(BVPL) - Ngay từ những ngày đầu năm mới, lượng du khách đổ về Yên Tử đã tăng đột biến. Việc quy hoạch bãi đỗ xe theo hướng “buộc” khách phải xử dụng dịch vụ xe điện và cáp treo đã gây ra nhiều bức xúc cho du khách. Cảnh chờ đợi, chen lấn xô đẩy tại các nhà ga cáp treo và các điểm hành lễ đã biến chuyến du xuân của du khách thành cuộc “hành xác” hãi hùng. 
 
Quy hoạch theo kiểu “vẽ ra” để kiếm tiền là không ổn!
 
Các năm trước, du khách đi thẳng vào sân khai hội để gửi xe, khi lượng xe đông quá mới đưa ra ngoài. Năm nay, bãi đỗ xe của khu di tích Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh) được chuyển ra khu vực dốc Hạ Kiều, cách bãi đỗ xe cũ hơn 2 km. Theo Ban quản lý ở đây cho biết: Toàn bộ diện tích Sân khai hội và bãi gửi xe trước đây, nay đã được quy hoạch xây dựng Dự án “Trung tâm văn hoá tâm linh”, nên đã được quây Tôn kẽm kín để giao cho các đơn vị thi công. Tại dốc Hạ Kiều đang cho thí điểm làm “bến xe quay đầu” và bãi gửi xe máy. Khi ô tô của du khách đến đây, sẽ đổ khách xuống dốc Hạ Kiều và quay ra đỗ tại Bến xe quy hoạch rộng hàng chục ha tại Khu chợ xã Thượng Yên Công cách đó gần 10km (nhưng bến xe này chưa được đầu tư, xây dựng).  Khách hành hương sẽ phải để xe ở bãi đỗ mới và chọn hai phương án: Đi bộ gần hơn 3 km để vào chùa Giải Oan hoặc mua vé xe điện (20.000 đồng/lượt) vào nhà ga cáp treo. Để phục vụ khách, Công ty Tùng Lâm đã đưa vào sử dụng 38 ôtô điện và chưa đăng ký biển số. Giá cước 20.000 đồng/lượt cũng tự vẽ ra thu vô tội vạ từ ngày 1 đến ngày 9 tháng riêng. Khi bị nhân dân và báo chí phản ứng, đến ngày khai hội 10 tháng riêng, Công ty Tùng Lâm mới buộc phải giảm xuống với giá 10.000 đồng/lượt.
 
Khách chen chân chờ hàng giời đồng hồ để lên cáp treo
Khách chen chân chờ hàng giời đồng hồ để lên cáp treo
 
Theo bà Tống Thị Thư – một du khách (ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng) cho biết: Mọi năm chúng tôi đi xe máy vào sân lễ hội gửi xe và leo bộ lên chùa đồng. Năm nay, hai vợ chông tôi phải gửi xe máy và đi bộ gần 3km vào đến khu chùa Giải Oan đã rất là mệt. Nếu lại leo bộ lên chùa Hoa Hiên và chùa Đồng nữa thì quá vất vả, mệt nhọc. Vì vậy lại phải chọn giải pháp đi cáp treo của Công ty Tùng Lâm với giá vé khứ hồi 280.000 đồng/người. Tuy vậy, do lượng người đổ về Yên Tử rất đông, nên đã chót mua vé rồi, chúng tôi lại phải xếp hàng gần 2 giờ đồng hồ tại mỗi trạm cáp treo. Vợ chồng tôi đi từ 6 giờ sáng mà phải đến 5 giờ chiều mới xuống được chân núi. Cảnh chen lấn, xô đẩy ngột ngạt tại các nhà ga cáp treo thật khủng khiếp cho du khách…”.
 
38 xe điện không phép vẫn hái ra tiền mỗi ngày
38 xe điện không phép vẫn hái ra tiền mỗi ngày
 
Theo sư ông Khai Bi – Thành hội phật giáo tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Nếu phải đi bộ do tự nhiên tạo lên thì không sao, nhưng anh “vẽ ra” để kiếm tiền du khách thì không ổn. Người dân đi cáp treo mất 280.000 đồng tiền vé mà họ vẫn thu thêm mấy chục ngàn xe điện. Nếu người dân đã không có tiền, còn phải đi thêm 5 km (cả đi và về) thì cực lại càng cực thêm.  Những bức xúc này của người dân đã được chúng tôi góp ý cho chính quyền và Công ty Tùng Lâm nhưng vẫn chưa thấy có thay đổi gì…”.
 
Doanh nghiệp thu lãi lớn, vẫn tăng giá cáp treo?
 
Chúng tôi được biết, Công ty CP Tùng Lâm đầu tư hệ thống cáp treo này (từ năm 2001) đến nay đã 15 năm, doanh nghiệp đã thu hồi vốn rất nhanh, lãi rất lớn. Nếu tính bình quân từ năm 2014 đến nay mỗi năm có 1,6 triêu lượt khách đến Yên Tử và chỉ 50% số khách đó đi cáp treo thì mỗi năm Doanh nghiệp này thu 800.000 khách x 280.000 đồng/người sẽ là 228 tỷ đồng/năm.
 
Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay doanh nghiệp này tiếp tục cho tăng giá vé từ 12 – 15%. Năm 2013 giá vé khứ hồi của Công ty Tùng Lâm là 240.000 đồng/lượt và giá vé đơn lẻ mỗi tuyến cáp treo là 100.000 đồng/lượt. Từ năm 2014, doanh nghiệp này tăng lên 280.000 đồng/lượt (khứ hồi) và từ năm 2016, khi giá vé khứ hồi vẫn giữ nguyên, thì giá vẽ đơn lẻ tại mỗi tuyến cáp lại tăng từ 100.000 đồng lên 120.000 đồng/lượt.
 
Trong khi giá xăng dầu trong nước nhiều năm qua đã hạ thấp từ mức kỷ lục từ trên 25.000 đồng/lít nay xuống còn trên 14.000 đồng/lít thì giá vé cáp treo của Công ty Tùng lâm vẫn cao ngất ngưởi và vẫn tăng là điều phi lý, không thể chấp nhận được.
 
Du khách ùn ùn toả lên chùa đồng và tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông
Du khách ùn ùn toả lên chùa đồng và tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông
 
Lý giải điều phi lý này ông Nguyễn Văn Thiết – Phó chủ tịch HĐQT Công ty Tùng Lâm và ông Thanh – Phó tổng giám đốc lại vòng vo: “Chúng tôi xây dựng hệ thống cáp treo năm 2001, đưa vào hoạt động năm 2002. Ba năm đầu, lượng khách ít, chúng tôi chỉ tính giá vé từ 30 đến 35 ngàn đồng/người/lượt, nhưng doanh thu vẫn lỗ, không có lợi nhuận chia cho các cổ đông! Do áp lực về công suất đường truyền không đáp ứng được nhu cầu của du khách, nên năm 2009 chúng tôi phải đầu tư thay thế hệ thống cáp treo này, mặc dù nhiều hạng mục vẫn còn rất tốt. Cùng với đó, theo yêu cầu của Thành hội phật giáo và UBND tỉnh, chúng tôi còn đầu tư hệ thống đường nội bộ, hệ thống kè chống sạt nở… Mấy năm gần đây, lượng khách đến Yên Tử tăng rất nhiều bình quân từ 1,6 – 1,8 triệu du khách/năm. Đặc biệt, từ năm 2008, nhiều khách quốc tế đến Yên Tử, trên 1000 khách/tháng. Vì vậy, chúng tôi đầu tư hệ thống cáp treo 2, đã làm thoả mãn nhu cầu của khách về Yên Tử.
 
Quá trình hoạt động, chúng tôi chấp hành các quy định của nhà nước và nộp thuế cho ngân sách. Ngoài ra, chúng tôi còn đầu tư hỗ trợ cho nhiều công trình của tỉnh như xây dựng nông thôn mới, ủng hộ việc xây dựng các khu di tích, việc xây dựng chùa, tổ chức tốt lễ hội Yên Tử hàng năm, làm từ thiện trong và ngoài tỉnh. 
 
Khi tăng giá chúng tôi đã làm các thủ tục theo quy định, đề nghị cơ quan thuế tư vấn… Việc điều chỉnh và quy định giá vé là quyền của doanh nghiệp. Thu doanh thu như trên cũng chưa đủ, vì chúng tôi liên tục đầu tư, và dự kiến thời gian tới chúng tôi sẽ đầu tư khoảng gần 1000 tỷ đồng vào các dự án xây dựng và bảo tồn Yên Tử theo Quyết định 334 của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng Yên tử thành trung tâm phật giáo của Việt Nam, thoả mãn nhu cầu của du khách đến với Yên Tử”. 
 
Những con số ấn tượng về doanh thu cho thấy hiệu quả đầu tư và thu hồi vốn của Doanh nghiệp này là siêu lợi nhuận do lợi thế kinh doanh độc quyền tại Yên Tử. Đây là điều phi lý, khiến dư luận không đồng tình.
 
Việc không minh bạch trong hạch toán doanh thu, giá thành sản phẩm và các dự án đầu tư sẽ phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm trong việc quản lý doanh thu, thuế Giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Doanh nghiệp thu lãi lớn trong khi khách thập phương vẫn hàng năm vẫn bị bóp túi do không thể đủ sức đi bộ lên để hành hương  Yên Tử. 
 
Đây là những câu hỏi lớn gửi các cơ quan thẩm định giá và quản lý thuế tại Quảng Ninh.
 
Quang Chiến – Ngọc Dũng