(BVPL) - Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe ôtô của Phó hạt Kiểm lâm Phú Bình với xe môtô của cảnh sát sắp được Tòa án Nhân dân TP. Thái Nguyên đưa ra xử sơ thẩm. Thế nhưng, kết luận điều tra lại thể hiện nhiều điểm chưa rõ…
 
Theo lịch làm việc của Tòa án Nhân dân TP. Thái Nguyên, ngày 25/4 tới sẽ đưa vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” sẽ đưa ra xét xử công khai. Đây là một vụ tai nạn giao thông thu hút sự quan tâm của dư luận Thái Nguyên, bởi bị cáo là ông Vũ Văn Vinh (52 tuổi, Phó hạt Kiểm lâm huyện Phú Bình, Thái Nguyên), còn bị hại là hai cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động Công an Thái Nguyên Bùi Xuân Hòa và Nguyễn Khắc Trường.
 
Thế nhưng, ngay khi cáo trạng được ban hành, nó đã vấp phải sự phản ứng không chỉ là bị cáo, mà còn người dân có mặt vào thời điểm vụ tai nạn xảy ra. Không hiểu vì sao nhiều tình tiết trong vụ án lại bị bỏ qua ngoài hồ sơ vụ án. 
 
Trước hết, bản kết luận điều tra số 92/KLĐT của Cơ quan CSĐT Công an TP. Thái Nguyên ngày 27/1/2016 nêu: Khoảng 20h25 ngày 18/2/2015 (tức 30 Tết Ất Mùi), ông Vinh điều khiển xe ôtô nhãn hiệu Chevrolet loại bán tải, mang biển kiểm soát 20D-001.25 đi trên đường Cách mạng tháng 8 (hướng từ trung tâm thành phố về khu Giang Thép). Khi chiếc xe đi đến ngã ba giao nhau giữa đường Cách mạng tháng 8 và đường Nha Trang, thì xi nhan trái và cho xe chuyển hướng rẽ trái vào đường Nha Trang. Trong lúc chuyển hướng, phần đầu xe đã đâm vào bên trái xe môtô mang biển kiểm soát 20B1-000.15 do Bùi Xuân Hòa điều khiển, chở đằng sau là Nguyễn Khắc Trường lưu thông theo hướng từ khu Giang Thép về trung tâm thành phố. Hậu quả, nạn nhân Trường tử vong, còn anh Hòa bị thương nhẹ.
 
Bản kết luận thể hiện rõ nội dung: “Xe ôtô của ông Vinh tông vào bên trái xe môtô của hai chiến sĩ cảnh sát”. Thế nhưng, ông Vinh cũng như một số nhân chứng có mặt tại hiện trường (nhân chứng không được cơ quan điều tra lấy lời khai đưa vào hồ sơ vụ án -PV) đều cho rằng xe môtô của hai chiến sĩ cảnh sát đi tốc độ cao, không làm chủ đã tông trực diện vào xe ôtô của ông Vinh.
 
Là một trong những người chứng kiến vụ tai nạn từ đầu, anh Nguyễn Mạnh Linh (ở phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên, hiện đang làm công nhân Công ty CP đô thị Thái Nguyên) cho biết, tối hôm đó, tôi được công ty giao nhiệm vụ đi kiểm tra vệ sinh tuyến đường Cách mạng tháng 8. Do phải kiểm tra rác thải trên tuyến đường nên tôi điều khiển xe máy khá chậm theo hướng khu Giang Thép về trung tâm thành phố. Khi tôi đi đến gần ngã ba đường Cách mạng tháng 8 và Nha Trang (cách 20 mét), thì tôi thấy xe ôtô của ông Vinh đi theo chiều ngược lại và xi nhan rẽ trái. Xe của ông Vinh đi cũng khá chậm về phía bên trái chuyển hướng, đúng lúc đó có một chiếc xe máy chạy từ sau vượt qua tôi rồi va chạm  với xe ôtô do ông Vinh điều khiển. 
 
Đưa ra thông tin kết luận của cơ quan điều tra về việc xe ôtô của ông Vinh đâm vào bên trái xe máy của hai cảnh sát, anh Nguyễn Mạnh Linh khẳng định: “Kết luận như vậy không đúng. Lúc đó tôi chỉ cách hiện trường vụ tai nạn hơn chục mét, chính mắt tôi nhìn thấy xe máy của hai vị cảnh sát đâm vào đầu xe ôtô. Do xe máy đi tốc độ lớn nên khi va chạm, vị cảnh sát mặc áo cơ động ngồi sau xe máy hất bay về đằng trước và ngã ra đường. Người điều khiển xe máy ngã xuống đất, ngay đầu xe ôtô. Bộ đàm của cảnh sát còn văng về phía tôi và chính tôi nhặt bộ đàm đó giao cho cơ quan điều tra”.
 
Còn theo ông Vinh, Cơ quan CSĐT Công an TP. Thái Nguyên kết luận chưa khách quan trong quá trình thu thập chứng cứ, xác định lỗi của người điều khiển phương tiện. Theo ông Vinh, trước khi xảy ra tai nạn ông cho xe ôtô chạy với tốc độ rất chậm để chuyển hướng sang trái theo góc 90 độ (đường Cách mạng tháng 8 rẽ trái vào đường Nha Trang). Và không phải xe ôtô của ông Vinh tông vào trái xe máy, mà xe máy của 2 cảnh sát đi tốc độ cao tông vào đầu xe ôtô của ông Vinh. Do xe máy chạy tốc độ cao nên khi va chạm, người ngồi sau xe môtô đã văng về phía trước, đập xuống đường dẫn đến tử vong.
 
“Tôi không bào chữa cho việc giấy phép lái xe của tôi quá hạn, nhưng tôi đề nghị phải xem xét, xác định lỗi của người điều khiển xe môtô. Tôi khẳng định, chiếc xe môtô đi với tốc độ rất lớn, không làm chủ được tốc độ nên tông vào xe ôtô của tôi. Việc xe của tôi đi với tốc độ chậm và xe môtô chạy tốc độ lớn có nhiều người chứng kiến trước thời điểm xảy ra tai nạn” – ông Vinh nói.
 
Một tình tiết khác đáng chú ý nhưng cơ quan điều tra cũng đã bỏ qua. Đó là, sau khi vụ tai nạn xảy ra, cơ quan điều tra đã tiến hành đo nồng độ cồn của ông Vinh và xác định người điều khiến xe ôtô không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Thế nhưng, cơ quan điều tra lại không kiểm tra, xác định nồng độ cồn của hai chiến sĩ cảnh sát đi xe môtô. Và trong kết luận điều tra cũng như cáo trạng truy tố cũng không hề nhắc tới một chữ nào về việc kiểm tra nồng độ cồn.
 
Cũng là một trong những người có mặt tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn, ông Nguyễn Thanh Vân (cán bộ quân đội nghỉ hưu, hiện đang làm bảo vệ tại trụ sở Ngân hàng Agribank cách hiện trường vụ tai nạn 15 mét) cho hay, tối 30 Tết Nguyên đán là ca trực của tôi. Khi đang ở trong cabin trực, tôi nghe thấy tiếng động lớn ngoài đường nên chạy ra xem có chuyện gì. Vừa bước ra cửa thì tôi thấy hai người thanh niên mặc cảnh phục nằm sõng soài trên đường, cạnh đó là chiếc xe máy nát vụn phần đầu, nằm ngay đầu xe ôtô. Thấy tai nạn, người đi đường bế hai nạn nhân vào vỉa hè sơ cứu. Khoảng 5 phút sau thì lực lượng cảnh sát tới đưa nạn nhân đi cấp cứu.
 
“Thời điểm xảy ra tai nạn giao thông là ngày 30 Tết, rất nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia. Khi xảy ra tai nạn, tôi có chạy ra xem và nhiều người có mặt cho rằng hai chiến sĩ cảnh sát gặp nạn có uống rượu tất niên tại đơn vị trước khi đi tuần tra” – ông Vân thông tin.
 
Mặc dù dư luận cho rằng, hai nạn nhân có mùi rượu bia khi xảy ra tai nạn nhưng không thấy đề cập trong hồ sơ vụ án. Nhưng không hiểu vì sao cơ quan chức năng không đả động tới vấn đề nồng độ cồn. Theo một số chuyên gia pháp lý, xác định nồng độ cồn của những người liên quan trong vụ tai nạn giao thông là rất cần thiết. Đây cũng là cơ sở xác định lỗi gây ra tai nạn giao thông.
 
Một vấn đề nữa chưa được cơ quan điều tra làm sáng tỏ, theo kết luận điều tra của Công an TP. Thái Nguyên thì xe ôtô của ông Vinh tông vào bên trái môtô của hai chiến sĩ cảnh sát. Thế nhưng, qua hình ảnh ghi nhận tại hiện trường vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn cũng như quán tính phương tiện lại cho kết quả hoàn toàn trái ngược. Xe ôtô đâm vào bên trái xe môtô, thế nhưng sườn chiếc xe môtô lại không hề có dấu hiệu của va chạm mạnh. Chiếc xe của hai chiến sĩ cảnh sát chủ yếu hỏng ở phần đầu xe. Cụ thể, phần mặt nạ xe nát tươm, càng trước xe cong vênh. Điều này cho thấy, chiếc môtô tông trực diện vào vật cứng mới dẫn đến hư hỏng phần đầu xe như vậy? Không hiểu những người trực tiếp lập biên bản hiện trường, thực nghiệm hiện trường vụ tai nạn căn cứ vào đâu để xác định xe ôtô đâm vào bên trái xe môtô…(!?). 
 
Do vậy, dư luận đang mong chờ cơ quan chức năng xem xét lại một cách công tâm để có thể đưa ra phán quyết xác đáng, đúng sự thật.
 
Thiên Minh
.