(BVPL) - Ông Triệu Văn Hồng (trú tại tổ dân phố Sơn Tập 3, thị trấn Đại Từ, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) cho biết: Tôi là bác sĩ, đã cứu chữa cho hàng nghìn bệnh nhân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, bị doanh nghiệp tư nhân Anh Thắng được sự hậu thuẫn là Phó chủ tịch UBND huyện  Đại Từ là ông Trương Mạnh Kiểm đến phá nhà, hủy hoại tài sản trị giá gần 800 triệu đồng của  gia đình. Thời thanh niên, tôi hai lần tham gia nhập ngũ, đi bộ đội chiến đấu bảo vệ tổ quốc, sau đó về phục viên, làm bác sĩ. Cả một đời tôi chỉ đi cứu người nay cực chẳng đã tôi mới phải làm đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của một nhóm người, đã hủy hoại và chiếm giữ tài sản của tôi trái pháp luật – ông Hồng bức xúc cho biết.
 
Phá nhà dân có tổ chức?
 
Theo hồ sơ sự việc, năm 1975, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 111/TTg cấp cho Ủy ban Nông nghiệp Trung ương 68ha đất tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Sau đó, khu đất này được giao lại cho Trạm Thủy sản Núi Cốc quản lý, sử dụng. Năm 2007, Trạm ký Hợp đồng giao khoán đất trồng rừng số 01/HĐ-TS cho ông Hoàng Văn Toàn, cán bộ của Trạm khu vực đồi FAO, là đồi đất trọc, có diện tích 3ha để cải tạo, trồng mới rừng sản xuất, thời hạn hợp đồng là 50 năm.
 
Tháng 1-2010, ông Toàn chuyển giao hợp đồng trên cho ông Triệu Đình Hồng, có biên bản được xác nhận của Trạm và Chủ tịch UBND xã Tân Thái. Ông Hồng đã đầu tư tu bổ đất, các công trình trên đất và trồng cây cối trị giá ước tính vài tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, bất ngờ vào tháng 10-2010, Đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên và UBND huyện Đại Từ về kiểm tra hiện trạng khu đất và giao lại cho Trạm Thủy sản Núi Cốc Quyết định số 462/QĐ-UB ngày 28-3-2005 về việc thu đất, giao cho Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên sử dụng vào mục đích xây dựng nhà khách. Tại chính buổi làm việc này, Báo cáo số 2583/BC-STNMT ngày 11-10-2010 do ông Bùi Thanh Sơn, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên thừa nhận: “Tại buổi làm việc, đại diện Sở TN&MT đã giao Quyết định số 462/QĐ-UB cho ông Hoàng Đức Toàn, Trạm trưởng Trạm thủy sản hồ Núi Cốc”. Như vậy, văn bản này đã được ban hành trước đó 5 năm, nhưng không một ai từ lãnh đạo Trạm Thủy sản Núi Cốc đến gia đình ông Hồng biết.
 
Chưa hết ngỡ ngàng thì ngày 14-8-2011, ông Hồng nhận được thông báo do Phó chủ tịch UBND huyện Đại Từ Trương Mạnh Kiểm ký với nội dung yêu cầu ông có mặt tại thực địa vào ngày 15-9-2011 để được hướng dẫn kiểm kê, kê khai tài sản theo chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) giao đất cho Dự án xây dựng Khu bến tàu du lịch. Sau kê khai, kiểm đếm tài sản, Ban Bồi thường GPMB huyện Đại Từ đã lập phương án hỗ trợ di chuyển, tạm tính gia đình ông Hồng được bồi thường số tiền 790.016.350 đồng.
 
Ông Chu Tất Lợi, Phó giám đốc Trung tâm quỹ đất huyện Đại Từ cũng cho biết: Chính quyền không có văn bản nào chỉ đạo việc phá dỡ nhà ông Hồng.
Ông Chu Tất Lợi, Phó giám đốc Trung tâm quỹ đất huyện Đại Từ cũng cho biết: Chính quyền không có văn bản nào chỉ đạo việc phá dỡ nhà ông Hồng.
 
Tuy nhiên, mọi quy trình giải phóng mặt bằng chưa kịp thực hiện thì ngày 27-9-2011, theo yêu cầu của UBND huyện, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Anh Thắng đưa máy xúc, máy ủi đến tháo dỡ cây cối và tài sản, nhà cửa trên đất của gia đình ông. Ngày 24-10-2011, DNTN Anh Thắng tiếp tục cho người, máy xúc đập phá toàn bộ nhà cửa và các công trình mà gia đình ông Hồng đang sử dụng. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng cho người làm hàng rào, chiếm giữ toàn bộ tài sản và đất trong khu đất này của gia đình ông Hồng. 
 
Từ năm 2011 đến nay, ông Hồng đã làm đơn gửi tới nhiều cơ quan chức năng đề nghị giải quyết vụ việc nhưng không được xử lý. Có chăng, để hợp thức việc phá hoại và chiếm giữ theo phương án bồi thường mà UBND huyện Đại Từ cho biết gần đây, ông Hồng chỉ được nhận hơn 30 triệu đồng tiền cây cối.
 
Hủy hoại tài sản và những lời giải trình
 
Làm việc với chúng tôi, ông Trương Mạnh Kiểm, Phó chủ tịch UBND huyện Đại Từ giải thích việc vì sao Quyết định 462 sau 5 năm mới được công bố “là cả một câu chuyện dài”. Tuy nhiên, ông Kiểm cho biết ông cũng có mặt tại buổi cưỡng chế khu đất song không biết ai ra lệnh hay có công văn nào quyết định cho phép cưỡng chế. Trong một phóng sự trên Đài Truyền hình Thái Nguyên đưa tin về vụ cưỡng chế, còn có hình ảnh ông Kiểm chỉ đạo tháo dỡ tài sản. Đồng thời, ông Kiểm cho rằng việc phá nhà và chặt cây của nhà ông Hồng là do tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo.
 
Ông Chu Tất Lợi, Phó giám đốc Trung tâm quỹ đất huyện Đại Từ cũng cho biết: UBND huyện không có văn bản nào chỉ đạo việc tháo dỡ nhà ông Hồng. UBND huyện cũng không nhận được quyết định nào của UBND tỉnh Thái Nguyên cho phép doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Anh Thắng phá cây, dỡ nhà, chiếm giữ tài sản của ông Hồng và gia đình.
 
Trái ngược với khẳng định trên, trao đổi với báo chí, chính ông Nguyễn Văn Tùng, Phó giám đốc DNTN Anh Thắng thừa nhận: “Trong buổi tháo dỡ, di chuyển hôm đó, DNTN Anh Thắng cũng có mặt theo thông báo và theo yêu cầu của chính quyền cấp xã và cấp huyện với mục đích sẽ cùng phối hợp, hỗ trợ các lực lượng chức năng để thực hiện tháo dỡ, di chuyển tài sản. Tại đây, lãnh đạo huyện Đại Từ và xã Tân Thái có ý kiến đề nghị với đại diện DN về việc nhờ DN hỗ trợ phương tiện máy móc, nhân lực phục vụ cho công việc tháo dỡ”.
 
Liên quan đến sự việc trên, thay mặt giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, ông Nguyễn Hồng Sơn, phó giám đốc Sở này có văn bản báo cáo các cơ quan chức năng nêu rõ: Nguồn gốc khu đất do xí nghiệp Thủy sản Núi Cốc (nay là trạm thủy sản Núi Cốc) quản lý. Năm 2005, UBND tỉnh Thái Nguyên thu hồi một phần diện tích thuộc đất đồi FAO và khu đất đồi FAO tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ của trạm thủy sản Núi Cốc để giao cho UBND tỉnh Thái Nguyên xây dựng nhà khách tỉnh. Do không thực hiện được dự án, Văn phòng UBND tỉnh đã trả lại diện tích đất được giao. 
 
Khu đất mà gia đình bác sĩ Hồng bị hủy hoại tài sản và chiếm giữ.
Khu đất mà gia đình bác sĩ Hồng bị hủy hoại tài sản và chiếm giữ.
 
Xung quanh việc thu hồi khu đất mà gia đình bác sĩ Triệu Văn Hồng đang quản lý, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên thừa nhận có nhiều sai phạm. Cụ thể như sau: Việc thực hiện thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng nhà khách của UBND tỉnh Thái Nguyên chưa đầy đủ về trình tự thu hồi đất theo quy định tại điều 130 của Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 19/10/2004 của Chính Phủ về hướng dẫn thi hành luật Đất đai. Trong hồ sơ này chưa có phương án tổng thể bồi thường giải phóng mặt bằng trình UBND tỉnh xét duyệt; chưa có thông báo thu hồi đất cho trạm thủy sản Núi Cốc biết về lý do thu hồi, thời gian và kế hoạch di chuyển, phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng.
 
Nhận diện sự việc của chuyên gia pháp lý  
 
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Bách (Công ty luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự) khi nghiên cứu và tham gia vụ việc trên cho biết: Khu đất do ông Triệu Văn Hồng quản lý thuộc trường hợp được bồi thường chi phí đầu tư vào đất và tài sản trên đất theo khoản 5, điều 10, Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 3-12-2004 và khoản 4, điều 16, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13-8-2009 của Chính phủ. Mặt khác, quyết định số 462/QĐ-UB của UBND tỉnh Thái Nguyên chưa được thi hành trên thực tế, không được công khai và thông báo đến người bị thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật. Quyết định này còn ban hành không đúng pháp luật bởi căn cứ giao đất cho Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên trên cơ sở “xét đơn xin giao đất ngày 7-12-2004 của Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên”. Theo Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ, căn cứ giao đất phải dựa trên Dự án xây dựng nhà khách tỉnh Thái Nguyên chứ không thể chỉ trên đơn xin giao đất. Quyết định này còn trái pháp luật ở chỗ thu hồi đất mà chưa có phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB và thông báo thu hồi đất. Do đó, khu đất bị thu hồi vẫn do ông Hồng quản lý hợp pháp trên thực tế và phải được bồi thường, hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật.
 
Mặt khác, quy trình triển khai các dự án có dấu hiệu không rõ ràng. Dự án xây dựng Nhà khách Văn phòng UBND tỉnh được triển khai từ năm 2005 nhưng không công bố, công khai dự án và quyết định thu hồi đất mà phải đến năm 2010 mới công bố. Vậy sự thật có hay không dự án này? Tại sao khi thu hồi đất triển khai dự án Khu bến tàu du lịch sau đó, đối tượng thu hồi đất không phải là Văn phòng UBND tỉnh mà lại là Trạm thủy sản hồ Núi Cốc, nếu như khu đất đã bị thu hồi giao cho Văn phòng UBND tỉnh quản lý? Nếu DNTN Anh Thắng tự ý phá hủy tài sản của gia đình ông Hồng, chiếm giữ khu đất có dấu hiệu phạm tội hình sự phạm về  tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản và chiếm giữ tài sản trái pháp luật. 
 
Lần giở hồ sơ sự việc, chúng tôi phát hiện thêm sai phạm nghiêm trọng khi khu đất bị thu hồi từ tháng 10-2011 trong khi đến ngày 17-2-2014, UBND huyện Đại Từ mới có Quyết định số 402/QĐ-UBND phê duyệt phương án dự toán bồi thường, hỗ trợ GPMB. Như vậy, việc chính quyền cho phép tháo dỡ tài sản của ông Hồng từ tháng 9-2011 là trái pháp luật.
 
Liên quan đến sự việc trên ông Hoàng Văn Doãn nguyên Thượng tá công an, hiện đang là Phó trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Hưng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng:  Ngày 24-10-2011, DNTN Anh Thắng tiếp tục cho người, máy xúc đập phá toàn bộ nhà cửa và các công trình mà gia đình ông Hồng đang sử dụng. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng cho người làm hàng rào, chiếm giữ toàn bộ tài sản và đất trong khu đất này của gia đình ông Hồng là có thật. Vụ phá nhà và hủy hoại tài sản, cây cối của gia đình bác sĩ Triệu Văn Hồng, nguyên giám đốc bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng tỉnh Thái Nguyên là hành vi trái pháp luật rõ ràng. Hơn nữa, nếu việc cưỡng chế là do UBND huyện Đại Từ và ông phó chủ tịch huyện Trương Mạnh Kiểm chỉ đạo thì việc cưỡng chế này hoàn toàn trái pháp luật, có nhiều  sai phạm cụ thể như: Ông Hồng chưa nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ; không có quyết định cưỡng chế thu hồi đất; không có thông báo cưỡng chế… 
 
Nguyên Thượng tá công an, luật sư Hoàng Văn Doãn cũng cho rằng: Hành vi này đã hủy hoại tài sản của gia đình ông Triệu Văn Hồng đã được kiểm đếm có giá trị gần 800 triệu đồng, có dấu hiệu vi phạm  điều 143, luật Hình sự quy định rõ về  tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản  như sau: Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: Có tổ chức. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;  Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Do vậy cơ quan chức năng cần khẩn cấp khởi tố vụ án này đồng thời cũng phải xem xét hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái pháp luật cũng như hành vi chiếm giữ tài sản trái phép trong vụ án nêu trên.
Ông Hồng cho rằng sở dĩ hành vi vi phạm pháp luật hủy hoại và chiếm giữ tài sản của gia đình ông có dấu hiệu trái pháp luật rõ ràng, đến nay đã kéo dài mà các cá nhân gây ra hậu quả này không bị xử lý có thể có thế lực đứng “chống lưng”. Đề nghị các cơ quan bảo vệ  pháp luật sớm vào cuộc điều tra, nếu phát hiện hành vi trái pháp luật đặc biệt nghiêm trọng cần xử lý nghiêm minh.
 
Nhóm PV