(BVPL) - Ông Trần Văn Bảy, sinh năm 1941 ( ngụ tại ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang ), đã làm đơn gửi đến các cấp có thẩm quyền tố cáo việc chánh quyền huyện đã cho lực lượng Công an cưỡng chế gia đình ông để lấy đất xây dựng công trình Trường Mầm non Dương Tơ mà không có sự thỏa thuận đền bù thiệt hại.
 
Công trình Trường Mầm non Dương Tơ đang được xây dựng trên đất của gia đình ông Trần Văn Bảy
Công trình Trường Mầm non Dương Tơ đang được xây dựng trên đất của gia đình ông Trần Văn Bảy
 
Theo như ông Bảy thuật lại, khoảng 6 giờ sáng ngày 18/05/2015 có chiếc xe cuốc đất xuất hiện trên phần đất của gia đình tại ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ để tiến hành thi công xây dựng công trình. Vì khu đất trên nằm ven đường, cách mặt tiền nhà của ông ở không xa, thấy vậy vợ chồng ông bèn bước ra ngăn cản thì 15 phút sau có 4 xe cơ động của Công an huyện Phú Quốc chở gần trăm lực lượng đến phong tỏa hiện trường để bảo vệ cho công trình thi công.
 
" Vợ chồng tôi lúc đó chỉ biết đứng nhìn mà không dám có một hành động nào khác nhưng bức xúc lắm. Đất này do cha tôi khai khẩn từ trước ngày giải phóng chứ phải mới đây đâu. Địa phương ai ai cũng đều biết. Đáng lẽ chính quyền phải thương lượng thu hồi đất có đền bù thiệt hại hoặc hỗ trợ thành quả lao động, đằng này họ lại ngang nhiên lấy đất với cớ xây dựng dự án này, công trình nọ. Thử hỏi có công bằng không?". Ông Bảy thở dài, than thở.
 
Theo hồ sơ chúng tôi có được, cha của ông Trần Văn Bảy là ông Trần Văn Ngọc từ năm 1945 đã khai phá trên 17.000 m2 đất ( số liệu đo thực tế của chính quyền ) tại ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc để sử dụng trồng dừa. Đến năm 1959, do chiến tranh lan rộng cha ông Bảy tạm lánh về thị trấn Dương Đông, Phú Quốc sinh sống, khu đất trồng hàng trăm cây dừa đang cho trái buộc phải tạm dừng chăm sóc.
 
Sau giải phóng, ông Trần Văn Ngọc mất. Năm 1984, ông Trần Văn Bảy cùng gia đình mình về lại khu đất xưa của cha mình đã gầy dựng tại Cửa Lấp, Dương Tơ để cất nhà tiếp tục canh tác, lập nghiệp. Tháng 10/1991 để có cơ sở hợp thức hóa phần đất của mình đang tác, ông Bảy đã làm đơn xin khai thác đất cũ ( theo ước tính của gia đình là diện tích trên 20.000 m2 ) và chỉ được UBND xã Dương Tơ lúc bấy giờ xác nhận tạm cấp 6.000 m2 đất.
 
Năm 1993, Chính quyền xã Dương Tơ làm quy hoạch xây dựng chợ và khu dân cư ( được UBND huyện Phú Quốc phê duyệt sơ đồ quy hoạch ngày 02/06/1994 ) trên phần đất của gia đình ông Bảy, trong đó có 6.000 m2 đất ông Bảy đang sử dụng. Đất dự định xây khu dân cư được ủi trắng, gia đình ông Bảy nhận tiền bồi thường cây cối, hoa màu là 1.650.000 đồng. Đồng thời chính quyền xã cam kết bố trí giữ lại cho ông Bảy 07 nền tái định cư với diện tích 756 m2 . Thế nhưng, mãi 20 năm sau, quy hoạch nói trên vẫn không thực hiện và giờ thì chỗ khu đất dự kiến xây chợ và khu dân cư...thành công trình Trường Mầm non Dương Tơ. Khu dân cư không xây dựng do đó gia đình ông Bảy cũng chẳng có nền nhà nào như chính quyền đã cam kết.
 
Trước đó, vào tháng 12/2012, để làm con lộ nông thôn rộng 4m, dài 150m nối liền đường vào khu dân cư tổ 1, ấp Cửa Lấp và Công ty Sơn Phát chính quyền xã Dương Tơ cũng đã có buổi gặp gỡ động viên gia đình ông Trần Văn Bảy chấp thuận giao mặt bằng xây dựng giao thông nông thôn. Và trong buổi họp hôm đó, bà Lê Thị Út, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Dương Tơ cũng đã phát biểu " phần đất trước đây quy hoạch là chợ, khu dân cư đúng là có nguồn gốc của gia đình ông Bảy nếu sau này nhà nước trả lại theo yêu cầu thì gia đình anh chị Bảy có quyền sử dụng. Còn việc xây dựng đường giao thông là đường công cộng...nên động viên gia đình anh chị giao mặt bằng cho xã " ( trích Biên bản ngày 26/12/2012 ). Và từ cuộc gặp trên gia đình ông Bảy hoàn toàn đồng ý cho xã làm đường mà không đặt điều kiện nào.
 
Ngày 14/06/2013, UBND huyện Phú Quốc đã cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông Trần Văn Bảy tại ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ với diện tích là 6.620,9 m2 . Theo gia đình ông Bảy số đất này chỉ bằng một phần ba diện tích đất mà cha của ông khai khẩn từ trước năm 75, số diện tích đất trên 10.000 m2 quy hoạch chợ và khu dân cư mà chính quyền không thực hiện nay triển khai làm dự án khác, nhà nước phải đền bù thiệt hại hoặc hỗ trợ thỏa đáng cho gia đình ông như thế mới thật sự công bằng.
 
Chỉ tay về phía Bằng Tổ quốc ghi công được treo trên vách nhà, ông Bảy nói: " Anh ruột tôi Trần Quốc Khải, liệt sĩ, hy sinh năm 1968 lúc tham gia cách mạng có lo cho gia đình được ngày nào đâu. Cha tôi thì chỉ biết cặm cụi khai khẩn đất hoang ngoài đảo xa này mà sinh sống nuôi gia đình. Tôi chỉ mong nhà nước xem xét cho thấu tình đạt lý việc đền bù hoặc hỗ trợ thỏa đáng khi mà chính quyền thu hồi đất của dân để làm dự án này khác."
 
Nhật Mai