(BVPL) - Trên BVPL số ra ngày 24/06/2014 có đăng bài “ Có bỏ lọt hành vi cho vay lãi nặng ? ” phản ánh nỗi bức xúc của ông Nguyễn Phước Hiện, sinh năm 1956, thường trú tại số 95 Ngô Quyền, khu phố 8, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc xung quanh Bản kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang là không khách quan và thiếu công minh đối với con ông trong việc vay tiền của giới xã hội đen và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm với hành vi cho vay lãi nặng đối Lâm Văn Hoài, ngụ tại khu phố 5 thị trấn Dương Đông.
 
Chứng cứ lãi suất cho vay không được làm rõ ?
 
Con trai ông Hiện là Nguyễn Phước Hinh đã bị Công an Kiên Giang tạm giam cách nay hơn một năm và đang chờ ngày đưa ra Tòa án xét xử trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng đồng thời cũng là nạn nhân của Lâm Văn Hoài trong việc cho vay lãi nặng. Tháng 5/2011, trong lúc cần tiền để đáo hạn ngân hàng, Hinh được Dương Minh Hải, ngụ tại khu phố 3, thị trấn Dương Đông giới thiệu với Hoài để vay tiền. Lãi suất thỏa thuận miệng là 30% tháng. Lần đầu, Hinh vay của Hoài 700 triệu đồng. Tháng 9/2011, vay tiếp 800 triệu. Tháng 11/2011, vay 500 triệu và đến 1/2012 tiếp tục vay của Hoài thêm 800 triệu đồng. Tổng cộng 4 lần Hinh vay của Hoài là 2,8 tỷ đồng. Theo thông lệ, mỗi lần Hoài cho ai vay tiền người đó phải trừ lại 10% tiền giới thiệu ( trong giới cho vay gọi là “ tiền ngọn ” ). Như vậy chưa kể tiền lãi, Hinh đã phải mất với Hoài số tiền 280 triệu đồng trong tổng vốn vay. Từ lúc vay tiền ( 5/2011 ) đến ngày không còn khả năng trả lãi nữa ( tháng 3/2012 ) Hinh đã chuyển trả lãi cho Hoài 30 lần thông qua tài khoản của Dương Minh Hải và Lý Kim Thảo, theo thống kê số liệu từ ngân hàng, tổng số tiền là 1.625.000.000 đồng. Tại Cơ quan điều tra Hải và Thảo đều khai nhận “ tất cả số tiền Hinh chuyển vào tài khoản, Hải và Thảo đã rút ra hết và giao lại hết cho Hoài ”. Không dừng lại ở đó, từ ngày 20/04/2012 đến ngày 19/06/2012, gia đình Hinh thông qua Ngân hàng Đông Á tiếp tục 6 lần chuyển tiền cho Lâm Văn Hoài với số tiền 1,5 tỷ đồng và hết lòng năn nỉ Hoài xem đây là tiền trả nợ gốc. Nhưng Hoài một mực không chấp nhận. Như vậy, cộng các lần chuyển tiền từ Hinh và gia đình Hinh trả lãi cho Hoài đến ngày không còn khả năng trả nữa, số tiền lên đến 3 tỷ 125 triệu đồng.
 
Thế nhưng theo kết luận điều tra, Hoài chỉ thừa nhận cho vay lãi suất 6% tháng từ số tiền gốc và từ đó cho rằng “Hinh đã lừa đảo chiếm đoạt của Hoài 2,8 tỷ đồng, đến nay đã khắc phục được một phần, còn lại 2.681.920.000 đồng Hinh còn chiếm đoạt, chưa khắc phục” (!?) 
 
Nếu như Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang kết luận việc Hinh còn chiếm đoạt của Hoài trên 2,6 tỷ đồng thì 3,125 tỷ đồng mà Hinh đã chuyển khoản trực tiếp cho Hoài và người của Hoài qua hệ thống ngân hàng nó rơi vào đâu? Thật mâu thuẫn! Ở đây, số tiền Hinh đã chuyển cho Hoài và chứng cứ lãi suất cho vay chưa được cơ quan điều tra chứng minh rõ ràng. Trong Cáo trạng ngày 21/07/2014 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang, thì con số Hinh chiếm đoạt của Hoài tụt xuống chỉ còn 1,3 tỷ đồng nhưng hành vi cho vay nặng lãi của Hoài cũng lại cho qua, chưa đi sâu, làm rõ?
 
Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?
 
Mới đây, ông Nguyễn Phước Hiện nhận được công văn trả lời của Cơ quan Cảnh sát điều tra CAKG ký ngày 16/07/2014 cho biết như sau “Đối với hành vi cho vay lãi nặng của Lâm Văn Hoài, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT - CAKG đã chỉ đạo xác minh hết nguồn, nhưng không đủ căn cứ để kết luận Lâm Văn Hoài thực hiện hành vi cho vay lãi nặng, do từ lúc đến huyện Phú Quốc sinh sống vào tháng 10/2003 đến nay Hoài làm nghề thợ bạc. Ngoài ra, từ năm 2010, Hoài còn cùng vợ là Lê Minh Phụng kinh doanh tiệm vàng - dịch vụ cầm đồ ( có giấy phép kinh doanh ). Từ căn cứ nêu trên, kết luận, hành vi của Lâm Văn Hoài không đủ yếu tố tội cho vay lãi nặng được quy định tại Điều 163 Bộ luật hình sự...”.
 
Tiếp xúc chúng tôi, ông Hiện lộ vẻ thất vọng trên khuôn mặt: “ Kinh doanh của vợ chồng Hoài chỉ là bức bình phong mà thôi. Cho vay nặng lãi họ có bao giờ công khai, ngoại trừ có ai đó mạnh dạn tố cáo...”
Và trước đây đã có người đứng ra tố cáo. Qua điều tra của chúng tôi những ngày ở thị trấn Dương Đông, Phú Quốc được biết, người từng làm đơn tố cáo Hoài là bà Trần Thị Huệ Hồng, ngụ tại khu phố 8, thị trấn Dương Đông. Tháng 06/2011, bà Hồng có vay của Lâm Văn Hoài 50 triệu đồng, trừ tiền ngọn còn nhận 45 triệu, “tính lãi 30 phân” một tháng. Đến giữa tháng 6/2012, vốn cộng lãi phải trả trên 200 triệu đồng. Vì khó khăn, bà Hồng chỉ mới trả được cho Hoài 21 triệu và xin hẹn sẽ từ từ trả dứt. Hoài không chấp nhận và cho đàn em đến nhà bà Hồng phá cửa, dọn đồ...buộc bà phải nhờ chính quyền can thiệp. Bà Hồng còn kể, không những thế, chúng còn ma mãnh cho đàn em là Khén sửa trong biên nhận vay tiền 50 triệu thành 500 triệu trước khi đưa cho bà ký nhận để hòng lấy đất của bà khi bà thế chấp sơ đồ vị trí đất. Khu phố 5, thị trấn Dương Đông đã họp có ghi biên bản để giải quyết trường hợp vay tiền của bà Hồng với Hoài vào ngày 28/11/2012 dưới sự chủ trì của ông Trưởng Khu phố Phạm Văn Nhớ...
 
Khi được chúng tôi hỏi trường hợp của bà ngả ngũ như thế nào rồi, thì bà Hồng cho biết, năm ngoái, trong đất liền có cử cán bộ điều tra ra đây làm việc với bà, cả Hoài và Khén rồi sau đó không thấy Hoài đến đòi tiền nữa...( ? )
 
Thu thập chứng cứ về hành vi cho vay nặng lãi của Hoài đâu có gì là quá khó đến nỗi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Kiên Giang phải trả lời với ông Hiện là “đã chỉ đạo xác minh hết nguồn” (!?). Dư luận thắc mắc.
 
Rõ ràng, chuyện cho vay lãi nặng đối với Hoài là có thật. Việc cho vay với lãi suất 30% tháng, cao đến mức chóng mặt so với quy định của pháp luật, hành vi của Hoài đã đủ yếu tố tội cho vay lãi nặng, chưa kể anh ta dùng thủ đoạn bóc lột, thu lợi bất chính cắt “ tiền ngọn ” 10% ngay từ đầu lúc giao tiền cho người vay.
 
Có sự tiếp tay của Lãnh đạo Công an xã
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mạng lưới cho vay của Lâm Văn Hoài với nhiều chân rết và nhiều tay em thực hiện theo điều động của Hoài nhằm để tránh tai mắt cơ quan chức năng trên địa bàn Dương Đông, Phú Quốc. Trường hợp Hoài cho Hinh vay tiền như nói ở trên là một ví dụ. Hoài không nhận trực tiếp tiền trả lãi của người vay mà thông qua “ tay chân ”của mình để chuyển tiếp như Dương Minh Hải, Lý Kim Thảo, Bi ( chồng của Thảo )...
 
Tiếp cận những nhân chứng chúng tôi phát hiện Dương Minh Hải, không ai khác hơn là Phó trưởng Công an xã Cửa Dương đương chức, đã làm việc tại đây được khoảng 2,3 năm. Trước khi được Công an huyện Phú Quốc điều chuyển về xã Cửa Dương, Hải đảm nhiệm chức vụ Phó trưởng Công an thị trấn Dương Đông. Dư luận đặt nhiều câu hỏi, tại sao Phó trưởng Công an xã, Hải lại đi giới thiệu người vay cho Hoài, đồng thời lại nhận tiền lãi “ dùm ” Hoài thông qua tài khỏan cá nhân của mình tại ngân hàng...? Hải có “ làm ăn ” chung với Hoài ? Việc làm của Hải trong thời gian dài, Lãnh đạo Công an huyện Phú Quốc có biết ? Điều này trong Bản kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra CAKG và Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang lại không thấy nhắc đến !
 
Trao đổi với một cán bộ đảng viên công tác lâu năm ở Dương Đông, Phú Quốc ông thừa nhận với chúng tôi, nạn cho vay nặng lãi hiện nay ở thị trấn nó giống như một tảng băng ngầm, rất phức tạp kéo theo hệ quả là hình thành những băng nhóm xã hội đen thu lợi bất chính, thậm chí dùng vật chất lôi kéo một vài cán bộ sa sút phẩm chất để bao che, tiếp tay cho chúng; làm mất trật tự trị an trên địa bàn...
 
Nhật Trình