(BVPL) - Trong bài kỳ trước, Báo Bảo vệ pháp luật đã thông tin tới bạn đọc về vụ việc ông Hoàng Minh Tiến (trú tại khu7 – phường Hải Yên – Thành phố Móng Cái – Quảng Ninh kiến nghị về việc TAND tỉnh Quảng Ninh) qua 2 cấp tòa xét xử nhưng vẫn để lại nhiều thắc mắc trong dư luận bởi sự mập mờ và những nghi vấn về chứng cứ của vụ án. Nguồn gốc đất của của ông Mạc Hữu Tài - người bị cho là chủ sở hữu đất chồng lấn lên đất nhà ông Tiến có nhiều nghi vấn là không hợp pháp.
Mập mờ nguồn gốc đất
Nguồn gốc đất của gia đình ông Mạc Hữu Tài- chủ sở hữu thửa đất số 00 tại thôn 7, xã Hải Yên, thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh có tổng diện tích đất được UBND thị xã cấp giấy chứng nhận QSDĐ là 250m2. Được biết, số đất ông Tài có được là do mua lại từ anh trai là ông Mạc Quang Chuyển. Nhưng trong bộ hồ sơ đất mang tên người sử dụng là ông Chuyển có rất nhiều bất cập. Cụ thể là chữ ký của ông Chuyển trong các tờ khai nộp tiền sử dụng đất theo mẫu số 01 TSDĐ ngày 2 tháng 8 năm 2002 không đồng nhất với chữ ký trong giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước số 0024580 theo mẫu số C1-02/NS của Bộ Tài chính ký ngày 3 tháng 11 năm 2004. Và hai chữ ký này của ông Chuyển cũng khác hoàn toàn chữ ký trong giấy mua bán nhà của ông với Nguyễn Văn Lăng (chủ sở hữu trước đó của mảnh đất). Đồng thời, giấy mua bán nhà này cũng có dấu hiệu bị gạch xóa, sửa chữa nội dung về chiều dài và chiều rộng cũng như chính diện mặt đường. Từ 5m chiều rộng thành 8m và 20m chiều dài bị sửa thành 18m, còn chính diện mặt đường bị sửa chữa nhiều lần, không rõ con số chính xác. Xét về mặt thủ tục hành chính thì với những giấy tờ không trùng khớp, sửa chữa như vậy không hiểu vì sao vẫn được UBND thị xã Móng Cái thông qua và cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Rõ ràng ngay từ đầu, hồ sơ về nguồn gốc đất đã không đảm bảo về mặt pháp lý để dùng làm chứng cứ tại tòa. Vậy cả 2 cấp tòa đã dựa vào căn cứ không chính xác để xét xử.
|
Tờ khai nộp tiền sử dụng đất theo mẫu số 01 TSDĐ ngày 2 tháng 8 năm 2002 có chữ ký của ông Chuyển. |
|
Giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước số 0024580 theo mẫu số C1-02/NS của Bộ Tài chính ký ngày 3 tháng 11 năm 2004 trong hồ sơ đất của ông Chuyển |
|
Giấy mua bán nhà của ông Chuyển với ông Nguyễn Văn Lăng (chủ sở hữu trước đó của mảnh đất). |
Số đất còn lại của ông Tài cũng có rất nhiều nghi vấn là không hợp pháp. Bởi lẽ thừa đất nhà ông Tiến và ông Tài giáp ranh nhau nhưng không hiểu vì sao theo như bản vẽ trong hồ sơ hợp thức đất thì đất nhà ông Tiến là một đường chéo trong khi đất nhà ông Tài lại thẳng? Rõ ràng về văn bản, giấy tờ, các cấp chính quyền chưa làm tròn nhiệm vụ của mình, gây ra những bùng nhùng, tranh chấp không cần thiết.
Văn bản cẩu thả, căn cứ không trùng khớp
Tòa đưa ra lý lẽ rằng: “chính ông Tiến là người ký công nhận danh giới đất của nhà ông với nhà anh Tài” làm lý do để bác đơn. Nhưng theo ông Tiến thì năm 2005 khi ông ký giấy công nhận ranh giới đất cho ông Tài thì chỉ nhận được một tờ giấy vẽ hình vuông, do tin tưởng và bị yêu cầu, ông Tài đã kỹ vào giấy này. Ngoài ra, ông Tiến cũng nghi ngờ ông Tài đã sửa chữa bản đo vẽ cho hợp lý với ba hộ sử dụng đất giáp ranh đồng thời giả mạo chữ ký của các hộ liền kề.
Trong bản án DSST số 03/2011/DSST ngày
12/5/3011 của TAND thành phố Móng Cái lấy căn cứ nguồn gốc đất nhà anh Tài như sau: “ Về nguồn gốc mảnh đất của gia đình ông Mạc Hữu Tài: Năm 2000 anh trai ông Tài là ông Mạc Quang Chuyển cho ông Tài một mảnh đất về phía tây nhà ông Chuyển.”. Nhưng trong bản án PTDS số 15/2012/DSPT ngày
12/6/2012 của TAND tỉnh Quảng Ninh lại lý giải nguồn gốc đất này như sau: “ hộ anh Tài, năm 2005 được giao sử dụng 250m2 đất( liền kề ông Tiến) thể hiện bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB276713 do UBND thị xã Móng Cái cấp ngày 21/6/2005”. Còn theo lời khai của ông Tài: năm 1993 ông Chuyển cho ông 70m2 và trong quá trình sử dụng ông khai hoang thêm được một số đất nữa. Như vậy, các con số về nguồn gốc đất nhà ông Tài là hoàn toàn khác nhau. Và nếu ngay cả khi vào năm 1993, ông Chuyển cho ông Tài 70m2 thì số đất còn lại nếu lấy lý do khai hoang mà được cấp giấy chứng nhận QSDĐ là trái với luật đất đai. Khoản 1 điều 50 Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ nhưng đã được sử dụng đất ổn định từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất”. Giả sử năm 1993 ông Chuyển cho hoặc bán đất cho ông Tài thì ông Tài cũng không thể khai hoang trong vài thàng hơn 100m2 đất và việc UBND thị xã Móng Cái cấp giấy chứng nhận cho ông Tài trong trường hợp này cũng là vi phạm luật đất đai. Chưa kể là căn cứ của tòa án TP Móng Cái là năm 2000 còn TAND tỉnh Quảng Ninh nhận định là năm 2005, ông Chuyển giao đất cho ông Tài thì giấy chứng nhận này càng không có giá trị pháp lý.
Về việc những luận cứ, số liệu mà tòa đưa ra làm căn cứ kết luận, như chúng tôi đã thông tin ở kỳ trước, 2 phiên tòa đã xác định mốc giới địa chính của mảnh đất nhà ông Tiến hoàn toàn khác nhau. Đồng thời chưa xác minh được rõ ràng nguồn gốc đất nhà ông Tài, số đất thực tế hợp pháp mà ông Tài có được đã vội vàng đưa ra kết luận. Với kết luận vênh nhau, cẩu thả trong việc điều tra, xác minh như vậy đã cho thấy sự thiếu khách quan trong kết luận của cả 2 phiên tòa.
Chính vì thế đã khiến dư luận vô cùng bức xúc, làm người dân không còn tin tưởng vào sự công bằng trong phán xét của tòa án. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng vào cuộc làm rõ những khuất tất trong cả 2 bản án này để pháp luật được thực thi nghiêm minh, công bằng, để dư luận không còn hoang mang, lo lắng. Và đặc biệt để xóa bỏ những nghi vấn đề nghị chuyển toàn bộ hồ sơ hợp thức đất của ông Mạc Quang Chuyển và Mạc Hữu Tài đi trưng cầu giám định các chữ ký tháo bỏ nút thắt nghi vấn hồ sơ giả.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Nhóm PVĐT