(BVPL) - Đã hơn 4 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật được cưỡng chế thi hành, nhưng đến nay Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai vẫn chưa hoàn tất việc giao tài sản cho người được thi hành án là Công ty cổ phần Vĩnh Thiện Đồng Nai. Việc chậm giao tài sản không chỉ cho thấy sự lúng túng của cơ quan thi hành án mà còn gây thiệt hại rất lớn cho bên được thi hành án và cả người lao động.
 
Án đã rõ nhưng vẫn cần… giải thích
 
Theo Bản án số 317/2013/DS-PT ngày 18/10/2013 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh giải quyết vụ Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai yêu cầu Tòa án công nhận thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai và Công ty Vĩnh Tường ký ngày 12 và 13/7/2012 để đối trừ khoản nợ hơn 11 triệu USD (bao gồm cả tiền lãi) thì Tòa đã công nhận các hợp đồng này. Theo các hợp đồng mà hai Công ty đã ký, Công ty Vĩnh Tường phải giao toàn bộ hai thửa đất, tài sản gắn liền với đất là khách sạn Wooshu Plaza, bao gồm cả nội thất và ngoại thất. 
 
Với nội dung như trên của bản án thì Công ty Vĩnh Tường phải thực hiện nghĩa vụ giao tài sản như thế nào. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện bản án, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai lại “lúng túng” vì không biết phải cưỡng chế giao tài sản gắn liền với đất, bao gồm cả nội thất và ngoại thất hay chỉ giao tài sản theo danh mục kèm theo bản án. Chính vì thế, Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai đã phải đề nghị Tòa Phúc thẩm giải thích bản án. Tại Công văn 420/2014/CV ngày 29/4/2014, Tòa Phúc thẩm đã giải thích rất rõ ràng nội dung của bản án. Theo đó, tài sản gắn liền với đất mà tòa án công nhận hai Công ty đã thỏa thuận chuyển nhượng cho nhau gồm nội thất và ngoại thất của khách sạn Wooshu Plaza, kể cả tài sản đã được công nhận và chưa được công nhận quyền sở hữu, miễn là tài sản đó hiện hữu tại thời điểm chuyển nhượng. Tài sản liệt kê trong danh mục kèm theo bản án được công ty thẩm định giá lập chỉ phản ánh mức độ hoàn thành của công trình chứ không phản ánh tài sản mà các bên chuyển nhượng.
 
Mặc dù Tòa Phúc thẩm đã giải thích rõ trước thời điểm cưỡng chế, thế nhưng, ngày 23/5/2014, khi thực hiện việc cưỡng chế tài sản, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai vẫn không giao chính thức những tài sản nằm ngoài “danh mục kèm theo bản án” cho Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai mà chỉ tạm giao để quản lý, chờ hướng dẫn giải quyết. 
 
Ngày 10/6/2014, Tòa Phúc thẩm tiếp tục có Văn bản số 475/2014/CV khẳng định nội dung đã giải thích trước đây. Tuy nhiên, việc giao tài sản cho Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai vẫn chậm trễ. Thực tế, Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai vẫn chỉ được trông giữ tài sản chứ chưa được giao để sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật. Vì thế, khối tài sản hơn 200 tỷ đồng vẫn bị “đắp chiếu”, không thể khai thác được và thiệt hại đối với Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
 
Công ty Vĩnh Tường tìm cách “tái chiếm”?
 
Trong lúc Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai đang lo lắng về việc không được giao toàn bộ tài sản đã nhận chuyển nhượng của Công ty Vĩnh Tường thì có những động thái cho thấy, Công ty Vĩnh Tường đang muốn “lật ngược ván cờ” để đòi lại khách sạn Wooshu Plaza. Chủ tịch Công ty Vĩnh Tường tiếp tục gửi đơn yêu cầu giám đốc thẩm bản án phúc thẩm với nội dung cáo buộc tòa án đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm là vi phạm tố tụng.
 
Xin được nhắc lại, trong các đơn thư trước đây mà Công ty Vĩnh Tường gửi lãnh đạo các cơ quan tố tụng Trung ương đã đưa ra những nội dung sai sự thật về khoản tiền tương đương 10 triệu USD mà Công ty Vĩnh Tường vay của Công ty Orient (hiện là cổ đông của Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai). Bà chủ tịch Công ty Vĩnh Tường cho rằng, đó là khoản tiền được chuyển cho Công ty Vĩnh Tường để thực hiện dự án kinh doanh sòng bạc. Nhưng, thực tế thì Công ty Vĩnh Tường không có dự án “sòng bạc” nào cả. Hơn nữa, các tài liệu mà bà chủ tịch Công ty Vĩnh Tường sử dụng để chứng minh việc hợp tác “kinh doanh sòng bạc” có dấu hiệu của việc làm giả vì chữ ký của đại diện được xác định không phải là thật. Với việc tiếp tục theo đuổi mục đích không trả số tiền hơn 11 triệu USD bằng nỗ lực phủ nhận quan hệ vay tiền bằng việc nại ra một hợp đồng hợp tác kinh doanh sòng bạc, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xử lý hành vi này của bà chủ tịch Công ty Vĩnh Tường về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” vì đã có đủ dấu hiệu “nhận tiền và thực hiện hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt số tiền đã nhận”.
 
Trong lúc Công ty Vĩnh Tường vẫn đeo đuổi một “cuộc chiến pháp lý” để đòi lại khách sạn Wooshu Plaza và không trả tiền vay thì Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai cần phải hoàn tất việc thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật. Theo hướng dẫn của Tổng Cục thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp thì việc thi hành án giao tài sản cho Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai không thể tiếp tục chậm trễ. Tại Công văn 2197/TCTHADS-NV1 ngày 18/7/2014, Tổng Cục thi hành án dân sự đã khẳng định rõ, nội dung bản án của Tòa án đã rõ ràng và Tòa Phúc thẩm cũng đã giải thích rất rõ. Do đó, Cục Thi hành án dân sự Đồng Nai phải giao toàn bộ tài sản gắn liền với đất cho bên được thi hành án. Bên cạnh đó, cũng cần thông báo cho Công ty Vĩnh Tường biết rằng, Công ty này có thể nhận lại tài sản nếu chứng minh những tài sản đó có sau ngày 12/7/2012 (ngày mà hai Công ty ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ tài sản). Trong thời hạn 1 tháng, nếu Công ty Vĩnh Tường không chứng minh được thì cơ quan thi hành án phải giao tài sản đã kê biên tại khách sạn Wooshu Plaza cho bên được thi hành án.
 
Được biết, Cục Thi hành án dân sự Đồng Nai đã thông báo cho Công ty Vĩnh Tường từ ngày 4/8/2014 (đến nay đã hơn 1 tháng) nhưng Công ty Vĩnh Tường vẫn không xuất trình được tài liệu chứng minh những tài sản đã bị kê biên và giao cho bên được thi hành án là tài sản không thuộc đối tượng chuyển nhượng. Vậy Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai không còn lý do nào khác để chậm trễ thực hiện việc bàn giao tài sản cho bên được thi hành án. Việc cố tình kéo dài thời hạn giao tài sản sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho bên được thi hành án và với kiểu “hành xử” như vậy của Cục thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai có trái pháp luật hay không? Xin dành câu trả lời cho lãnh đạo Tổng cục thi hành án dân sự và cơ quan chức năng.
 
Hữu Hoa