN trên và thủ tục thu hồi công nợ của VDB - CNĐLĐN đều phù hợp với trình tự thủ tục đã được pháp luật quy định, các cơ quan tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát) chưa có văn bản nào khẳng định, kết luận việc thanh toán công nợ của các DN trên và thủ tục thu hồi công nợ của VDB - CN ĐLĐN là trái với các quy định của pháp luật.
Nhóm PV