(BVPL) - Sau loạt bài đăng tải về việc công ty TNHH bê tông H&P Thái Nguyên cung cấp bê tông "đểu" ra thị trường gây thiệt hại cũng như tạo tâm lý hoang mang cho những ai đã từng mua bê tông tươi của công ty này, báo Bảo vệ pháp luật đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ phía bạn đọc cũng như từ phía các cơ quan chức năng.
|
Công trình văn phòng, siêu thị cao tầng được cho là chất lượng bê tông kém. |
Trong số ý kiến phản hồi nêu trên, phần đa cho rằng: Báo đã có bài điều tra và phản ánh rất sát và không ít các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đã mua phải bê tông đểu từ công ty H&P. Quả đắng đã rõ nhưng tất cả đều phải chịu chung cảnh “ ngậm bồ hòn làm ngọt” mà không biết kêu ai.
Luồng phản hồi thứ hai là tại sao công ty H&P đưa ra thị trường sản phẩm bê tông kém chất lượng trong một thời gian dài như vậy lại không bị lên tiếng, phải chăng bản kết luận thí nghiệm của phòng thí nghiệm LAS-XD:26 thuộc Trung tâm kiểm định chất lượng xây dựng tỉnh Thái Nguyên đối với hai mẫu bê tông được lấy từ công trình Trung tâm thương mại và văn phòng do Công ty TNHH Phương Nhung làm chủ đầu tư có gì sai sót cho nên mới đưa ra kết quả số liệu về mác bê tông lại có chỉ số quá thấp như vậy?
|
Kết luận thí nghiệm của phòng thí nghiệm LAS-XD:26 |
Để trả lời câu hỏi này từ phía bạn đọc cũng như những người đang quan tâm theo dõi, chiều ngày 30/10/2015 nhóm phóng viên của báo Bảo vệ pháp luật đã có buổi làm việc với ông Vũ Văn Hà – Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng xây dựng tỉnh Thái Nguyên. Trước những câu hỏi mà nhóm phóng viên đưa ra, đặc biệt là có hay không sự sai sót trong quá trình thực hiện thí nghiệm đối với hai mẫu bê tông được lấy từ công trình Trung tâm thương mại và văn phòng do Công ty Phương Nhung làm chủ đầu tư dẫn đến kết quả chỉ số mác bê tông quá thấp so với yêu cầu mà chủ đầu tư đã đưa ra trước đó? Với câu hỏi này, ông Hà cho biết: Từ trước tới nay các cuộc thí nghiệm tại trung tâm chưa có sự cố nào xảy ra, kết quả thí nghiệm luôn đúng. Máy móc, phương tiện kiểm định của trung tâm được viện đo lường kiểm định định kỳ theo quy định, tùy thuộc vào từng loại máy móc, thiết bị cụ thể có thời gian kiểm định khác nhau. Như vậy số liệu thí nghiệm đối với hai mẫu bê tông nói trên được phòng thí nghiệm LAS – XD:26 của Trung tâm kiểm định chất lượng đưa ra với chỉ số mác trung bình là 168, thấp là 134, một con số quá thấp so với yêu cầu mà chủ đầu tư đưa ra là mác 300. Ngoài ra nhóm phóng viên chúng tôi còn hỏi thêm ông Hà một số câu hỏi như ông đánh giá như thế nào về chất lượng bê tông của công ty H&P? Các công trình được xây dựng bởi bê tông có chỉ số Mác kém như vậy thì có được đưa vào sử dụng hay không? Trung tâm có ý kiến đề xuất như thế nào trong việc xử lý công trình này? Trước những câu hỏi nêu trên ông Hà cho biết: Sau khi nhận được thông tin từ phía cơ quan báo chí, Sở xây dựng đã cho thành lập đoàn kiểm tra, kiểm tra toàn bộ công trình, Trung tâm cũng là một thành viên trong đoàn kiểm tra đó. Sau khi kiểm tra Sở sẽ kiên quyết xử lý các sai phạm nếu có, tuy nhiên kết quả kiểm tra cho tới thời điểm hiện tại Sở vẫn chưa công bố, còn kết quả bản LAS có thể nói là không sai.
Theo ông Nguyễn Bá Kiên, chủ đầu tư một công trình xây dựng và cũng là một kỹ sư xây dựng có nhiều kinh nghiệm chia sẻ: “Việc thi công và hoàn thiện một công trình phụ thuộc và rất nhiều yếu tố trong đó bê tông tươi là một vật liệu rất quan trọng. Không thể đổ trần hay đổ cột nếu thiếu bê tông. Tuy nhiên nếu chất lượng bê tông kém sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình. Mác bê tông là chỉ số quan trọng trong việc đánh giá chất lượng của bê tông tươi.”
Đã có quá nhiều bài học xương máu xoay quanh việc thi công và sử dụng vật liệu kém chất lượng, sập nhà hay sập trần vì mua phải xi măng rởm và bê tông kém chất lượng không hề ít. Vụ sập nhà ở Bình Dương hồi tháng 11 năm ngoái là một minh chứng hùng hồn cho việc sử dụng bê tông kém chất lượng. Quay trở lại với vụ việc tại công trình Trung tâm thương mại và văn phòng của công ty Phương Nhung, trong hợp đồng ký kết, mác bê tông chủ đầu tư đưa ra yêu cầu mác 300 nhưng công ty H&P lại cung cấp bê tông mác cao nhất là 168. Hành vi này có dấu hiệu lừa đảo.
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Lâm ( đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: “Việc làm của công ty H&P có dấu hiệu lừa đảo bởi trên thực tế tại kết luận của bản LAS – XD:26, Trung tâm kiểm định chất lượng tỉnh Thái Nguyên đã cho thấy rõ là chất lượng Mác bê tông do nhà thầu cung cấp có chỉ số rất thấp thậm chí có mẫu thí nghiệm còn không đạt được một nửa chỉ số so với yêu cầu của chủ đầu tư là mác 300. Toàn bộ các chỉ số đó đã được kiểm định bởi các trang thiết bị chuyên ngành hiện đai của Trung tâm kiểm định chất lượng tỉnh Thái Nguyên.
Ở đây, công ty H&P có dấu hiệu phạm tội lừa dối khách hàng được quy định tại điều 162 bộ Luật hình sự: “ Người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Phạm tội nhiều lần hoặc thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.”
Dư luận hy vọng sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt và nghiêm minh của Sở xây dựng tỉnh Thái Nguyên sẽ làm sáng tỏ được uẩn khúc đằng sau sự vi phạm cảu Công ty H&P . Đề nghị Sở xây dụng tỉnh Thái Nguyên sẽ đưa ra kết quả kiểm tra thực tế và chính xác nhất và xử lý nghiêm minh những sai phạm.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vấn đề này.
Tiến Đạt – Hoàng Anh