(BVPL) - Theo Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, kiểm tra bước đầu cho thấy sự bị động của cơ quan quản lý đập Đầm Hà khiến việc xả tràn không hiệu quả khi nước lên nhanh. Còn nhiều người dân địa phương cho rằng tổ canh đập ngủ quên, khi dân thấy nước tràn mặt đập đến gọi mới ra mở cống thì đã muộn...
 
Theo báo cáo sơ bộ của UBND huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh), tại phần thân đập chính của đập thủy lợi Đầm Hà Động, do nước lũ tràn qua mặt đập từ 1-1,5m nên toàn bộ taluy, thân đập bị bào mòn, sạt vỡ nhiều điểm và phía 2 đầu đập, cắt đứt một đoạn đường dẫn lên đập chính khoảng 20m. Ước tính, lũ đã khoét mất khoảng 300m3 đất đá của thân đập, có nhiều chỗ khoét sâu tới 5-7m. 
 
Ở phần thân đập phụ, lũ cắt đứt khoảng 50m, cùng với mưa lớn đã làm cho khu vực hạ lưu 4 xã với nhiều thôn chìm trong biển nước và bị cô lập hoàn toàn; hàng trăm hộ phải sơ tán khẩn cấp dưới sự hỗ trợ kịp thời của các lực lượng bộ đội, công an, dân quân tự vệ…
 
Khu kho bãi hàng nghìn m3 cát, đá, máy móc thiết bị của Doanh nghiệp tư nhân Đầm Hà đã bị san phẳng sau lũ.
Khu kho bãi hàng nghìn m3 cát, đá, máy móc thiết bị của Doanh nghiệp tư nhân Đầm Hà đã bị san phẳng sau lũ.
 
May mắn không có thiệt hại về người, nhưng sự cố vỡ đập phụ đã làm một nhà cấp 4 của dân bị sập đổ, 88 nhà bị ngập lụt; 300ha diện tích hoa màu, trong đó chủ yếu là lúa mùa sắp cho thu hoạch và trên 25ha rau vụ đông ở các xã Quảng Tân, Tân Bình, Đầm Hà, Quảng An bị ảnh hưởng; 25ha ao đầm nuôi tôm và thủy sản bị ngập hoàn toàn. Tổng thiệt hại khoảng trên hai chục tỷ đồng.
 
Trao đổi với PV báo BVPL ông Đinh Văn Tha - Chủ doanh nghiệp tư nhân xuất nhập khẩu Đầm Hà cho biết: Sự cố tràn, vỡ đập phụ Long Châu Hà khiến lượng nước lớn tràn về sông Đầm Hà ngập lụt nhiều nơi. Trong đó, cuốn trôi và phá huỷ hoàn toàn một bờ đê chắn nước có chiều dài 80 mét với khối lượng cát đá làm đê khoảng 7.000m3; cuốn trôi trên 4.000m3 cát, 1.700m3 đá xanh các loại; làm hỏng 2 máy xúc Sola, 2 xe ôtô tải; làm hỏng hoàn toàn dàn máy lọc rửa cát sạch xây dựng trị giá 800 triệu đồng, 4 máy bơm điện 3 pha... có kho bãi chứa vật liệu xây dựng của chúng tôi cạnh bờ sông thôn Trại Giữa xã Đầm Hà. Tổng thiệt hải khoảng trên 2 tỷ đồng.
 
Theo ông Tha và một số người dân địa phương cho biết: Mấy hôm trước nhiều người dân xã Quảng Lợi, Quảng Tân cò kêu khô hạn không có nước thuỷ lợi để canh tác ruộng đồng, nhưng Ban quản lý đập thuỷ lợi Đầm Hà không cho xả nước. Khi trận mưa lớn trong đêm đột ngột, cộng với lượng nước tích khá lớn trong đập nên nước đã tràn qua mặt đập đến trên 1 mét. Khi người dân phát hiện đập tràn nước đã tá hoả chạy đến đập cửa phòng cán bộ trực mới tỉnh giấc chạy đi xả lũ thì 1 trong 3 cửa cống bị tê liệt... và việc vỡ đập thủ lợi là đương nhiên. Nguyên nhân chính là Ban quản lý đập thuỷ điện chủ quan, bị động trong việc ứng trực xả lũ. Nhiều người dân chúng tôi đang làm đơn tố cáo hành vi thiếu trách nhiệm, gây hậu quả thiệt hại của Ban quản lý vận hành đập thuỷ lợi Đầm Hà.
 
Theo nhiều người dân trong khu vực, trước đây cũng từng có lũ lớn, nhưng chưa xảy ra sự cố như vậy. Nhiều người đặt câu hỏi về quy trình xả lũ sai, hoặc xả lũ chậm.
 
Trả lời câu hỏi của phóng viên về sự cố vỡ đập Đầm Hà (Quảng Ninh) bên hành lang Quốc hội sáng 31/10, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, đoàn kiểm tra của Bộ đã có mặt tại hiện trường để xem xét nguyên nhân.
 
Theo ông Dũng, sẽ phải chờ thêm kết quả của Cục Giám định, tuy nhiên kiểm tra bước đầu cho thấy có sự bị động của cơ quan quản lý đập khiến việc xả tràn không hiệu quả khi nước lên nhanh. Hậu quả đến 5h30 sáng 30/10, một đoạn đập phụ dài 50 m bị vỡ, gây ngập nhiều hộ dân xã Quảng Lợi, huyện Đầm Hà.
 
Bộ trưởng Dũng cũng thông tin, kết quả kiểm tra hồ đập trên cả nước mà Bộ Xây dựng tổng hợp, báo cáo lên Thủ tướng trước mùa mưa lũ thì đập Đầm Hà không thuộc diện yếu, cần gia cố hay khắc phục. Đập có dung tích 15 triệu m3, chiều cao 27,5 m, là đập có quy mô trung bình, theo phân cấp do Bộ Nông nghiệp quản lý và dự án này cũng do Bộ Nông nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng. Công trình thủy lợi hồ chứa nước đập Đầm Hà Động được khánh thành năm 2011 sau hơn 5 năm xây dựng, với tổng vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ngân sách địa phương. 
 
Quang Chiến
 
4giờ 30 phút ngày 30/10/2014 do mưa lớn, nước trong đầm Hà Động dâng cao vượt đường tràn đập từ 1m đến 1,5 m, gây lũ và vỡ khoảng trên 50 m đập tràn xả lũ (đập phụ số 2) và gây xói sạt lở nhiều điểm của mái thân đập chính phía hạ lưu và đường lên đập chính; Do vỡ đập phụ và mưa lớn kết hợp với triều cường đã làm cho khu vực hạ lưu (xã Quảng Tân và Thị Trấn) thuộc huyện Đầm Hà bị ngập. Ngay khi xảy ra sự cố huyện Đầm Hà đã huy động lực lượng tập trung di toàn bộ 88 hộ dân (gần 400 người) ở vùng trũng đến nơi an toàn, 
Ngay trong ngày 30/10/2014 đồng chí Đặng Huy Hậu – Phó chủ tịch UBND Tỉnh đã có mặt tại và trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường, đã huy động hơn 300 cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang, thanh niên xung kích trên địa bàn huyện Hải Hà, Đầm Hà (Công an 50 người, Quân đội 140 người, Biên phòng 40 người, Thanh niên xung kích 50 người) và các trang thiết bị máy móc chuyện dụng để khắc phục hậu quả do lũ gây ra tại Đầm Hà Động.
 
Đến 11 giờ ngày 30/10/2014, mực nước trong đầm Hà Động và sông Đầm Hà đã rút, các vùng hạ lưu không còn bị ngập và không có thiệt hại về người.