Đầu tháng 10/2013, gần 10 xã trên địa bàn huyện Tiên Lãng có những người dân làm hồ sơ xin xác nhận của UBND xã để nhận trợ cấp của một công ty.
Theo số liệu chúng tôi thu thập được ở các xã như Đoàn Lập, Hùng Thắng, Tiên Cường, Vinh Quang,… thì con số hồ sơ xin xác nhận ở UBND xã lên tới 80 hộ. Các hồ sơ chủ yếu là của các gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ. Các gia đình đến xin chính quyền địa phương làm công chứng cho sổ hộ khẩu, CMND, sổ lương, thẻ thương - bệnh binh, liệt sỹ và 1 đơn xin hỗ trợ của 1 công ty không có địa chỉ.
Tất cả các đơn của các hộ đều có mẫu giống nhau: Các đơn đều kính gửi “Ban cố vấn và Ban lãnh đạo Khối liên doanh các công ty; Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển Hiển Vinh”. Trong đơn, sau khi trình bày tên, ngày tháng năm sinh, nguyên quán, nơi thường trú, chứng minh thư và tình trạng bản thân thì cuối đơn các lá đơn đều có nguyện vọng ủy quyền cho ông Vũ Văn Điềm - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Thắng nhận số tiền hỗ trợ của mình?!
Làm hồ sơ để nhờ “cò” xin trợ cấp?
Tất cả thông tin về ông Vũ Văn Điềm có trong đơn và trong hồ sơ của các hộ chỉ là tên, một số tài khoản được mở tại ngân hàng TMCP Quân đội – chi nhánh Bắc Hải – Hải Phòng. Công ty Hiển Vinh chỉ có tên, không địa chỉ, không người đại diện, không ngành nghề kinh doanh. Khi PV hỏi một số người làm hồ sơ công ty Hiển Vinh là công ty như thế nào, ở đâu, thì mọi người đều trả lời một cách... hồn nhiên là không biết. Các hộ làm hồ sơ và có đơn đều cho biết: Họ không biết ông Vũ Văn Điềm là ai (?).
Ông Vũ Văn Khoát – phó chủ tịch UBND xã Hùng Thắng trao đổi: “Vào khoảng cuối tháng 9/2013 đã có một số hộ dân trong xã mang bộ hồ sơ có đơn xin trợ cấp từ Công ty Hiển Vinh đến UBND xã xin xác nhận. Đến đầu và giữa tháng 10/2013, UBND xã đã tiếp nhận khoảng 20 hồ sơ như thế xin xác nhận.
Chúng tôi đã hỏi các hộ dân về tính thực hư của những lá đơn này thì hầu hết người dân đều trả lời là có người bảo làm sẽ được công ty này. (công ty Hiển Vinh) hỗ trợ nên các gia đình làm để có cơ hội nhận hỗ trợ. Để hỗ trợ người dân, xã đã đồng ý xác nhận các cá nhân này có hộ khẩu thường trú tại xã vào đơn. Hầu hết các cá nhân mang đơn lên đều thuộc diện chính sách, đặc biệt là nạn nhân chất độc da cam”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, xã Hùng Thắng là xã có nhiều gia đình xin xác nhận hồ sơ và đã được xác nhận hồ sơ nhiều nhất ở Tiên Lãng.
Chúng tôi được giới thiệu tới gặp ông Nguyễn Văn Cường, thôn 10, xã Hùng Thắng, hiện là chủ tịch Chi hội Nạn nhân chất độc da cam xã Hùng Thắng. Bản thân ông Cường cũng là người làm hồ sơ xin trợ cấp của công ty Hiển Vinh.
Ông Cường cho biết: “Nghe những người trong xóm truyền tai nhau là làm xin trợ cấp, tôi cũng làm theo. Ở đây, chúng tôi toàn thế. Nếu được trợ cấp thì tốt, không được cũng không sao. Chúng tôi cũng chỉ tốn khoảng 15 nghìn đồng cho việc phô tô và công chứng các giấy tờ. Nếu được, có thể chúng tôi sẽ nhận từ 5 – 10 triệu đồng, thậm chí hơn...”. Ông Cường khẳng định mình không biết gì về công ty Hiển Vinh và không quen biết gì ông Vũ Văn Điểm, người ông đã đồng ý nhận ủy quyền hỗ trợ trong đơn.
Ông Lương Văn Cốc, thôn 16, xã Hùng Thắng là thương binh 4/4. Ông Cốc khẳng định: “Nghe thông tin mọi người lan truyền tôi cũng làm đơn để xin trợ cấp nhưng tôi không biết gì về những công ty và cá nhân này. Chúng tôi làm thì biết làm thôi. Tôi thấy người ta bảo ông Điềm là người trung gian. Thông thường, người trung gian sẽ được hưởng một phần tiền nếu họ giúp mình cái gì đó. Chắc là làm ủy quyền cho ông Điềm thì sẽ nhận tiền dễ dàng hơn. Họ nói, khâu trung gian sẽ được chia 50%. Tôi nhận được bao nhiêu cũng được. Chắc người ta giải ngân khoản tiền nào đó...”.
Những hộ dân ở Hùng Thắng cứ làm đơn, xin xác nhận của UBND xã và công chứng các loại giấy tờ liên quan xong thì nộp về cho ông Vũ Văn Khắc, thôn 9, xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng. Ông Khắc là chủ cửa hàng vàng bạc trang sức tại thôn 9. Ông Khắc có trách nhiệm tập hợp hồ sơ, người của “công ty” sẽ đến nhận hồ sơ từ ông Khắc.
Ông Vũ Văn Khắc khẳng định: “Tôi có làm hồ sơ và đã được gặp người môi giới. Người đó vào tận nhà tôi trò chuyện và lấy đơn đi”. Nhưng khi PV hỏi ông Khắc người lấy hồ sơ có phải ông Điềm không, ông Khắc một mực khẳng định không biết đó có phải ông Điềm hay không? “Tôi không hỏi tên, địa chỉ, số điện thoại của người ta làm gì (?). Họ biết mình thì đến và sau khi xong việc thì đi. Tôi chỉ biết đó là một người đàn ông 60 tuổi, cao, có mái tóc trắng, ăn nói vui vẻ, rất hiểu biết”.
|
Đơn xin trợ cấp đã được xác nhận của bà Trần Thị Riếp, ở xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng. |
Có dấu hiệu lừa đảo
Tương tự như Hùng Thắng, xã Đoàn Lập cũng là một trong những địa phương có những người làm hồ sơ xin trợ cấp của công ty Hiển Vinh. Ông Lương Văn Thắng, phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã đã ký xác nhận hồ sơ cho 2 hộ gia đình. Sau đó có 3 - 4 trường hợp nữa mang đơn đến nhưng xã không xác nhận cho nữa”.
Một trong những hộ dân làm hồ sơ xin trợ cấp và đã được UBND xã Đoàn Lập xác nhận là gia đình ông Đỗ Tất Đặt, thôn Tỉnh Lạc. Ông Đặt là cựu quân tình nguyện viên Việt Nam giúp nước bạn Lào, ông Đặt biết được thông tin xin trợ cấp ở công ty Hiển Vinh thông qua ông Lương Văn Cốc – xã Hùng Thắng. Chính ông Cốc là người nhận hồ sơ của ông Đặt và gửi hồ sơ của ông Đặt đi. Bản thân ông Đặt cũng chỉ biết tin tưởng ông Cốc mà không quan tâm hồ sơ như thế gửi đi sẽ như thế nào.
Nhiều hộ gia đình chính sách tại xã Tiên Cường, xã Vinh Quang,.. cũng làm hồ sơ và được xác nhận như gia đình ông Đặt. Những bộ hồ sơ của họ đã được họ gửi đi, sau khoảng 1 tháng, tính đến giữa tháng 11, vẫn chưa hộ gia đình chính sách nào ở Tiên Lãng đã gửi hồ sơ cho công ty TNHH Hiển Vinh nhận được thông tin gì về số tiền trợ cấp mà công ty này hứa sẽ trợ cấp cho các hộ.
Các hộ dân làm ở Tiên Lãng cũng làm hồ sơ theo tâm lý không mất gì, và cũng không biết công ty Hiển Vinh sẽ làm gì với hồ sơ của mình. Bà Hoàng Thị Thúy, trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tiên Lãng cho biết: “Chúng tôi có nhận được thông tin một số đối tượng người có công đến phòng chúng tôi xin xác nhận hồ sơ như thế (hồ sơ xin trợ cấp từ công ty Hiển Vinh - PV).
Qua xem xét đơn của các đối tượng thì chúng tôi cũng báo cáo UBND huyện và không xác nhận các đơn từ như thế. Công ty Hiển Vinh nếu có hỗ trợ cho đối tượng thì phải về làm việc trực tiếp với UBND huyện hoặc phòng chúng tôi để chúng tôi xác minh tư cách pháp nhân. Một số đơn có xác nhận có là lúc chúng tôi chưa phát hiện ra. Trong đơn có trình bày là: Nếu được hỗ trợ thì sẽ chuyển tiền vào chỗ ông Vũ Văn Điềm người Hùng Thắng và chuyển tiền vào tài khoản của ngân hàng Quân đội ở Hải Phòng thì làm sao chúng tôi lại làm việc đó được? Xã Hùng Thắng và nói chung là các xã khác chưa được xác định. Mới có một vài đơn gửi lên đây, chúng tôi phát hiện ra và đã dừng ngay việc đó”.
Ông Phạm Văn Hòe – trưởng phòng Tư pháp huyện Tiên Lãng cho biết: “Theo quy định của pháp luật, quan hệ giao dịch dân sự cũng như quan hệ giao dịch hành chính, khi mà cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức có nhu cầu, một công dân nộp hồ sơ mặc dù đó là bản sao các giấy tờ thì phải rõ ràng địa chỉ; trụ sở; tên tổ chức, cơ quan; người đứng đầu tổ chức, cơ quan; mục đích và quyền lợi, trách nhiệm của người nộp hồ sơ. Nếu không biết những điều đó mà ta gửi hồ sơ rất có thể chúng ta bị ăn cắp những thông tin cá nhân.
Những thông tin về giấy tờ liên quan có khả năng bị lợi dụng để trục lợi bằng tài sản hoặc thông tin phục vụ cho mục đích khác của những người cầm hồ sơ. Nếu thực sự người dân đã trót nộp giấy tờ cho một cơ quan hoặc một tổ chức nào mà thông tin không rõ ràng thì người dân sẽ phải liên hệ với đơn vị đó để kiểm tra trụ sở và người đứng đầu của tổ chức đó là ai. Trong trường hợp không liên hệ được thì cần phải trình báo với cơ quan công an để nắm thông tin và làm rõ sự việc”.
Việc làm hồ sơ xin trợ cấp của khoảng 80 hộ dân trên địa bàn huyện Tiên Lãng có những điểm tương tự như vụ lừa đảo lớn ở tỉnh Bạc Liêu.
Theo đó, ngày 11/9/2013, bà Huỳnh Thanh Hoa, chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh Bạc Liêu, đã gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan bảo vệ pháp luật địa phương về hành vi mờ ám của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển Hiển Vinh (gọi tắt là Công ty Hiển Vinh, trụ sở tại số 68, đường Phan Đình Phùng, phường Xương Huân, TP.Nha Trang, Khánh Hòa), do ông Cao Văn Xứng, SN 1945, chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông Xứng hứa tài trợ cho hội 10 căn nhà tình thương dành cho nạn nhân chất độc da cam. Tuy nhiên, công ty này lại cấp giấy chứng nhận sở hữu cổ phần tương đương với 50.000 cổ phần, đợi lúc công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, hội sẽ bán để … lấy tiền.
Theo Người đưa tin