(BVPL) - Năm 2003 UBND tỉnh Thanh Hóa quy hoạch Khu công nghiệp (CN) Vức 22,5ha để dồn các doanh nghiệp đang chế biến đá xẻ xen cư đang gây ô nhiễm môi trường sống của nhân dân tại khu vực núi Vức, xã Đông Hưng. Điều kỳ lạ, hàng chục doanh nghiệp đã tập trung về đây, song 13 năm qua, khu CN Vức mới có 2 doanh nghiệp hoàn chỉnh hồ sơ thuê đất, số còn lại xã thu tiền thuê đất “vô tội vạ”. Gần đây lại có chuyện “xã bảo vệ đường dân sinh trong mặt bằng của doanh nghiệp đã nộp tiền mua đất trước đó”. Không những thế, UBND xã Đông Hưng và Sở TNMT “ra mặt” cản trở doanh hoàn thiện mặt bằng trên đất của mình…
|
Những khối đá lộn xộn chắn đường tại Khu CN Vức |
Doanh nghiệp bị …“hành” ?
Lần theo đơn thư, chúng tôi về Khu CN Vức để tìm hiểu nghề khai thác và chế biến đá. Tại đây, hàng ngàn m3 khối đá hộc được các doanh nghiệp chuyển từ nơi khác về đây đổ ngổn ngang lấn cả lối đi, có nơi đoạn thì cỏ tranh mọc um tùm…Nếu có 2 xe ô tô đi ngược chiều vào khu vực này sẽ rất khó, có thể va vào nhau. Phía Nam Khu CN Vức là mặt bằng của Công ty TNHH MTV Tân Thành 9 (gọi tắt là Công ty Tân Thành 9) nhưng lỗ đổ nhiều đóng đá dăm nằm bên đường khập khểnh trong Nhà máy sản xuất cọc bê tông dự ứng lực và cống bê tông cốt thép chưa được san phẳng. Giáp xã Đông Quang, gần doanh nghiệp tư nhân Trần Hoàn có hàng chục khối đá loại lớn nằm chắn đường giao thông đang làm dở cho thấy Khu CN Vức đang “quân hồi, vô phèng”, thiếu sự quản lý chuẩn mực của chính quyền sở tại.
|
Xã Đông Hưng yêu cầu tồn tại con đường dân sinh tự phát trong nhà máy sản xuất công nghiệp? |
Ông Lê Văn Viên, Giám đốc Công ty Tân Thành 9 cho biết: trước năm 2000, Công ty làm nghề khai thác và chế biến đá xây dựng thông thường. Năm 2003, sau khi Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Quyết định số 2274, ngày 14/7/2003 về quy hoạch chi tiết khu công nghiệp VLXD Vức. Để có mặt bằng như hiện nay, Công ty Tân Thành 9 đã làm hồ sơ nhận các thửa: 781/5840ch; SKC 137/45886,6; SKC 150/6102…diện tích 36.922,9m2 và nộp 1,163 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Cũng từ năm 2003 đến 2009 công ty đã đầu tư gần 5tỷ đồng để được mặt bằng sản xuất công nghiệp như hiện nay. Sau 13 năm hoạt động, nhưng chưa được cấp quyết định thuê đất hợp pháp, mặc dù mỗi năm đều đóng thuế Nhà nước từ 6 đến 7 tỷ đồng. Qua thông tin kinh tế, được biết “mỗi năm Thanh Hóa phải đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để mua cọc bê tông dự ứng lực tại Hà Nam, Hải Phòng về làm các công trình trong tỉnh”. Vì vậy, đầu năm 2016, Công ty Tân Thành 9 đã huy động 120 tỷ đồng để đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung (công nghệ cao Châu Âu); đầu tư dây chuyển công nghệ cao (Hàn Quốc) để sản xuất cọc bê tông dự ứng lực và cống bê tông cốt thép công nghệ rung, ép của Đức cung cấp cho thị trường Thanh Hóa và các tỉnh lân cận. Việc sản xuất diễn ra bình thường, song có sự cố đó là xe của doanh nghiệp khác đi tắt qua mặt bằng của nhà máy đã quẹt vào cọc bê tông tập kết trên con đường của công ty đã làm trước đó. Vì an toàn lao động, Công ty đã làm thủ tục đề nghị UBND xã Đông Hưng cho phép thực hiện theo Giấy phép quy hoạch số 350, ngày 21/9/2016 của UBND tỉnh và đề nghị Sở TN&MT kiểm tra để làm thủ tục thuê đất, giúp công ty thực hiện quy hoạch được Sở Xây dựng thẩm định theo bản số 6608, ngày 16/11/2016 thì …Nhưng UBND xã Đông Hưng không ký hồ sơ. Vì, cho rằng đất của doanh nghiệp đang có “đường dân sinh”…?
|
DN Trần Hoàn huy động người nhà và Cong an xã cản trở Cty Tân Thành 9 nâng cấp mặt bằng trong khu đất của công ty |
Ngày 15/12 Sở TN&MT chủ trì hội nghị, thành phần gồm: UBND thành phố Thanh Hóa, UBND huyện Đông Sơn, xã Đông Hưng và 2 doanh nghiệp liên quan bàn về đơn thư của Doanh nghiệp Trần Hoàn (địa bàn xã Đông Quang), kiện doanh nghiệp của xã Đông Hưng “san lấp đường dân sinh trong khu công nghiệp”. Việc vô lý này đã bị Công ty Tân Thành 9 phản pháo bởi: theo quy hoạch thì Khu CN Vức không có đường dân sinh đi qua. Con đường này tồn tại đến nay là do mặt bằng của công ty rộng nên cho Doanh nghiệp Trần Hoàn đi tắt trên đất của mình. Vừa qua, công ty mở rộng xưởng sản xuất cột bê tông với số lượng lớn, nhằm đảm bảo an toàn lao động, công ty xây dựng đường giao thông phía Nam khu sản xuất đảm bảo lưu thông thì bị Doanh nghiệp Trần Hoàn cản trở. Thực tế, hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn xã Đông Quang không liên quan gì đến Khu CN Vức của xã Đông Hưng. Phần kiến nghị, biên bản ghi: Công ty Tân Thành 9 đã được UBND tỉnh chấp thuận địa điểm nhưng chưa có quyết định thuê đất. Việc gạt đất làm mặt bằng là không đúng quy định của pháp luật, để nghị tạm dừng để lại đường dân sinh cho dân đi lại…Thực tế, đi con đường tắt qua Công ty Tân Thành 9 chỉ dành cho 2 hộ “nhảy dù” vào khu vực này. Và càng khó hiểu hơn, đại diện Sở TN&MT, đơn vị chỉ đạo đã bỏ về trước, không ký vào biên bản hội nghị…có thể ông này biết chính quyền sai.
Phạm Ngọc