(BVPL) -   Từ năm 1994 đến năm 2012, Xí nghiệp đá Granit Xuất khẩu Thanh Hóa đã qua 5 lần đổi tên, hiện tại đổi tên thành Công ty 125-CIENCO1 có số nợ vốn và lãi Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Thanh Hóa (Agribank Thanh Hóa) lên đến trên 152,5 tỷ. Năm 2013, sau rất nhiều lần đòi nợ không được, Agribank Thanh Hóa đã khởi kiện Công ty 125 - CIENCO1 ra tòa. Trong vụ án này, tài sản thế chấp là GCNQSD đất của Nhà nước. Tính đến thời điểm hiện tại số nợ và lãi đã lên tới trên 166 tỷ đồng, nhưng công ty này cho rằng “Có nhiều yếu tố khách quan vì vậy …không trả”. 
 
 
Bài 1: Hành trình vay vốn và nợ 152,5 tỷ
 
Xí nghiệp đá Granit Thanh Hóa, số nhà 168, Thành Thái, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa, có ngành nghề: sản xuất và kinh doanh đá hoa xuất khẩu. Sau đó đổi tên thành Công ty đá hoa xuất khẩu Thanh Hóa. 
 
Năm 1997 công ty này đổi thành Công ty Phương Đông Thanh Hóa và bổ sung thêm ngành nghề “đóng giầy xuất khẩu”. Để có vốn hoạt động công ty đã dùng tài sản thế chấp ngân hàng bao gồm Giấy chứng nhận QSD đất số 00782, cấp ngày 29/5/2002 mang tên Công ty Phương Đông Thanh Hóa, thuộc các thửa 206, 376, 375, tổng diện tích 25.627m2, phía Tây bắc giáp QL1A, (nay là đường Nguyễn Chí Thanh) 131,6m và gần 400m bám đường nối Nguyễn Chí Thanh sang đường Thành Thái và một số máy móc, thiết bị khác giá trị 13 tỷ đồng để thế chấp vay Ngân hàng NN&PTNT – Chi nhánh Thanh Hóa (gọi tắt là Agribank Thanh Hóa). 
 
Mảnh đất được Sở TN&MT điều chỉnh lại để GPMB, trong khi GCNQSD đất đang là thủ tục thế chấp Agribank Thanh Hóa để vay vốn
Mảnh đất được Sở TN&MT điều chỉnh lại để GPMB, trong khi GCNQSD đất đang là thủ tục thế chấp Agribank Thanh Hóa để vay vốn
 
Ngày 26/1/998 công ty đã thực hiện Hợp đồng tín dụng số 83601 “cho vay bắt buộc, thanh toán trả chậm”. Tổng số tiền công ty vay 6.638.220.000 đ, lãi xuất 1,25%/tháng, để mua thiết bị chế biến đá Granit cho Hàn Quốc. Theo đó, ngày 29/12/1998  công ty đã thực hiện Hợp đồng tín dụng số 836001 vay Agribank Thanh Hóa 21 tỷ đồng để đầu tư nhà máy đóng giầy. Việc kinh doanh vẫn cần thêm vốn, nên ngày 24/4/1999 công ty đá hoa Xuất khẩu lại thực hiện Hợp đồng số 936023 vay 1,4 tỷ đồng để mua thiết bị văn phòng…và vay 11,5 tỷ đồng lãi suất theo quy định của ngân hàng Nhà nước được tính vào các thời điểm để làm vốn lưu động sản xuất, kinh doanh đá hoa và xây dựng nhà máy giầy… đều do Giám đốc Phan Trọng Tiến thực hiện. Tuy nhiên việc vay vốn chưa trả, nhưng công ty này tiếp tục được Agribank Thanh Hóa cho ông Tiến ký giấy nhận nợ mà trước đó vay mua ô tô DAIHATSU 1,25 tấn để phục vụ Nhà máy giầy xuất khẩu Lễ Môn Thanh Hóa, vay mua trang thiết bị văn phòng… (đóng dấu của Công ty Phương Đông Thanh Hóa).
 
Năm 2009, vẫn là doanh nghiệp Nhà nước, Công ty Phương Đông Thanh Hóa đổi thành Cty CP đầu tư và xây dựng 125 –CIENCO 1, được thừa kế toàn bộ tài sản mà công ty trước đó để lại và tiếp tục vay theo lộ trình với số tiền nêu trên. Do không trả nên đến ngày 15/1/2013, vốn và lãi công ty này nợ Agribank Thanh Hóa gần 57,4 tỷ đồng. Ngoài ra công ty còn thực hiện Hợp đồng số 199 và 797 vay ngoại tệ 1.578.043 USD, đến 15/1/2013 nợ lãi là 2.745.628,49 USD (tổng là  4.323.671,49 USD, quy tiền  Việt Nam trên 90 tỷ đồng – tổng cộng đến 30/5/2015 công ty này vẫn nợ Agribank Thanh Hóa trên 152,5 tỷ. 
 
Đáng chú ý: Mặc dù Công ty đá hoa xuất khẩu Thanh Hóa từ năm 1997 đã đổi tên thành Công ty Phương Đông Thanh Hóa, nhưng Hợp đồng tín dụng đều sử dụng con dấu của Công ty Đá hoa xuất khẩu Thanh Hóa. Giá trị thế chấp chỉ 13 tỷ đồng nhưng vay nội tệ và ngoại tệ chưa tính lãi ngân hàng đã cho vay gấp trên 5 lần giá trị thế chấp và gấp trên 12 lần vào thời điểm Agribank Thanh Hóa đòi nợ?. Hơn nữa, trong quá trình cho vay Agribank Thanh Hóa không tìm hiểu hiệu quả sử dụng đồng vốn mà “tích cực” cho công ty này vay vốn theo lộ trình “thua lỗ”? (giai đoạn ông Đỗ Quốc Mịn là giám đốc).  Mãi đến năm 2012 (14 năm sau) tổng số tiền vốn vay và lãi xuất lên tới trên 152,5 tỷ đồng thì Agribank Thanh Hóa mới ráo riết đòi nợ?. Theo tính toán, đến đầu tháng 8/2015 Công ty 125 -CIENCO1 đã nợ vốn và lãi lên tới gần 166 tỷ đồng, nhưng công ty này chưa có động thái gì trong việc hợp tác trả nợ. 
 
Trao đổi về vấn đề “chậm đòi nợ”, ông Trịnh Ngọc Thanh, Giám đốc Agribank Thanh Hóa cho biết: từ năm 2000 về trước phấn lớn doanh nghiệp Nhà nước được vay “tín chấp” nên công ty này được vay với lượng tiền tương đối nhiều. Năm 2012, Agribank Thanh Hóa chỉ đạo cán bộ đòi nợ, nhưng Cty CP đầu tư và xây dựng 125 –CIENCO 1 không hợp tác, không nhận bất cứ văn bản hay công văn nào liên quan đến nợ nần từ phía ngân hàng chuyển đến đòi nợ.
 
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc .
 
Phạm Ngọc