(BVPL) - Nhằm tăng cường kiểm soát phân luồng giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên địa bàn thành phố (TP) Thái Bình, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Thái Bình đã tổ chức thực hiện việc phân luồng tuyến đối với các tuyến nội tỉnh, trong đó có tuyến huyện Tiền Hải và huyện Kiến Xương đi TP Thái Bình. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực thế thì gặp phải sự phản đối gay gắt không chỉ từ các doanh nghiệp vận tải (DNVT) mà cả người dân khi tham gia gia thông cũng không đồng tình với cách phân luồng, tuyến này.
Gần 20 người (gồm các: chủ xe, giám đốc DNVT và lái xe) đại diện cho các DNVT của hai huyện Tiền Hải và huyện Kiến Xương ký đơn gửi đến báo BVPL phản ánh việc Sở GTVT tỉnh Thái Bình tổ chức phân luồng, tuyến giao thông đối với các tuyến giao thông nội tỉnh. Đặc biệt, tuyến huyện Tiền Hải, huyện Kiến Xương đi TP Thái Bình là không phù hợp với điều kiện, thực tế của tuyến đường cũng như nhu cầu đi lại của người dân, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao, bởi: “Theo văn bản số 181/SGTVT-QLVT&ATGT, ngày 04/03/2015 của Sở GTVT tỉnh Thái Bình, thì tuyến xe nội tỉnh chạy từ các huyện Tiền Hải, Kiến Xương đi TP Thái Bình sẽ đi theo lộ trình mới. Cụ thể, đi theo Quốc lộ 37B và Tỉnh lộ 39B (ĐT458) đến ngã tư giao giữa phố Hai Bà Trưng và đường Lý Thường Kiệt, TP Thái Bình, đi thẳng tới nút giao chân cầu Thái Bình rồi rẽ trái vào đường Trần Thái Tông, tới ngã tư giao phố Lý Bôn với đường Trần Thái Tông rẽ trái vào Bến xe, chiều về đi theo lộ trình trên nhưng ngược lại”.
Trao đổi với PV, ông Trịnh một trong những chủ xe cho biết: “Theo phân luồng cũ từ hơn 10 năm nay, tuyến huyện Tiền Hải và huyện Kiến Xương đi Thành phố, chúng tôi đi đến nút giao giữa đường Lý Thường Kiệt với đường Lê Lợi là chúng tôi rẽ vào đường Lê Lợi để đến bến xe tỉnh. Nay Sở GTVT cấm không cho chúng tôi đi vào đường Lê Lợi (chỉ xe buýt Hoàng Hà được đi vào đường này – PV) mà bắt đi theo tuyến mới (như trên) là không phù hợp với thực tế, nhu cầu đi lại của người dân, gây khó khăn cho các nhà xe chạy tuyến này”.
Cũng theo ông Trịnh: “Việc phân luồng không hợp lý này khiến chúng tôi mất rất nhiều khách, nhiều chủ xe có nguy cơ phải bán xe, phá sản như chơi”.
Để xác minh làm rõ nội dung phản ánh trên, PV báo BVPL đã tiến hành khảo sát thực tế tuyến đường mà Sở GTVT tỉnh Thái Bình đã phân luồng, tuyến như trên. Có mặt tại đường Lê Lợi, thì con đường này có thể nói là đường rộng nhất TP Thái Bình với 04 làn xe chạy, lưu lượng xe đi lại thấp. Cả tuyến đường rộng thênh thang này chỉ có những chiếc xe ô tô con đi lại, thi thoảng có xe buýt của công ty Hoàng Hà dừng đón, trả khách. Tham khảo ý kiến một bác có 5 năm làm nghề xe ôm ở đây, cho biết: “Con đường này (đường Lê Lợi – PV) rất thông thoáng, hầu như chưa bao giờ xảy ra ùn tắc giao thông”.
Theo ghi nhận của PV tại tuyến đường Trần Thái Tông, đây là tuyến đường giao thông liên tỉnh ((Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh - PV), thì mật độ giao thông ở đây rất cao, đủ các loại phương tiện tham gia giao thông như: xe ba gác, các loại ô tô lớn, bé, xe con-tener, xe tải chở hàng... Đặc biệt, khi đến ngã tư giữa đường Trần Thái Tông với đường Lý Bôn thì ngã tư này thường xuyên xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông. Một người dân đứng gần ngã tư này cho biết: “Đây là tuyến đường liên tỉnh và cũng là điểm rẽ vào bến xe khách của tỉnh Thái Bình và bến xe khách Hoàng Hà. Vì vậy, ngã tư này có lưu lượng phương tiện giao thông rất cao nên thường xuyên xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông”.
|
Lưu lượng giao thông ở 2 tuyến đường Lê Lợi (trái) và Trần Thái Tông (phải) cùng một thời điểm. |
Để tham khảo ý kiến của người dân về việc phân luồng, tuyến giao thông mới của Sở GTVT tỉnh Thái Bình, PV báo BVPL đã đồng hành cùng chuyến xe khách từ xã Nam Trung, huyện Tiền Hải đi TP Thái Bình. Hỏi ý kiến một người khách ngồi kế bên là anh Nguyễn Văn Đấu (đ/c: xã Nam Trung, huyện Tiên Hải. Thái Bình): “Anh có thường xuyên đi lên TP Thái Bình không, anh có biết Sở GTVT tỉnh Thái Bình tổ chức phân luồng, tuyến mới chưa? “Tôi thường xuyên đi TP, tôi đã sử dụng dịch vụ vận tải của nhà xe này nhiều năm nay. Với lộ trình và phân tuyến mới tôi và các khách hàng khác đã được nhà xe thông báo và cũng từng chứng kiến nhà xe bị Thanh tra sở GTVT tỉnh Thái Bình xử phạt vì đi vào tuyến đường cũ (đường Lê Lợi – PV)”. Anh Đấu cho biết.
Khi PV đặt hỏi: “Việc phân luồng, tuyến mới có thuận lợi và phù hợp hơn so với tuyến, luồng cũ không?”
Anh Đấu chưa kịp trả lời thì rất nhiều khách trên xe đồng loạt phản ứng: “Chúng tôi không đồng ý với kiểu phân luồng, tuyến thế này. Việc này gây khó khăn và nguy hiểm cho chúng tôi, nhất là khi xe dừng lại cho khách xuống ở đường Trần Thái Tông, bởi đường đó rất đông phương tiện giao thông đi lại. Hơn nữa, việc di chuyển, dừng đỗ thiếu hợp lý so với lộ trình cũ đã gây nhiều phiền toái cho chúng tôi. Nhiều khi chúng tôi lại phải bắt thêm một tuyến xe nữa mới đến được địa điểm mình muốn’’.
Một vị khách trung niên ngồi dưới cuối xe, đứng hắn lên phát biểu: “Việc phân luồng, tuyến này không biết mấy ông Sở GTVT có đi khảo sát thực tế hay không, hay lại ngồi phòng điều hòa để tổ chức phần luồng, tuyến nên mới như thế này?” Vị khách này vừa dứt lời đã khiến tất cả hành khách trên xe cười ồ lên.
Việc tổ chức phân luồng, tuyến giao thông là rất cần thiết và đúng với điều kiện giao thông của tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, khi tổ chức thực hiện cần phải đảm bảo tính thực tế cũng như nhu cầu đi lại, sự an toàn của người dân khi tham gia giao thông. Đề nghị Sở GTVT tỉnh Thái Bình rà soát lại việc phân luồng, tuyến giao thông mới này cho thuận lòng người cũng như sự tồn tại của các DNVT trong tỉnh.
Bùi Toàn - Tiến Phòng