(BVPL) - Liên quan đến “Đơn khiếu nại và tố cáo” của ông Dũng về những dấu hiệu sai phạm cũng như những nội dung trả lời báo chí của Ban Bồi thường GPMB huyện Thạch Thất trong việc BT,HT&TĐC đối với ông Dũng, PV Báo BVPL cũng đã có cuộc trao đổi với luật sư Đinh Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) - người nhận ủy quyền của ông Dũng để khiếu nại công tác BT,HT&TĐC của UBND huyện Thạch Thất về vụ việc này.
 
 
Về nội dung ban Bồi thường GPMB huyện cho rằng việc chậm trễ là do phải xác minh diện tích tăng thêm hơn 2 ha, Huyện đã yêu cầu nhưng gia đình ông Dũng giải trình chậm. Theo Luật sư Tuấn thì đây là nội dung không đúng sự thật. “Theo Biên bản cuộc đối thoại ngày 01/11/2012 cũng như băng ghi âm buổi làm việc này chúng tôi còn lưu giữ, việc BT,HT&TĐC chậm trễ là do người ta “nghi ngờ” đất của ông Dũng không đủ điều kiện để được bồi thường. Các lý do đó là: Diện tích 03 ha có thể nằm trong phần đất do Công ty Sông Tích quản lý, xã giao cho dân là không đúng thẩm quyền; việc giao đất thông qua “Hợp đồng giao đất” là chưa chặt chẽ về pháp lý; phần diện tích tăng thêm hơn 2,1 ha cũng cần làm rõ có đủ điều kiện để đền bù không. Kết thúc buổi làm việc hôm đó, ông Lai đưa ra yêu cầu hộ ông Dũng giải trình rõ 2,1 ha này là mua lại của các hộ dân, hay tự khai hoang. Ngay sau đó, ông Dũng đã kịp thời có văn bản giải trình, không thể “đổ oan” ông Dũng chậm trễ việc này. Thực ra, ông Dũng hoàn toàn có thể giải trình từ năm 2007 hoặc 2008, nhưng không ai yêu cầu” - Luật sư Tuấn cho biết.
Mặt khác, “khi có “nghi ngờ” về nguồn gốc đất, đất của ông Dũng có đủ điều kiện để được BT,HT&TĐC hay không, Ban Bồi thường GPMB huyện Thạch Thất phải làm rõ ngay từ khi lập Phương án BT,HT&TĐC và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn của Phương án này. Pháp luật chỉ quy định việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, không quy định việc giải quyết những “nghi ngờ” mơ hồ. Giả sử có đơn khiếu nại, thì thời hạn giải quyết không quá 45 ngày, không thể để kéo dài hơn 5 năm như vậy được” - Luật sư Tuấn cho biết thêm. 
 
Liên quan đến tài sản trên đất đền bù còn thiếu, rồi việc tái định cư và hồ cá, qua nghiên cứu hồ sơ, Luật sư Tuấn khẳng định: “Những hạng mục tài sản còn thiếu (trong đó có tiền vốn và công sức đầu tư nuôi trồng thủy sản) cũng như việc tái định cư của hộ ông Dũng là hoàn toàn có đủ điều kiện để được BT,HT&TĐC. Ông Lai lúc thì “đổ” trách nhiệm cho Thành phố, lúc thì “đổ” cho Xã, song theo tôi trách nhiệm giải quyết BT,HT&TĐC trước hết thuộc về Ban bồi thường GPMB huyện. Điều này đã được quy định tại Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành”. Thêm vào đó, khi để xảy ra việc bồi thường chậm trễ và thiếu như vậy thì hành vi làm trái quy định pháp luật của cán bộ, công chức phải bị xử lý hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Việc chậm chi trả bồi thường không chỉ gây thiệt hại cho người dân, mà còn gây chậm tiến độ cho việc GPMB Khu công nghệ cao Hòa lạc. “Chúng tôi đang khuyên ông Dũng khởi kiện vụ việc này ra tòa” - Luật sư Tuấn cho biết.
 
V.T