(BVPL) - Gần đây, dư luận xôn xao vụ việc  anh Phạm Văn Tình (trú tại Khu 1, thị trấn Kinh Môn, Kinh Môn, Hải Dương) “vác” đơn kêu oan đến các cơ quan chức năng và các cơ quan ngôn luận.  Đặc biệt, anh và gia đình cho rằng có nhiều ẩn khuất khi trong đêm khuya đột nhiên công an huyện Nam Sách đến nhà đập khóa, phá cửa, xông vào nhà bắt anh Tình đi trước sự ngỡ ngàng và bàng hoàng của cả gia đình. Nhìn từ khách quan, vụ việc này quả là còn có nhiều điều khuất tất. Phóng viên báo BVPL đã gặp gỡ một số cán bộ và người dân ở Kinh Môn, Hải Dương để tìm hiểu sự việc này…
 
Cách đây hơn 3 năm, vào ngày 11/6/2010 sau khi nhận được sự phân công của lãnh đạo Công ty Cổ phần Đông Hải 27/7, anh Tình (vốn là công nhân của Công ty) đã cùng với ông Phạm Hải Ninh và ông Trần Văn Tuấn đi làm nhiệm vụ hỗ trợ Đội kiểm tra liên ngành của UBND huyện Kinh Môn trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý các hoạt động bơm hút cát sỏi trái phép trên sông. Tuy nhiên, một tuần sau đó, anh Tình có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn (do anh Tình có tiền sử bệnh tai biến mạch máu não) nên đã xin nghỉ việc để đi điều trị bệnh. Ngày 24/6/2010, Giám đốc công ty Đông Hải đã có quyết định đình chỉ công tác đối với anh Tình. Sau thời gian điều trị tại bệnh viện, ngày 9/7/2010, anh Tình được gia đình xin về điều trị ngoại trú tại nhà. Khoảng 10 giờ trưa ngày 9/7, khi anh Tình đang nằm nghỉ ở nhà thì có cuộc điện thoại yêu cầu công ty Đông Hải cho tàu ra Phà Mây kéo tàu vi phạm về bãi (sau này anh Tình mới được biết chủ tàu vi phạm là ông Nguyễn Đức Diệp, bị hại trong vụ án). Anh Tình trả lời rằng đang bị bệnh nằm tại nhà, không làm việc. Người gọi điện đến hỏi tiếp là nếu kéo tàu từ Phà Mây về bãi Phúc Thành thì chi phí khoảng bao nhiêu, anh Tình trả lời: Khoảng năm triệu gì đó, cụ thể như thế nào thì anh báo về công ty, tôi không biết. Nội dung cuộc điện thoại chỉ có thế, nhưng đến đêm ngày 10/7/2010, Công an huyện Nam Sách đã ập vào nhà anh Tình, đập khóa, phá cửa xông vào bắt anh Tình. Cho đến ngày 13/12/2010, anh Tình mới được tại ngoại. 
 
Ông Toàn trao đổi với phóng viên
Ông Toàn trao đổi vụ việc với phóng viên báo BVPL
 
Anh Tình bức xúc cho rằng, anh không hề liên quan đến vụ án Cưỡng đoạt tài sản hay Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà cơ quan điều tra đã khởi tố đối với Phạm Văn Cơ và đồng phạm, anh Tình không phải là đồng phạm của vụ án. Chỉ vì câu trả lời chung chung qua điện thoại về mức chi phí để kéo một chiếc tàu vi phạm  trong trạng thái không được minh mẫn vì anh Tình đang điều trị bệnh, cũng không rõ ai gọi đến mà anh Tình bị quy tội là lạm dụng quyền hạn để chiếm đoạt tài sản. Vậy mà anh đã bị bắt giam, sống khổ cực trong nhà giam hơn 5 tháng, ảnh hưởng rất nhiều đến danh dự và công việc của anh. Gia đình điêu đứng.
 
Tiến sĩ Luật Phan Đình Khánh cho rằng, việc khởi tố và bắt tạm giam anh Phạm Văn Tình về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là không có căn cứ. Nói cách khác hành vi của  anh Tình không đủ yếu tố cấu thành tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Chủ thể của tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản phải là người có chức vụ, quyền hạn. 
 
Theo Tiến sĩ Khánh cơ quan công an huyện Nam Sách bắt khẩn cấp anh Tình trong đêm ngày 10/7/2010 là không đúng. Bởi điều 181 bộ luật Tố tụng Hình sự nêu rõ những trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng được bắt khẩn cấp: Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;  Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ...
 
Việc anh Phạm Văn Tình bị bắt theo anh Phạm Văn Toàn (anh ruột Phạm Văn Tình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đông Hải 27/7 có địa chỉ đăng ký tại Hiệp Sơn, Kinh Môn, Hải Dương): Công ty Đông Hải trúng gói thầu san lấp mặt bằng thuộc Dự án nhiệt điện BOT Hải Dương với tổng giá trị 176 tỷ đồng). Trong quá trình đấu thầu, một số đơn vị không trúng gói thầu (trong đó có cả đơn vị “người nhà” của một vị lãnh đạo Công an tỉnh Hải Dương) đã tỏ ra không hài lòng, ghen ghét với công ty Đông Hải. Có lẽ, đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc Công an tỉnh Hải Dương lập chuyên án hình sự đối với ông vào đầu năm 2010, trong đó ông Toàn bị điều tra với tội danh là trùm xã hội đen, chuyên bảo kê nhà hàng, khách san, ô tô, tàu bè… cũng như áp đặt các tội phạm ở Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng đều là quân của ông Toàn. Ông Toàn bức xúc cho rằng, những tên tội phạm đó không phải là người của ông, cũng không phải họ hàng và chẳng liên quan gì đến ông.
 
Đơn kêu cứu gửi các cơ quan báo  chí của ông Phạm Văn Toàn

 

Được biết hàng năm Công ty cổ phần Đông Hải 27/7 nộp ngân sách Nhà nước gần 10 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động, trong đó có rất nhiều thương bệnh binh đã từng tham gia chiến đấu trên chiến trường (trước đây, ông Toàn vốn là sỹ quan chỉ huy tăng thiết giáp). Công ty đặc biệt chú trọng đến công tác xã hội - từ thiện, đã đóng góp hơn 12 tỷ đồng cho những hoạt động này. Công ty đã nhiều lần được Trung ương và địa phương tặng bằng khen, giấy khen. 

 
Ông Toàn cho biết thêm, sau đó Công an tỉnh Hải Dương đã điều động nhiều người theo dõi, giám sát ông, có lẽ chỉ cần ông có một hành vi vi phạm pháp luật nhỏ, họ sẽ bắt ông ngay. Quá căng thẳng và bức xúc, ông Toàn đã có đơn kiến nghị và gặp một lãnh đạo bộ Công an. Vị này đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương lúc bấy giờ cho người xác minh về ông Toàn và Công ty Đông Hải, với kết luận ông Toàn là một công dân tốt, có nhiều đóng góp cho địa phương. Vì vậy, vị lãnh đạo này đã chỉ đạo cho Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương  về trường hợp ông Toàn là: “có vi phạm thì cho xử lý theo đúng pháp luật, còn không thì dừng ngay”. 
 
Sau 3 năm trôi qua, đột nhiên vào khoảng đầu tháng 9/2013 Công an tỉnh Hải Dương đã phối hợp với Bộ Công an lật lại chuyên án. Sau đó còn có rất nhiều người đi đến các doanh nghiệp và lãnh đạo chính quyền địa phương ở Hải Dương và các tỉnh, thành lân cận để phao tin rằng “Thằng Toàn “trọc” là tội phạm hình sự, đang bị Bộ Công an theo dõi và xử lý”. Trái với những thông tin đó, trả lời báo chí, ông Lê Văn Tuấn - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Kinh Môn cho biết: “Nhờ những đóng góp tích cực của ông Phạm Văn Toàn và Công ty Đông Hải 27/7 thời gian qua Hội chữ thập đỏ huyện luôn là đơn vị đi đầu của tỉnh Hải Dương. Ông Toàn chưa từ chối bất kỳ một trường hợp cần trợ giúp nào. Có những năm Hội chữ thập đỏ chỉ xin 50 suất quà Tết cho những hoàn cảnh khó khăn, ông Toàn còn ủng hộ thêm 50 suất nữa giúp cái Tết của bà con thêm ấm cúng...”.
 
Ông Tiên Văn Hồng - Chủ tịch huyện Kinh Môn cho biết: Huyện Kinh Môn chưa phải xử lý, hoặc tiếp nhận bất kỳ khiếu nại nào liên quan đến Đông Hải cũng như cá nhân ông Toàn. Qua lời nhận xét của Tiên Văn Hồng - Chủ tịch huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương thì Công ty Đông Hải 27/7 là một doanh nghiệp trẻ trên địa bàn huyện. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Công ty Đông Hải luôn tích cực đóng góp xây dựng địa phương và tham gia nhiều hoạt động xã hội từ thiện. Đến thời điểm hiện tại, huyện Kinh Môn chưa phải xử lý, hoặc tiếp nhận bất kỳ khiếu nại nào liên quan đến Đông Hải cũng như cá nhân ông Phạm Văn Toàn.
 
Ông Nguyễn Văn Thấn chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam huyện Kinh Môn cho biết, dù ông Phạm Văn Toàn quản lý hàng trăm lao động nhưng Liên đoàn chưa nhận được bất cứ khiếu nại hay phàn nàn gì của lao động về ông cũng như về Đông Hải 27/7.
 
Còn Ông Nguyễn Văn Quân – Phó Chủ tịch xã Hiệp Hòa, huyện Kinh Môn khẳng định:” ông Toàn là người đóng góp, ủng hộ nhiều công trình phúc lợi trong xã Hiệp Hòa, tham gia nhiều công tác từ thiện, nhân đạo, giúp đỡ, tặng tiền và vật chất nhiều gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình khó khăn.Ngoài ra ông Phạm Văn Toàn là một trong những cá nhân tham gia nhiệt tình các hoạt động từ thiện, nhân đạo nhất ở đây. Bao nhiêu năm làm đây, UBND xã chưa bao giờ nhận được đơn thư hay phản ánh về mặt tiêu cực liên quan đến anh Toàn. Nếu nói về anh Toàn tham gia xã hội đen, hay băng nhóm thì chúng tôi thấy không có cơ sở…”.
 
Dư luận cũng đang mong chờ sự vào cuộc một cách tích cực và triệt để của các cơ quan chức năng làm rõ việc anh em ông Phạm Văn Toàn có vi phạm pháp luật hay không nhằm tránh gây cho sự việc dây dưa kéo dài. Đặc biệt dể đảm bảo sự công bằng và trật tự xã hội.
 
Nhóm PVPL
.