(BVPL) - Dự án cải tạo, nâng cấp Kênh Bắc (thành phố Vinh, Nghệ An) với chiều dài 1 km, tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) do liên danh nhà thầu là Công ty TNHH Tân Hưng và Công ty TNHH Hòa Hiệp thi công. Theo chỉ đạo của UBND Tp Vinh, ngày 30/5/2015, liên danh nhà thầu phải hoàn thành công trình để đưa vào khai thác. Tuy nhiên, do việc đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) chưa ngã ngũ nên dự án vẫn rơi vào tình trạng “dậm chân tại chỗ”.
Dân nâng lên, nhà thầu hạ xuống...
Ông Nguyễn Quang Ty, 79 tuổi, là chủ ngôi nhà 3 tầng tại địa chỉ 65 Nguyễn Sỹ Sách, Tp Vinh, tỏ ra rất bức xúc khi trình bày với phóng viên: “Khi chưa triển khai dự án, cán bộ của UBND thành phố Vinh đã về đây khảo sát, đo đếm từng nhà, lúc đó nhà tôi đâu nghiêng lún, nứt nẻ như thế này”. Ông Ty vừa nói, vừa dẫn phóng viên ra phía sau nhà, nơi liền kề với dự án Kênh Bắc đang thi công. Toàn bộ bức tường phía sau nhà ông Ty đã bị đổ sập, sân và công trình vệ sinh, nhà tắm bị nứt nẻ, không còn sử dụng được. Ông Ty chỉ tay lên ngôi nhà 3 tầng của ông, bằng mắt thường, có thể nhận ra cả ngôi nhà đã bị nghiêng. Phần sân phía trước giáp với đường Nguyễn Sỹ Sách đã bị lún, nứt, các mạch ghép của gạch đã bị rạn vỡ...
|
Ông Nguyễn Quang Ty và một phần công trình nhà bị nghiêng, lún, nứt. |
Ông Ty phân trần: “Các công trình phụ phía sau, nếu làm lại, tiết kiệm cũng phải tới 30 triệu đồng, nhà thầu chỉ bồi thường 8 triệu đồng, ai mà chịu được?”. Theo ước tính của ông Ty, ngôi nhà 3 tầng bị nghiêng, lún do nhà thầu đóng cọc, hút cát khi thi công dự án Kênh Bắc, gia đình buộc phải phá dỡ để xây lại hoặc thuê ông Lũy “Thần Đèn” kéo thẳng, chi phí ít nhất cũng tốn tới 900 triệu đồng. Nếu nhà thầu không đồng ý thì cứ tự phá dỡ và xây mới hoặc thuê ông Lũy làm thay chủ hộ, tốn kém bao nhiêu nhà thầu phải chịu.
Ý kiến ông Ty có thể coi là đại diện cho 45 hộ nằm trong đoạn Kênh Bắc phía Tây do Công ty TNHH Tân Hưng thi công. Đây là đoạn “xương nhất” về GPMB dự án do công trình nằm giữa khu dân cư, khi khảo sát thiết kế, nhà thầu chưa tính hết hậu quả mà dự án tác động. Đoạn này có 3 ngôi nhà bị nghiêng lún, còn lại chủ yếu là đổ tường, lún sân, hỏng công trình phụ, nhà tắm.
Ông Hoàng Văn Nguyên- giám đốc Công ty TNHH Tân Hưng, khi nghe phóng viên cho biết những ý kiến của các hộ dân, tỏ ra rất mệt mỏi. Ông Nguyên giải thích: “Không ít hộ dân đòi mức đền bù rất cao, khi chúng tôi bảo để nhà thầu khắc phục lại sự cố bằng cách xây lại thì họ cứ nằng nặc đòi nhận tiền. Nhà thầu chúng tôi biết chiều theo ý nào?”. Theo ông Nguyên cho biết, toàn bộ dự án có tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng, nhưng “gói” mà Công ty TNHH Tân Hưng “bốc thăm” được, chỉ có 45 tỷ đồng.
PJICO phải chịu trách nhiệm bồi thường!
Theo quy định của WB, việc mua bảo hiểm đối với dự án này là thuộc trách nhiệm của nhà thầu chứ không phải của chủ đầu tư như một số công trình bằng vốn ngân sách trong nước. Và, không biết tính toán thế nào, Công ty TNHH Tân Hưng và Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An ký hợp đồng bảo hiểm chỉ với mức phí 122,33 triệu đồng cho “gói thầu” đi qua khu dân cư. Theo đó, mức phí bảo hiểm tối đa phải bồi thường là 48,931 tỷ đồng.
|
Phương tiện thi công của nhà thầu phải đình trệ do chưa thỏa thuận được mức giá đền bù. |
Trong phần chia sẻ khó khăn của ông Nguyên (đại diện cho 2 nhà thầu) với báo chí, trách nhiệm bồi thường cho bên thứ 3 khi sự cố xảy ra, thuộc Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An. Theo đó, PJICO là đơn vị chịu trách nhiệm bàn bạc, thương lượng, tính toán với các hộ dân có công trình bị hư hại trong quá trình thi công. Tuy nhiên, ông Nguyên cho rằng, do bên bảo hiểm áp dụng giá đền bù công trình theo khung giá nhà nước, có tính đến khấu hao theo thời gian sử dụng nên người dân không chấp nhận.
Ông Nguyễn Văn Lê- giám đốc Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An cho rằng: “Việc bồi thường thiệt hại cho bên thứ 3 trong hợp đồng ký giữa chúng tôi và liên danh nhà thầu đối với dự án này được xác định rõ ràng bằng văn bản và đúng luật. Và, chúng tôi cũng đã thuê đơn vị giám định độc lập để xác định thiệt hại cho dân. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa chấp nhận mức giá đền bù sau khi đã trừ khấu hao sử dụng thì đó là việc của họ, chúng tôi chỉ biết làm theo quy định của pháp luật”.
Do chưa chấp thuận mức giá đền bù, bồi thường nên các hộ dân bị ảnh hưởng ở phường Hà Huy Tập đã yêu cầu nhà thầu tạm dừng thi công công trình. Trước bức xúc của dân, ngày 4/4/2015, ông Hà Thanh Tĩnh- Phó Chủ tịch UBND Tp Vinh đã tổ chức cuộc họp đối thoại giữa những hộ dân bị thiệt hại với nhà thầu, ngay tại trụ sở phường Hà Huy Tập. Buổi họp có sự tham gia của các phòng, ban trực thuộc UBND thành phố Vinh (Phòng Quản lý đô thị, Thanh tra thành phố, Văn phòng HĐND-UBND, Ban quản lý tiểu dự án phát triển đô thị, Trung tâm Phát triển quỹ đất), tư vấn giám sát và Đảng ủy, UBND, MTTQ phường Hà Huy Tập. Tại cuộc họp, sau khi nghe ý kiến các bên, ý kiến các phòng, ban chức năng, Phó Chủ tịch UBND Tp Hà Thanh Tĩnh đã khẳng định nguyên nhân thiệt hại phát sinh trong quá trình thi công là do nhà thầu. Để dự án sớm hoàn thành và đưa vào phục vụ nhân dân, UBND Tp Vinh đã chỉ đạo liên nhà thầu phối hợp với Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An, khẩn trương thực hiện việc bồi thường thiệt hại cho dân trước ngày 15/5/2015 để gấp rút hoàn thành công trình trong tháng 5 này.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, giữa nhà thầu và Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An vẫn loay hoay chưa đưa ra được “lời giải” cuối cùng về mức giá bồi thường cho từng hộ dân. Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An vẫn còn đùn đẩy trách nhiệm sang cho nhà thầu nên ý kiến chỉ đạo trên của UBND Tp Vinh khó trở thành hiện thực./.
Trần Cường