(BVPL) - Dư luận đặt khá nhiều hoài nghi và thắc mắc vào quyết định của Tổng cục THA cũng như ý kiến của UBND tỉnh Đồng Nai ( Các quyết định và ý kiến này chúng tôi đã phản ánh ở số báo trước). Không lẽ, một nữ doanh nhân đi “thu gom” tiền để tậu tài sản và tìm mọi cách tẩu tán, thậm chí là lừa đảo để chiếm đoạt tiền của nhiều người khác rồi “cúng dường” thì các cơ quan pháp luật phải “bó tay” “thuận theo chủ ý”?!.
“Đá bóng trách nhiệm”
Ngày 16/1/2012, tại Văn phòng công chứng Bình Chuẩn, vợ chồng bà Dương lập “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” chuyển nhượng mảnh đất được nhà nước giao rộng 286,3m2 (không chuyển nhượng mảnh đất rộng 184,1m2 được nhà nước cho thuê đất và trả tiền thuê đất hàng năm) và chuyển nhượng trạm xăng, nhà điều hành… cho 03 người lần lượt có tên Nguyễn Thị Liễu , Vũ Thị Hương, Nguyễn Thị Hoà cùng ngụ ở TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Tuy nhiên, việc ký “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” chỉ mang tính chất đối phó vì chỉ được đôi bên thực hiện ở phòng công chứng mà không tiến hành đăng bộ. Do đó, trước khi huỷ hợp đồng chuyển nhượng trên, Công ty Tài Phú Lợi vẫn có thể tiến hành thủ tục gộp mảnh đất đã chuyển nhượng với mảnh đất rộng 184,1m2 thành một mảnh đất rộng 470,4m2 và đã được Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BK 033605, số vào sổ cấp GCN CT03208 ngày 22/11/2012, cho Công ty Tài Phú Lợi.
Ngay sau đó, ngày 27/12/2012, “theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền” vợ chồng bà Dương và 3 bà Liễu, Hương, Hoà đồng loạt kéo nhau ra phòng công chứng huỷ quyết định chuyển nhượng ngày 16/1/1012, đồng thời lập Hợp đồng chuyển nhượng một phần quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giao và đất thuê mới với tư cách pháp nhân là Công ty tài Phú Lợi chuyển nhượng cho Công ty TNHH xăng dầu Đức Lợi (Công ty này cũng do 3 bà Liễu, Hương, Hoà trên sáng lập). Theo đó, Công ty Tài Phú Lợi chuyển nhượng quyền sử dụng 286,3m2 đất giao (không chuyển nhượng phần đất thuê là 184,1m2) đồng thời chuyển nhượng tài sản là trạm xăng, nhà điều hành nằm trên cả 2 thửa đất (286,3m2 và 184,1m2).
Như vậy, đối chiếu với thời gian (ngày 3/7/2012) Chi cục THA TP.Thủ Dầu Một phát thông báo đến các cơ quan chức năng (trong đó có cả Văn phòng công chứng Bình Chuẩn)… đề nghị khi Công ty Tài Phú Lợi, bà Dương, ông Tài tiến hành các thủ tục chuyển dịch tài sản thì thông báo cho Chi cục THA sau ngày Công ty Tài Phú Lợi chuyển nhượng tài sản cho 03 bà Liễu, Hương và Hoà (chuyển nhượng lần 1 ngày 16/1/2012) đã đành. Nhưng tại sao ngày 27/12/2012 (đã có có thông báo của Chi cục THA) khi vợ chồng bà Dương và 3 bà Liễu, Hương, Hoà ra huỷ hợp đồng chuyển nhượng và lập hợp đồng mới thì Văn phòng công chứng Bình Chuẩn (đ/c: 24/11 đường ĐT 743 KP Bình Phú, phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương) do ông Đinh Thanh Tâm – Công chứng viên vẫn tiến hành công chứng bình thường mà không dừng lại để thông báo cho Chi cục THA TP.Thủ Dầu Một biết?. Rõ dàng, Văn phòng công chứng Bình Chuẩn đã “phớt lờ” nội dung công báo của Chi cục THA TP.Thủ Dầu Một và tạo điều kiện cho vợ chồng bà Dương tẩu tán tài sản.
Lại nói đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (ngày 5/8/2013) cho Công ty Đức Lợi đối với tài sản là quyền sử dụng đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất BK 033605 của Công ty Tài Phú Lợi chuyển nhượng, thì Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đổ lỗi cho Chi cục THA TP.Thủ Dầu Một và ngược lại. Cấp Sở này khẳng định “đến thời điểm này (16/4/2013 -PV), Sở TN&MT không nhận được Quyết định nào từ cơ quan TA hoặc THA đối với việc ngăn chặn các giao dịch của Công ty Tài Phú Lợi…”. Còn Chi cục THA TP.Thủ Dầu Một thì lại cho rằng đã gửi cho Sở TN&MT một CV về việc đề nghị hỗ trợ và thông báo cho cơ quan THA nhưng khi Công ty Tài Phú Lợi làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty Đức Lợi thì Sở TN&MT không thông báo nên cơ quan THA chưa kịp xử lý. Việc “chưa kịp xử lý” này của cơ quan THA dẫn đến hệ luỵ vô cùng nghiêm trọng đó là đã giúp cho việc chuyển nhượng – tẩu tán- tài sản của cặp đôi Dương – Tài đã hoàn thành, phần nào là nguyên nhân để Tổng cục THA đưa ra quyết định “không kê biên” tài sản của Công ty Tài Phú Lợi. Theo những người được THA, quyết định này của Tổng cục THA không đảm bảo quyền lợi chính đáng của họ.
Chiêu “độc” để tẩu tán tài sản
Một trong 2 tài sản có giá trị nhất của đôi vợ chồng doanh nhân này là mảnh đất rộng gần 50.000m2 toạ lạc tại xã Phú Vinh, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, ngày 6/2/2012 ( thời điểm này TAND TP.Thủ Dầu Một đã thụ lý rất nhiều đơn “đòi nợ” đối với vợ chồng bà Dương), ông Tài, bà Dương đã ký hợp đồng tặng cho toàn bộ quyền sử dụng mảnh đất trên cho Thiền Viện Thường Chiếu nhưng đến nay vẫn chưa ra GCNQSDĐ.
(Ảnh 2.1: Mảnh đất rộng gần 50.000 m2 toạ lạc tại xã Phú Vinh, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai đã được vợ chồng bà Dương hiến tặng cho nhà chùa.)
Và mặc dù cho rằng đối với mảnh đất rộng 50.000m2 này có thể kê biên nhưng Tổng cục THA lại không “giám” cho Cục THA tỉnh Bình Dương tổ chức thi hành đúng luật định để đảm bảo quyền lợi của những người được THA mà yêu cầu cấp dưới của mình phải xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai. Không cần luật định, cũng chẳng để ý đến nỗi khổ của hàng chục người dân lương thiện, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Cục THA tỉnh Bình Dương không kê biên mảnh đất này vì theo UBND tỉnh Đồng Nai nếu kê biên sẽ ảnh hưởng đến tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội (CV số 10812/UBND-NC ngày 17/12/2013 của UBND tỉnh Đồng Nai). Dư luận e ngại với yêu cầu trên của UBND tỉnh Đồng Nai vì nếu cơ quan THA chiếu theo yêu cầu này để thực hiện thì sẽ mở ra một tiền lệ vô cùng xấu đối với mọi loại tội phạm là muốn tẩu tán tài sản hãy hiến tặng cho nhà chùa. Còn việc nhà chùa có “lại quả” cho người hiến tặng này dưới hình thức nào đó thì đúng là chỉ những người trong cuộc mới hiểu!
Về phần nhà chùa, khi làm việc với dại diện Cục THA lại cho rằng phần đất nhận do vợ chồng bà Dương hiến tặng, Thiền Viện Thường Chiếu đã hiến tặng cho quý hội phật giáo tỉnh Đồng Nai (vợ chồng bà Dương mới làm hợp đồng có công chứng chứ chưa ra sổ đỏ), đồng thời Thiền Viện Thường Chiếu lại khẳng định mảnh đất này là của nhiều phật tử, ông Tài bà Dương chỉ là đại diện đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, thầy Hải Tuyền – là một trong số thầy được giao trông coi nhà cửa và hoa màu cũng như sử dụng mảnh đất này cho biết, hiện nay nhà chùa cũng chỉ tạm thời ở để trông coi cũng như làm dãy nương khu đất vì mảnh đất này rất rộng, có rất nhiều loại cây như Điều, Tràm… Nhà chùa cũng biết việc bà Dương vay mượn của nhiều người và mảnh đất này hiện đang nằm trong diện kê biên để đảm bảo THA. Vì vậy, nếu vợ chồng bà Dương đến làm việc với trụ trì thì chắc chắn nhà chùa sẽ sẵn sàng trả lại đất để bà Dương trả nợ cho mọi người. Thế nhưng vợ chồng bà Dương không hề xuất hiện để trao đổi với nhà chùa, thầy Hải Tuyền nhấn mạnh.
Là một trong số những người đã cho vợ chồng bà Dương vay tiền mà còn là người cho vay nhiều nhất ( cho vay 5,3 tỷ nhưng chấp nhận cho bà Dương chỉ phải trả 4,5 tỷ đồng), bà Nguyễn Thị Lan (đ/c: số 90, lô 30, tổ 36, khu 5, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) hiện đã rơi vào tình cảnh “nhà tan cửa nát” nói trong nước mắt, vợ chồng bà Dương đã lợi dụng niềm tin của bà cũng như của rất nhiều người khác để vay mượn tiền. Tuy nhiên, vợ chồng bà Dương không có thiện chí trả nợ, cực chẳng đã bà cũng như mọi người phải nhờ đến cơ quan pháp luật nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người như bà. Nhưng dường như vợ chồng bà Dương đã tính toán rất kỹ đồng thời có hậu thuận rất lớn từ phía các cơ quan chức năng. Phải nói rằng, nếu ngay từ đầu các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương làm hết trách nhiệm thì vợ chồng bà Dương sẽ không thể tẩu tán được tài sản của Công ty Tài Phú Lợi cũng như không thể có được quyết định đau lòng từ Tổng cục THA. Đau lòng hơn nữa là đề nghị của UBND tỉnh Đồng Nai khi đề nghị cơ quan THA không kê biên mảnh đất đứng tên bà Dương, ông Tài đã làm hợp đồng chuyển nhượng cho Thiền Viện Thường Chiếu mặc dù đủ cơ sở để kê biên. Tuy nhiên, để đảm bảo THA, không thể phụ thuộc vào ý kiến của nhà chùa, của ông Tài bà Dương mà phải dựa trên cơ sở pháp luật, bà Lan nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Lan cũng cho biết thêm, trước khi “vỡ nợ” kiểu “bong bóng” này, vợ chồng bà Dương còn sử dụng nhiều chiêu thức như cầm cố, vay mượn lại tài sản đã thế chấp để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của mọi người, trong đó có bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Nguyễn Thị Thu Nga, ông Nguyễn Văn Đông… Và đẩy bà - người đã chạy vạy vay mượn khắp nơi mới có số tiền 5,3 tỷ đồng để đưa cho vợ chồng y trở thành đối tượng điều tra của cơ quan điều tra, Công an tỉnh Bình Dương.
Vậy thủ đoạn đó được cặp đôi này thực hiện như thế nào?
Mời các bạn đón đọc kỳ 3: Đã cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”?
Nhóm PV