(BVPL) - Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng và phát triển Nông Thôn (địa chỉ: phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La) ngoài việc sử dụng vốn ảo để thành lập công ty, còn vi phạm pháp luật nghiêm trọng khi làm giả tài liệu, hồ sơ để thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Việc làm này nhằm mục đích chiếm đoạt trắng trợn số tiền của các cá nhân, tổ chức tham gia góp vốn vào công ty này với số tiền hàng tỷ đồng. Sau nhiều năm sự việc này đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng tỉnh Sơn La giải quyết dứt điểm, khiến dư luận xã hội bức xúc, đặt câu hỏi: Phải chăng pháp luật đang bị “nhờn”? 
 
Lập vốn ảo để thành lập công ty
 
Theo đơn gửi báo BVPL, bà Phạm Thị Dung (trú tại xã Vân Trường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) đại diện cho các cá nhân là những người tham gia góp vốn vào công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng và phát triển Nông Thôn (Công ty Nông Thôn), địa chỉ: phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, phản ánh việc: “Năm 2007, công ty Nông Thôn được UBND tỉnh Thái Bình chấp thuận cho đầu tư dự án “Nhà máy sản xuất gạch Tuynel Thái Bình”, tổng số vốn đầu tư dự tính khoảng 24 tỷ đồng. Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và qúa trình thực hiện dự án này, công ty Nông Thôn đã huy động vốn của nhiều cá nhân, tổ chức nhưng vẫn chậm tiến độ do thiếu vốn. Tính đến tháng 9/2009 công ty này đã đầu tư vào dự án hơn 11 tỷ đồng, trong đó vốn của tôi và một số cá nhân  đã góp hơn 4 tỷ đồng, nợ hơn 7 tỷ đồng tiền xây dựng các hạng mục công trình (của hai công ty là công ty Trường Thắng  và Chi nhánh công ty cổ phần Sản xuất công nghiệp – Xí nghiệp kết cấu thép xây dựng).  Do công ty Nông Thôn hoàn toàn không có vốn nên đã kêu gọi công ty cổ phần vật liệu xây dựng Tiền Phong (công ty Tiền Phong) và công ty Trường Thắng (đều ở Thái Bình) hợp tác đầu tư. Sau đó các công ty này đã bỏ ra hàng tỷ đồng để xây dựng nhà máy gạch Tuynel. Từ việc hợp tác trên, ba công ty nêu trên đã tiến hành thành lập công ty cổ phần vật liệu và xây dựng Đất Nước (công ty Đất Nước) để xây dựng và đưa nhà máy gạch Tuynel đi vào hoạt động. Việc công ty Nông Thôn dùng số tiền của chúng tôi đã đầu tư vào dự án nhà máy gạch để cổ phần vào công ty Đất Nước mà không đưa tên chúng tôi trong danh sách cổ đông của công ty Nông Thôn là hành vi chiếm đoạt tài sản trắng trợn của công ty này”. 
Hủy giấy chứng nhận ĐKKD vì làm giả hồ sơ.
 
Với những vấn đề trên, chứng tỏ công ty Nông Thôn không chuyển vốn vào dự án nhà máy gạch Tuynel Thái Bình, bởi thực sự công ty chỉ góp vốn ảo khi thành lập. Nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Sơn La về vốn ảo nên công ty Nông Thôn đã giả mạo hồ sơ để chuyển về Hà Nội. Tuy nhiên, việc giả mạo này đã bị Phòng đăng ký kinh doanh (ĐKKD) số 2 của Sở Kế hoạch và Đâu tư (KH&ĐT) thành phố Hà Nội  phát hiện đồng thời hủy bỏ giấy chứng nhận ĐKKD. Đáng nói, việc làm giả tài liệu, hồ sơ này được công ty Nông Thôn lý giải là do thuê đơn vị tư vấn làm thủ tục ĐKKD?! Trước hết, đây chỉ là sự biện minh của công ty Nông Thôn, còn thực tế công ty này có thuê hay không thì không ai chứng minh, nếu đơn vị tư vấn được thuê làm thủ tục thì họ chỉ được phép làm thủ tục thuê theo quy định của pháp luật, còn tất cả tính trung thực và tài liệu thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bộ luật hình sự Việt Nam, việc làm giả tài liệu là tội phạm ( Điều 267 BLHS). Theo quy định tại khoản 1 điều 165 Luật thương mại, hành vi này bị xử phạt bằng một trong các hình thức: xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường.
 
Theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, cơ quan ĐKKD khi phát hiện nội dung giả mạo trong hồ sơ xin thay đổi nội dung ĐKKD thì có quyền hủy bỏ giấy chứng nhận ĐKKD mà hồ sơ xin thay đổi có nội dung giả mạo và khôi phục lại giấy chứng nhận ĐKKD hợp lệ gần nhất,   đồng thời thông báo với cơ quan chức có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp vi phạm pháp luật của công ty Nông Thôn khi hoạt động ở Hà Nội,  Phòng ĐKKD số 2 của Sở KH&ĐT thành phố Hà Nội đã có sự vô tình hoặc cố ý không thông báo với cơ quan có thẩm quyền dẫn đến việc công ty Nông Thôn không bị xử lý bằng pháp luật từ các cơ quan có thẩm quyền này ( kể cả người làm giả tài liệu đã có dấu hiệu vi phạm tội hình sự và cần được khởi tố điều tra). Theo quy định tại khoản 2 điều 165 Luật doanh nghiệp thì công ty Nông Thôn ngoài việc bị thu hồi giấy chứng nhận ĐKKD thì còn phải bị xóa tên trong sổ đăng ký kinh doanh.
 
Sở KH&ĐT tỉnh Sơn La có vội vàng?
 
Sau khi Công ty Nông Thôn bị Phòng ĐKKD số 2 của Sở KH&ĐT thành phố Hà Nội hủy bỏ chứng nhận ĐKKD vì tội làm giả hồ sơ, công ty này đã ‘quay đầu’ về tỉnh Sơn La để  ‘khôi phục’ lại giấy chứng nhận ĐKKD và ngay lập tức được Phòng ĐKKD của Sở KH&ĐT tỉnh Sơn La chấp thuận cấp lại. Việc làm này được cho là vội vàng và thiếu cẩn trọng, bởi lẽ, trước ngày công ty Nông Thôn làm thủ tục “khôi phục lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được cấp trên cơ sở hồ sơ hợp lệ” gần nhất, các cơ quan này đã nhận đơn của bà Phạm Thị Dung và một số người khác kiến nghị về các vi phạm của công ty Nông Thôn, đồng thời chính họ đã tố cáo sự giả mạo hồ sơ của công ty này. Lẽ ra, các cơ quan này phải kiểm tra một cách thấu đáo những việc mà Phòng ĐKKD 2 của Sở KH&ĐT Hà Nội đã làm hoặc chưa làm, từ đó mà yêu cầu họ hoàn tất những việc phải làm theo quy định của pháp luật, sau đó mới tiếp nhận hồ sơ để xét có cấp lại ngay cho doanh nghiệp hay phải thanh tra kỹ càng trước khi “khôi phục” lại. Bởi thực tế, sau này khi kiểm tra công ty Nông Thôn, Sở KH&ĐT tỉnh Sơn La phát hiện nhiều vi phạm của doanh nghiệp và đáng tiếc khi doanh nghiệp chưa xuất trình được hóa đơn thu tiền góp của 5 cổ đông sáng lập mà đã ban hành kết luận kiểm tra?!
 
Theo báo cáo số 120 ngày 10/03/2014 của Sở KH&ĐT tỉnh Sơn La thì công ty Nông Thôn đã xuất trình các phiếu thu tiền do công ty Nông Thôn phát hành để chứng minh việc các cổ đông đã nộp tiền vào công ty. Các phiếu thu này là thật hay giả chưa được kiểm chứng vì Sở KH&ĐT Sơn La cho rằng mình không có thẩm quyền xác định. Nghĩ Sở này đã quên mất mình là cơ quan quản lý nhà nước có quyền năng kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, và như vậy luôn có nghĩa vụ chứng minh bằng việc trưng cầu kiểm toán, trưng cầu giám định khi kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp. 
 
Trao đổi với PV báo BVPL về những phiếu thu của các cổ đông nộp tiền vào công ty Nông Thôn, bà Dung khẳng định: “tất cả các phiếu thu đó đều là giả, bởi lẽ, số phiếu, ngày thu tiền trên các phiếu thu và sổ quỹ lệch nhau, có những phiếu thu lệch cả về năm... hơn nữa việc xác định ai là thủ quỹ ký tên trên 14 phiếu thu tiền góp vốn của các cổ đông đến nay các cơ quan chức năng cũng như bản thân công ty Nông Thôn cũng không làm rõ đươc?”
 
Ở một diễn biến khác, việc Phòng ĐKKD của Sở KH&ĐT Sơn La cấp Giấy chứng nhận ĐKKD lần 3 cho công ty Nông Thôn với người đại diện theo pháp luật là Chủ tịch HĐQT công ty là ông Cao Đức Việt, khi biết rõ ông Việt lúc đó đang là công chức của bộ NN&PTNT, điều này đã đưa ông Việt thành người vi phạm cả Luật công chức và Luật doanh nghiệp.
 
Khi doanh nghiệp có hành vi giả mạo và đang bị những người đầu tư trực tiếp vào dự án nhà máy gạch Tuynel Thái Bình mà Ông Cao Đức Việt (Khi đó đang là chủ tịch HĐQT công ty, vào thời điểm công ty được coi là “ hợp lệ”) ra quyết định công nhận họ là  cổ đông có đơn gửi cho Sở KH&DDT tỉnh Sơn La trong đó có nội dung về công ty Nông Thôn có vốn ảo. Lẽ ra sở phải tiến hành kiểm tra về doanh nghiệp đã thực sự có đủ vốn góp của các cổ đông  như quy định tại đoạn 1 khoản 1 điều 80 ; điều 84 Luật doanh nghiệp hay chưa trên cơ sở các sổ sách của công ty. Cụ thể phải thông qua sổ cái, sổ quỹ tiền mặt, sổ quỹ tiền gửi, tiền vay ngân hàng; các báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp …vv.. để xác định dòng vốn thực sự có hay không có, đã chu chuyển ra sao trong quá trình hoạt động của công ty. Đằng này trong kết luận kiểm tra số 02/KL SKHĐT ngày 21/01/2014 của Sở KH&ĐT tỉnh Sơn La đã không thể hiện rõ phương thức kiểm tra không nêu rõ đã kiểm tra công ty tư vấn trên cơ sở những tài liệu nào làm cho kết luận kiểm tra chỉ là hình thức. Theo nhiều tài liệu cho biết công ty Nông Thôn không có việc hợp đồng lao động với 125 người lao động, đây còn chứng tỏ Công ty Nông Thôn có dấu hiệu trốn thuế bằng hình thức tạo ra nhiều khoản chi phí. Việc kiểm tra công ty có thực sự ký hợp đồng với nhiều người lao động hay không thực ra không khó khăn gì bởi trong nhiều năm qua công ty Nông Thôn chỉ có dự án nhà máy gạch Tuynel Thái Bình là đáng kể để sử dụng lao động nhưng dự án đó hiện nay đang do Công ty Đất Nước quản lý, điều hành. Năm 2013 là năm Công ty Nông Thôn có tranh chấp quyết liệt với các thành viên trong công ty Đất Nước và trong nội bộ. Vì thế kết luận thanh tra cho rằng công ty nộp ngân sách 1,5 tỷ đồng là con số không thực?
 
Như vậy, căn cứ vào khoản 3 và 4 điều 11 Luật doanh nghiệp quy định về hành vi cấm; căn cứ điểm a, d khoản 2 điều 165 luật doanh nghiệp quy định về xử lý vi phạm, chúng tôi thấy công ty Nông Thôn không đủ điều kiện để hoạt động và phải thu giấy chứng nhận ĐKKD đồng thời làm thủ tục giải thể để đảm bảo quyền lợi của các cá nhân, tổ chức đã tham gia góp vốn vào công ty Nông Thôn. 
 
Báo BVPL tiếp tục theo dõi và thông tin vụ việc trên.
 
Bùi Toàn