Người dân địa phương cho hay, “lâm tặc” không men theo Quốc lộ (QL 26), mà đi theo một lối mòn kín đáo hơn. Đường này, bắt đầu từ QL 26, vị trí ngã ba Ninh Tây, nơi một bên là trụ sở UBND xã Ninh Tây, một bên là trụ sở Trạm bảo vệ rừng - Ban Quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa, rẽ trái, chạy qua thôn sông Búng. Tiếp đó, men theo con đường lâm sinh độc đạo trồi sụt, ngang qua rừng căm xe Ninh Tây, vùng rừng thuần loại gỗ đặc hữu quý hiếm của tỉnh Khánh Hòa, cứ thế đi tiếp sẽ có những lối mòn dẫn lên vùng rừng phòng hộ đầu nguồn Tây Nam Ninh Hòa.

leftcenterrightdel
Gỗ khai thác trái phép được vận chuyển về xuôi. 

Sông Búng, rừng vắng, ít bản, dân cư thưa thớt, nên bất kỳ một người lạ qua đây đều có thể dễ dàng nhận diện. Để tránh sự chú ý, chúng tôi ăn mặc rất bụi bặm, dép lê, áo thụng bỏ ngoài quần, vai đeo bi đông nước, xe máy cà tàng, “hóa trang” giống như những người đi rừng thực sự.

Vị trí chúng tôi chọn “phục kích” đầu tiên là một điểm nằm sâu trong vùng rừng Đá Đốt. Sau mấy tiếng “mật phục” nằm chờ, từ khoảng 3 giờ chiều, bắt đầu có tiếng xe máy ì ạch nặng nề, từ xa vọng lại. Sau ít phút, một nhóm gồm năm, sáu người, mặt mày bặm trợn, điều khiển xe máy độ chế nối nhau chạy qua. Mỗi xe chất phía sau hai hộp gỗ lớn, kích thước vuông 30-35cm, dài đến 2-3m, chắn ngang con đường mòn chạy xuyên rừng. Tuy vậy, đây chỉ là một trong số những con đường mòn dẫn lên rừng thượng nguồn.

Điểm tiếp theo chúng tôi chọn để “đón lõng” các nhóm “lâm tặc” là vị trí dốc Sài Gòn, nơi tiếp giáp rừng quý căm xe Ninh Tây. “Người dân địa phương cho biết, đây chính là điểm hội tụ của các ngả đường. Mọi đường mòn dọc ngang chằng chịt từ vùng rừng đầu nguồn Tây Nam Ninh Hòa đều dẫn ra dốc Sài Gòn, lối mòn độc đạo vắt ngang rừng căm xe Ninh Tây, chạy qua thôn sông Búng để ra đường quốc lộ. 

leftcenterrightdel
Rừng quý căm xe Ninh Tây bị đốt phá nham nhở. 

Gần 5 giờ chiều, cứ sau khoảng mươi phút lại có một nhóm “lâm tặc” chở gỗ chạy qua. Có xe chở hai hộp gỗ lớn, có xe chở đến 4 - 6 hộp gỗ. Xe nhẹ nhất cũng chở hai cặp cột kèo, dài khoảng 4m, đã được cưa cắt vuông vức theo quy cách. Để chở được một khối lượng gỗ lớn và dài như vậy, xe máy phân khối lớn đã được độ chế, gia cố cho khung sườn vừa dài ra vừa tăng khả năng chịu lực. Qua dốc và những khúc cua, tiếng máy quá tải lúc è è, lúc bạch bạch, râm ran kinh động cả vùng rừng vắng.

Một người dân tiết lộ: “Ngày nào cũng có mấy chục xe máy chở gỗ qua đây. Có hôm còn có cả mấy chiếc ô tô cọc cạch, chất đầy gỗ. Xe chở gỗ chạy từ rừng ra đều phải qua ngã ba Trường Mầm non Ninh Tây, gần UBND xã và Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ninh Tây, rồi ra đường lộ lớn, ngênh ngang và công khai nhưng không thấy lực lượng nào chặn bắt, xử lý”.

Trở ra thôn sông Búng, ngay gần khu vực đầu làng, quanh một rẫy mía lớn dài đến gần nửa cây số nằm giữa rừng căm xe, rừng đang bị đốt phá. Những cây gỗ bị đốt cháy, đen nhẻm. Nhiều khoảnh rừng, cây chết đứng, cành nhánh vàng vọt trơ trụi. Nhiều cây gỗ lớn lay lắt, dở sống dở chết, phía gốc bị đẽo vỏ, chặt dở, một “tiểu thuật” mà giới làm rừng thường gọi là “ken” gốc, để cây chết từ từ, rồi tự đổ khi gặp gió lớn.

Theo thông tin chúng tôi có được, ở Ninh Tây không còn nhiều rừng tự nhiên. Một số đã được chuyển sang rừng trồng, số khác bị phá trắng để lấy đất trồng mía. Đặc biệt, rừng căm xe, một trong những vùng rừng quý hiếm của tỉnh Khánh Hòa, với đặc điểm gần khu dân cư, sát đường quốc lộ, địa hình bằng phẳng, đang bị xâm hại từng ngày. Nhìn trên ảnh vệ tinh, rừng Ninh Tây loang lổ da báo. Những mảng màu xanh đang “co” dần theo thời gian. Với thực tế phá rừng, khai thác gỗ trái phép như đang diễn ra, đã lý giải tại sao rừng tự nhiên Ninh Tây đang suy giảm một cách nhanh chóng.

Phóng sự của Nguyễn Huân