Trốn thuế và những thủ đoạn
Tên tôi là Nguyễn Văn Tiến (thành viên Công ty Thành Công. TP. Bắc Ninh – Tỉnh Bắc Ninh) vừa qua có đơn phản ánh đến các cơ quan chức năng về dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và làm thất thoát tiền thuế của Nhà nước trong vụ án ông Nguyễn Thạc Thanh (Cty CP Vật liệu Công Nghiệp Phú Thái, Bắc Ninh – không phải thành viên Tập đoàn Phú Thái) trốn hàng chục tỷ đồng tiền thuế của Nhà nước.
|
Bị cáo Nguyễn Thạc Thanh (đứng giữa) tại phiên tòa |
Cụ thể là ông Nguyễn Thạc Thanh đã lập hai hệ thống sổ sách kế toán để trốn thuế trên 11 tỷ đồng, lập hồ sơ giả xin cấp 03 hóa đơn thông thường để hợp thức hóa gần 30 tỷ đồng hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm Điều 116 Luật Doanh nghiệp và đồng thời cùng một thời điểm làm Tổng Giám đốc nhiều doanh nghiệp cổ phần để khấu trừ thuế VAT bất hợp pháp.
Sau đó việc trốn thuế đã được cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đã có kết luận là trong thời gian làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP VLCN Phú Thái trốn thuế trên 11 tỷ đồng. Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án trên, đại diện cho người bị hại là Cục Thuế Bắc Ninh không có cán bộ tham gia phiên tòa. Nguyễn Thạc Thanh đã bị xử phạt 36 tháng tù cho hưởng án treo.
Trong vụ án này Nguyễn Thạc Thanh đã trốn thuế từ năm 2007, 2008, khi bị phát hiện, ông Thanh và doanh nghiệp mới nộp đủ số thuế trên. Tuy nhiên ông Thanh và doanh nghiệp không bị phạt số tiền trốn thuế theo quy định của Luật Thuế là bỏ lọt số tiền phạt, sẽ không công bằng với những người nộp thuế. Bởi lẽ những doanh nghiệp chấp hành tốt, khai báo cụ thể đúng thời hạn, nhưng do điều kiện nào đó chậm nộp dù chỉ một ngày theo quy định cũng phải chịu phạt số tiền chậm nộp theo Thông tư 60/2007/TTBTC và Thông tư 61/2007/TT-BTC theo tỷ lệ là 0,05%/ ngày. Trường hợp này, trốn thuế trên ba năm với số tiền lớn. Trong kết luận điều tra có đoạn nêu: Từ 01/11/2008 đến hết năm 2010 tổng số lượng tiền hàng không xuất hóa đơn bán hàng là 4.068.189.730đ tiền hàng dẫn tới trốn thuế VAT là: 406.818.973đ. Ngày 28/02/2011 khi đã có đơn tố cáo và cơ quan công an đang điều tra hành vi trốn thuế thì Cục Thuế Bắc Ninh đã chấp nhận cho khấu trừ với lý do là hứa tự giác kê khai lại. Như vậy Cục Thuế chấp nhận cho kê khai lại và cho khấu trừ là chưa đúng quy định pháp luật về thuế.
Ngày 27/02/2013, Tòa án nhân dân tối cao, Tòa phúc phẩm Hà Nội đưa ra xét xử, phúc thẩm vụ án trên. Tuy rằng không có tình tiết gì mới nhưng tòa phúc thẩm đã xét giảm án cho các bị can trong vụ án nói trên và quyết định bị can Nguyễn Thạc Thanh giảm án xuống còn 18 tháng tù, cho hưởng án treo, theo bản án số 85/2013/HSPT ngày 27/02/2013.
Không chỉ có vậy, tháng 5/2008 ông Nguyễn Thạc Thanh là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc hai Công ty là Công ty CP tập đoàn đầu tư và thương mại Thanh Tùng và Công ty CP VLCN Phú Thái đã chỉ đạo nhân viên dưới quyền bán các mặt hàng Hoa bia, Cao CO2 30%, lập bảng kê làm thoả thuận bán hàng đến Chi Cục thuế Từ Sơn xin mua ba hoá đơn thông thường, trị giác các hóa đơn lên tới 29.141.727.500 đồng. Đây là những mặt hàng nhập khẩu mà trong nước không sản xuất được, cho nên nguồn gốc rõ ràng. Do vậy khi xuất bán (cấp) hoá đơn thông thường của Chi Cục thuế phải dựa trên hồ sơ là tờ khai nhập khẩu, biên lai thu thuế nhập khẩu, hoá đơn giá trị gia tăng (liên 2) liên đỏ giao cho khách hàng, theo các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài Chính và Tổng Cục thuế là: Thông tư số 99/2003/TT-BTC ngày 23/10/2003, Thông tư số 120/2002/TT-BTC ngày 30/12/2002 của BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 89/2002/NĐ-CP ngày 07/11/2002 và các Thông tư hướng dẫn về việc phát hành, sử dụng và quản lý hoá đơn.
Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố vụ án, đã xác định hành vi trên không gây thiệt hại gì cho Nhà nước. Ngày 6/7/2012 cơ quan công an tỉnh Bắc Ninh đã đình chỉ điều tra đối với các bị can..
Ông Tiến cho rằng Cục Cục Thuế Bắc Ninh, Sở Công Thương Bắc Ninh, Tổng Cục Thuế, Cục Quản lý giá Bộ Tài Chính xác định hành vi trên không gây thiệt hại gì cho Nhà nước là thiếu cơ sở pháp lý, thiếu tinh thần trách nhiệm đã bao che hành vi vi phạm pháp luật mà hành vi trên đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước cũng như cho xã hội. Bởi lẽ: Hành vi lập hồ sơ giả để xin hóa đơn hợp thức hóa đầu vào sẽ xảy ra hai trường hợp.
Thứ nhất: Nếu số hàng ghi trên hóa đơn trên là có hàng thực sự thì hàng hóa đó phải có nguồn gốc rõ ràng vì đây là hàng chỉ nhập khẩu mới có, trong nước không sản xuất được. Nếu mua của các cá nhân (kể cả mua gom phải có hợp đồng và giấy biên nhận của người bán) như ghi trên hồ sơ thì phải là Liên 2 – Liên giao cho khách hàng mới là hợp pháp và người bán đó phải nộp thuế VAT chênh lệch và thuế thu nhập doanh nghiệp theo luật định và các văn bản pháp quy đã hướng dẫn kể cả truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu. Nếu những người đứng tên trong hồ sơ mà không đúng thì đây là hàng nhập lậu sau khi qua mắt được các cơ quan chức năng, dùng hóa đơn đó để hợp thức đàu vào cho số hàng trên.
Đồng thời, nếu số hàng ghi trên hóa đơn trên không có thực sự thì đây là hành vi lập hồ sơ khống để làm đầu vào sau đó bán khống cho các doanh nghiệp. Nếu bán cho doanh nghiệp Nhà nước thì nhằm rút ruột tiền, tham ô tài sản của Nhà nước. Nếu là doanh nghiệp cổ phần hoặc doanh nghiệp ngoài quốc doanh thì nhằm tăng chi phí để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp.
Từ những phân tích ở trên cho thấy Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đã không kiểm tra hồ sơ việc cấp ba hóa đơn trên để làm rõ trách nhiệm của Chi Cục thuế như thế nào? Việc xuất ba hóa đơn thông thường trên đã đúng quy định của Luật Thuế chưa? Đề nghị Cơ quan điều tra làm rõ, bởi thực tế đây là một loại thủ đoạn của hành vi trốn thuế.
Không chỉ có vậy ông Nguyễn Thạc Thanh, Nguyễn Cảnh Hứa đồng thời làm Tổng Giám đốc nhiều công ty cổ phần , vi phạm điều 116 luật Doanh nghiệp ,theo đó sẽ không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng, nhưng Cục Thuế Bắc Ninh đã cho các công ty đó khấu trừ thuế VAT. Do vậy, cần phải kiểm tra để thu hồi số thuế đã khấu trừ bất hợp pháp nhiều tỷ đồng trên.
Chi phí ngoại giao hay hối lộ?
Trong báo cáo dự thảơ kiểm tra của Công ty TNHH Kiểm toán VACO, theo sổ sách kế toán và chứng từ chúng tôi thu thập được đã gửi cho cơ quan an ninh điều tra. Trong đó có các khoản chi trái với nguyên tắc quản lý kinh tế của Cty CP Vật liệu Công nghiệp Phú Thái là: chi Chúc Tết cho Công an huyện, tỉnh, Cục Thuế Bắc Ninh 300.000.000đ; Chi ngoại giao hoàn thuế 100.000.000đ. Công ty CP VLCN Phú Thái đã chi và hạch toán vào chi phí của Công ty, trái với các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế. Do vậy cần đấu tranh làm rõ để xử lý các đối tượng theo pháp luật, bởi lẽ các khoản chi này đã cấu thành tội phạm, cụ thể: Nếu ông Thanh có chi thì chi cho ai?, cần phải cụ thể rõ ràng, có danh sách cụ thể. Nếu xác minh đúng thì có thể khởi tố về tội đưa hối lộ theo Điều 289 Bộ Luật hình sự hoặc tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế theo Điều 165 Bộ Luật hình sự. Còn việc không có là do ông Thanh kê lận nhằm chiếm đoạt số tiền đó của Công ty, phải xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng cơ quan Công an tỉnh Bắc Ninh trả lời: việc chi phí trên là quyền của Công ty CP VLCN Phú Thái và hành vi trên chưa cấu thành tội hình sự. Đây phải chăng là hành vi bỏ lọt tội phạm.
Liên quan đến tố cáo của ông Tiến, ngày 12/8/2013, Uỷ ban tư pháp Quốc hội có công văn số 1449/UBTP13 chuyển nội dung đơn trên tới các đồng chí Chánh án Toà án tối cao, đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an đơn và các tài liệu liên quan, để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật, trả lời ông Tiến, báo cáo kết quả giải quyết đến Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội. Ngày 17/9/2013, Văn phòng Chính phủ có công văn số 7756/VPCP chuyển đơn đến Bộ Công An để chỉ đạo, xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, đến nay đã gần 8 tháng mà vẫn chưa thấy các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết và trả lời công dân theo đúng quy định của pháp luật. Do vậy, đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, khẩn cấp điều tra các nội dung vi phạm pháp luật nghiêm trọng như ông Tiến tố cáo, tránh hiện tượng tham nhũng, bao che, bỏ lọt tội phạm, đảm bảo công bằng xã hội.
Nhóm PV