(BVPL) - Suốt hơn 7 năm qua các mục tiêu “lớn” của Dự án "Đầu tư xây dựng Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) tỉnh Nam Định”  không hề được triển khai khiến chính người dân Nam Định cũng thấy sốt ruột, xót xa khi thấy tòa nhà 9 tầng bị sử dụng lãng phí.
 
Xây 500 m2 diện tích mặt sàn cho một người làm việc
 
Ghi nhận của PV báo BVPL sáng ngày 5/4/2015 tại trung tâm tin học và thông tin KHCN có tổng số 10 cán bộ, nhân viên. Như vậy, nếu tính tòa nhà có diện tích mặt sàn và khoảng 200 phòng làm việc thì hiện mỗi cán bộ của trung tâm này đang làm việc với 20 phòng làm việc/người và “sở hữu” diện tích trên 500 m2/người…
 
Cả tòa nhà 9 tầng, quy mô 5.300 m2 chỉ có 10 cán bộ làm việc
Cả tòa nhà 9 tầng, quy mô 5.300 m2 chỉ có 10 cán bộ làm việc
 
Theo báo cáo của Sở  Khoa học- Công nghệ Nam Định, tòa nhà 9 tầng trên thuộc Dự án "Đầu tư xây dựng Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) tỉnh Nam Định” với quy mô 5.300 m2 sàn và riêng trị giá xây dựng đã lên tới 27.570 tỉ đồng. 
 
Từ cuối năm 2008, sau khi hoàn thành thi công, tòa nhà được giao cho Trung tâm Tin học và Thông tin Khoa học công nghệ(KHCN) thuộc Sở khoa học- Công nghệ Nam Định quản lý, khai thác sử dụng với nhiệm vụ “thành lập trung tâm đào tạo CNTT cho cán bộ công chức, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh Nam Định, cung cấp dịch vụ, nghiên cứu phát triển ứng dụng và chế tác phần mềm phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và khu vực, là đầu mối phát triển CNTT với các đối tác trong và ngoài nước và là "lồng ấp" các doanh nghiệp CNTT ...
 
Tuy nhiên, suốt hơn 7 năm qua các mục tiêu “lớn” trên không hề được triển khai khiến chính người dân Nam Định cũng thấy sốt ruột, xót xa khi thấy tòa nhà bị sử dụng làng phí. Anh N.V.H, chủ một doanh nghiệp đào tạo và cung cấp thiết bị tin học ở TP.Nam Định cho biết: Tôi thành lập doanh nghiệp từ năm 2000, chưa hề thấy trung tâm này có nghiên cứu ứng dụng tin học và sản xuất, gia công phần mềm gì cả. Đến việc đào tạo tin học cho cán bộ, công chức của tỉnh từ trước tới nay cũng đều thuê các doanh nghiệp tư nhân thực hiện.
 
Còn theo chính một cán bộ của Sở Khoa học- Công nghệ Nam Định thì việc chính và duy nhất của trung tâm này chỉ là quản lý vài trang thông tin điện tử và Sở Khoa học- Công nghệ và một vài sở, ngành, địa phương.
 
Sở KHCN Nam Định giữ đất?
 
Theo tài liệu mà PV thu thập được thì tổng diện tích đất cấp cho dự án này lên tới 20.000m2, nhưng do dự án bị dừng ở giai đoạn I và không triển khai nữa nên chỉ sử dụng khoảng 1/3 tổng diện tích trên. Tuy nhiên, đến nay số diện tích còn lại hầu như để hoang phí. Đáng nói, sự lãng phí chưa dừng ở việc xây cả tòa nhà 9 tầng trị giá xây dựng lên tới 27,5 tỉ đồng chỉ để cho 10 người làm việc.  
 
Một người dân ở xã Mỹ Xá (TP.Nam Đinh) nhà gần với tòa nhà này chia sẻ: “Vị trí khu đất này rất đắc địa vì nằm ngay mặt quốc lộ 10, giáp với Cụm công nghiệp An Xá và KCN Hòa Xá. Chúng tôi thấy tỉnh nói thu hồi đất để phục vụ phát triển CNTT nên đồng ý. Bây giờ không thấy làm gì, để bỏ hoang “đất vàng” cả chục năm khiến những người bị thu hồi đất đều thấy xót xa. Nếu không có dự án khả thi khác thì đề nghị trả đất cho dân để khai thác còn hơn bỏ hoang”.
 
àng chục nghìn mét đất vẫn bị để hoang phí hàng chục năm
Hàng chục nghìn mét đất vẫn bị để hoang phí hàng chục năm
 
Đem những câu hỏi trên đến Lãnh đạo Sở Khoa học- Công nghệ Nam Định. Ông Phạm Văn Khôi, Phó Giám đốc Sở này thừa nhận việc để làng phí tòa nhà 9 tầng là có thật. Theo ông Khôi, hiện nay Trung tâm Tin học và thông tin KHCN chỉ sử dụng 4 tầng ở giữa (tàng 3,4,5,6). Còn lại 5 tầng của tòa nhà này bị bỏ phí. Trước đó, tầng 1 và tầng 2 một lần được trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ mượn vài năm do giải tỏa trụ sở tại khu vực nhà thờ Khoái Đồng nên không có trụ sở. Năm 2014, khi xây dựng được trụ sở trung tâm đã chuyển sang trụ sở mới nên 2 tầng này lại bỏ hoang. Về vấn đề lãng phí đất, ông Khôi cho biết “Tất cả các vị trí đất trong dự án chưa được xây dựng đã được giao cho trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sử dụng vào dự án sản xuất khoai tây sạch bệnh”. Cũng theo ông Khôi thì “dự án trồng khoai tây sạch bệnh” trên đất thuộc dự án CNTT này đang “đạt hiệu quả rất cao”…
 
Như vậy, nếu tính tòa nhà có diện tích mặt sàn và khoảng 200 phòng làm việc thì hiện mỗi cán bộ của trung tâm này đang làm việc với 20 phòng làm việc/người và “sở hữu” diện tích trên 500 m2/người…Trong khi đó, hàng trăm doanh nghiệp ở nội thành xin đất để đảm bảo môi trường thì nhận được câu trả lời là hết đất. 
 
Trước những bất cập về quản lý đất công, nhiều người đặt câu hỏi nghi vấn về việc giữ đất của Sở Khoa học- Công nghệ Nam Định.
 
Báo BVPL sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
 
Trả lời câu hỏi của PV báo BVPL về hướng sử dụng hiệu quả tòa nhà 9 tầng và hàng chục nghìn mét đất đang bị bỏ hoang, sử dụng sai mục đích trên, Phó giám đốc Sở Khoa học- Công nghệ Nam Định, ông Phạm Văn Khôi cho biết UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo sở Khoa học- Công nghệ tìm hướng hợp tác phát triển CNTT với thành phố Hồ Chí Minh theo hướng tại đây sẽ thành lập Trung tâm dữ liệu tỉnh Nam Định là một phân khúc của chuỗi  Công viên phần mềm Quang Trung, một doanh nghiệp CNTT của TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tiến độ mới dừng ở việc UBND tỉnh Nam Định đã ký biên bản hợp tác với UBND thành phố Hồ Chí Minh về hợp tác phát triển công nghệ thông tin.

 

Văn Đông