(BVPL) - Ông Lê Văn Lực (trú tại thôn Táo, xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) đã có đơn kháng cáo về quyết định của Bản án sơ thẩm số 03/2015/KDTM-ST ngày 09/07/2015 của TAND huyện Vĩnh Tường về việc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt nam - Chi nhánh Vĩnh Phúc - Phòng Giao dịch Vĩnh Tường (BIDV Vĩnh Tường) thông đồng, cấu kết với công chứng viên thuộc Văn phòng công chứng Vĩnh Tường và khách hàng vay vốn là ông Lê Văn Tròn (cũng trú tại thôn Táo, xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) cố ý làm sai lệch hồ sơ vay vốn, hồ sơ thế chấp, gây thiệt hại... cho gia đình ông Lực.
Giả mạo hồ sơ vay vốn?
Theo đơn trình bày của ông Lê Văn Lực: Năm 2012, ông Lê Văn Tròn vừa có quan hệ gia đình họ hàng thân thiết, cùng sinh sống tại địa phương, vừa là bạn đồng niên, đồng ngũ với ông Lê Văn Lực đã nhờ gia đình ông Lực giúp đứng ra thế chấp, bảo lãnh cho khoản vay của ông Tròn với BIDV Vĩnh Tường bằng hai (02) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của gia đình ông Lê Văn Lực. Vì tin tưởng gia đình ông Lê Văn Tròn và vợ là bà Trần Thị Bích Vân, mặt khác vợ chồng ông Tròn đều là cán bộ nhà nước, nên vợ chồng ông Lê Văn Lực và vợ là bà Nguyễn Thị Duyên đã tin tưởng làm thủ tục uỷ quyền tài sản để vay vốn cho ông Tròn với BIDV Vĩnh Tường. Toàn bộ quá trình thẩm định tài sản thế chấp cho đến việc ký kết các loại hồ sơ, hợp đồng thế chấp đều do ông Lê Văn Tròn, BIDV Vĩnh Tường làm, ông Tròn chỉ đưa hồ sơ và hợp đồng cho ông Lực ký xác nhận, ông Lực không biết thực chất ông Tròn và Ngân hàng BIDV Vĩnh Tường ký kết hợp đồng vay vốn trị giá bao nhiêu? Và ông Lực khẳng định, ông không hề nhận bất kỳ khoản tiền vay nào từ phía BIDV Vĩnh Tường hay từ ông Tròn.
|
Ngân hàng BIDV, chi nhánh Vĩnh Phúc - Phòng giao dịch Vĩnh Tường |
Sau đó hơn một năm kể từ ngày ký hợp đồng thế chấp bất động sản đầu tiên số 01/2012/HĐTC ngày 03/05/2012, ngày 24/6/2013, ông Lê Văn Tròn đã mang hồ sơ về nhà ông Lực và lừa ông Lực ký tiếp hợp đồng và văn bản sửa đổi hợp đồng thế chấp số 01/2013/VBSĐ với lý do vay thêm khoản vay khoảng 100 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, văn bản sửa đổi hợp đồng thế chấp đó đã nâng giá trị tài sản thế chấp lên gần 3 tỷ đồng.
Tiếp đó, ngày 08/7/2014, ông Tròn được BIDV Vĩnh Tường ký kết hợp đồng tín dụng với hạn mức cho vay là 2,4 tỷ đồng (trong đó có 1,584 tỷ là nợ cũ quá hạn). Mục đích sử dụng tiền vay là kinh doanh thiết bị điện nước, vật liệu xây dựng, thời hạn cho vay là 12 tháng. Khoản vay trên được đảm bảo bằng tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đứng tên hộ gia đình ông Lê Văn Tròn (01 GCNQSDĐ); hộ gia đình ông Lê Văn Lực và bà Nguyễn Thị Duyên (02 GCNQSDĐ).
Do không trả được nợ, nên ngày 24/9/2014, ông Tròn đã bán thửa đất đã thế chấp cho BIDV Vĩnh Tường để trả một phần nợ gốc là 816 triệu đồng cùng một phần tiền lãi. Số nợ gốc và lãi còn lại, ông Tròn chưa kịp trả thì bị bệnh và đột ngột qua đời. Do vậy, ngân hàng đã tiến hành khởi kiện vợ chồng ông Tròn ra Tòa nhằm thu hồi khoản vay.
Theo ông Lê Văn Lực, HĐXX cấp sơ thẩm ngày 09/07/2015 đã bỏ qua nhiều tình tiết "nghiêm trọng" có thể gây bất lợi cho phía BIDV Vĩnh Phúc. Cụ thể: Gia đình ông Lê Văn Tròn và bà Trần thị Bích Vân đã không trung thực, ngay thẳng trong việc nêu mục đích nhờ thế chấp tài sản để vay vốn. Ông Tròn, bà Vân nói với vợ chồng ông Lực, bà Duyên là vay khoảng 100 triệu, để giải quyết việc gia đình (vì gia đình ông Tròn là cán bộ nhà nước không có hoạt động sản xuất, kinh doanh gì?). Nhưng thực chất, gia đình ông Tròn, bà Vân đã "cấu kết" với BIDV Vĩnh Tường và Văn phòng công chứng Vĩnh Tường làm giả hồ sơ, hợp đồng vay vốn với số tiền vay rất lớn lên đến 2,4 tỷ đồng và vẽ khống ra Phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ là phục vụ sản xuất kinh doanh mặt hàng điện nước, vật tư, thiết bị điện nước, vật liệu xây dựng để được vay vốn? Hành vi gian dối, cung cấp thông tin sai sự thật để đạt được mục đích vay tiền Ngân hàng đã vi phạm Điều 6, điều 389 Bộ luật dân sự quy định về việc "giao kết hợp đồng phải tuân theo nguyên tắc hợp tác, trung thực, ngay thẳng…”, điểm a, b khoản 4 - Điều 10 quy định về Hợp đồng tín dụng.
Đặc biệt, trong hợp đồng thế chấp bất động sản số 01/2012/HĐTC, và văn bản sửa đổi hợp đồng thế chấp số 01/2013/VBSĐ có một số trang đã bị thay thế, sửa đổi, vì không có chữ ký của ông Lực và bà Duyên nhưng vẫn được công chứng, và gia đình ông Tròn vẫn được BIDV Vĩnh Tường duyệt cho vay tiền. Mặt khác, ông Lực và bà Duyên khẳng định hợp đồng thế chấp do ông Tròn mang đến nhà ông Lực nhờ ông Lực ký, ông Lực và bà Duyên không hề đến Phòng công chứng ký công chứng hợp đồng thế chấp, không có phiếu yêu cầu và Biên lai thu tiền công chứng. Theo ông Lực, điều này chứng tỏ, BIDV Vĩnh Tường và Phòng công chứng Vĩnh Tường cấu kết, thông đồng với gia đình ông Tròn làm giả hợp đồng thế chấp. Hành vi này đã vi phạm Điều 128 Luật dân sự, Điều 35, 39, 41 Luật Công chứng…
Ngân hàng, văn phòng công chứng thừa nhận
Trong phiên toà sơ thẩm, bà Trần Thị Bích Vân và các con cũng thừa nhận: Để được vay số tiền 2,4 tỷ đồng, khi ông Tròn còn sống, vợ chồng ông bà đã ký hợp đồng tín dụng số 01/2014/HĐTD với mục đích là sản xuất kinh doanh thiết bị điện nước, thiết bị xây dựng,.., nhưng trên thực tế không phải như vậy. Xác minh của Toà án tại địa phương cũng khẳng định gia đình ông Tròn bà Vân không hề sản xuất kinh doanh mặt hàng như cam kết trong Hợp đồng vay vốn ngân hàng.
Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thị Lệ Cần – Giám đốc BIDV Vĩnh Phúc cũng đã thừa nhận quy trình, thủ tục cho vay vốn tại BIDV Vĩnh Tường đối với khách hàng là ông Lê Văn Tròn có những sai sót về mặt nghiệp vụ nhưng không làm thay đổi bản chất của vụ việc? Phóng viên đề nghị bà Cần cung cấp hồ sơ để chứng minh, nhưng bà Cần đã… từ chối cung cấp?
Ông Nguyễn Văn Dần - Trưởng Văn phòng Vĩnh Tường cũng xác nhận: “Việc thiếu chữ ký của vợ chồng ông Lực, bà Duyên tại một số trang của Hợp đồng thế chấp bất động sản và Văn bản sửa đổi Hợp đồng này chỉ là những sai sót về mặt hành chính, không ảnh hưởng tới bản chất của sự việc, không phải lỗi nghiêm trọng…"
Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức điều tra, thẩm tra lại vụ án, làm rõ các hành vi sai phạm trong việc thực hiện các hoạt động tín dụng xảy ra tại BIDV Vĩnh Tưởng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan.
Mạnh Cường