Đã được giải oan và bồi thường thiệt hại

Ông Lại Văn Chốc (SN 1948, trú tại xã Tam Hưng, huyện Thuỷ Nguyên, TP. Hải Phòng), nguyên là Thuyền trưởng của tàu không số thuộc Lữ đoàn 125 Hải quân, là hội viên truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển. Sau ông chuyển ngành về làm Thuyền phó tàu kéo 980 CV thuộc Nhà máy sửa chữa tàu biển Phà Rừng, nay thuộc Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Phà Rừng. 

Năm 1985, ông Chốc bị cơ quan chức năng xác định có liên quan đến vụ án gây chết người. Nội dung vụ việc như sau: Ngày 15/8/1985, con gái ông Chốc đang chơi ở ngõ thì bị con chó nhà ông Trần Văn Phần cùng khu dân cư cắn gây thương tích. Đến trưa, sau khi đi làm về, ông Chốc sang nhà ông Phần để nói chuyện về việc chó nhà ông Phần cắn con ông, thì ông Phần không thiện chí nói chuyện. Khi ra về, nhìn thấy con chó nhà ông Phần, ông Chốc liền lấy nửa hòn gạch ném con chó. Ông Phần thấy vậy đã nổi nóng lấy gậy đuổi đánh ông Chốc. Hai bên vật lộn đánh nhau đến khi ngã xuống ao, thấy ông Phần đuối sức, ông Chốc bỏ dậy và đi về. Khi nghe tin vợ bảo ông Phần đã chết, ông Chốc sợ bị anh em của ông Phần trả thù, nên đã cùng gia đình bỏ trốn khỏi địa phương. Trước khi đi, ông Chốc có đến chỗ ông Thuyền phó kể lại sự việc đã xảy ra và nhờ ông này báo cáo với lãnh đạo là mình phải trốn đi nơi khác để tránh sự trả thù của anh em nhà ông Phần.

Đến ngày 27/02/1986, ông Chốc ra trình diện thì bị bắt tạm giam. VKSND TP. Hải Phòng có Cáo trạng truy tố ông Chốc theo Điều 109 Bộ luật hình sự về tội Cố ý gây thương tích. Ngày 25/12/1986, TAND TP. Hải Phòng đã có quyết định tạm tha đối với ông Chốc, chờ xét xử. Sau khi TAND TP. Hải Phòng có bản án sơ thẩm, tại Bản án phúc thẩm hình sự số 819/PT-HS ngày 07/8/1988, TAND tối cao quyết định: “Hành vi của Lại Văn Chốc thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng, không phạm tội”. Sau khi bản án có hiệu lực, ngày 23/8/2013, VKSND TP. Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 163/QĐ-VKS-P1 về việc giải quyết bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự đối với ông Lại Văn Chốc, tổng số tiền bồi thường là 137.377.953 đồng. Sau đó, VKSND TP. Hải Phòng cũng đã có Công văn số 656/VKS- P1 ngày 18/9/2013 gửi về Công ty Đóng tàu Phà Rừng làm căn cứ để phục hồi quyền lợi cho ông Lại Văn Chốc.

leftcenterrightdel
Ông Lại Văn Chốc phản ánh vụ việc với PV báo BVPL. 

Quyết định buộc thôi việc có đúng luật?

Trở lại vụ việc phát sinh về quyết định buộc thôi việc của Công ty Đóng tàu Phà Rừng, sau khi ông Chốc trốn khỏi địa phương thì Giám đốc nhà máy sửa tàu biển Phà Rừng đã ra Quyết định số 82/QĐ-TCCB-LĐ ngày 28/6/1985 thi hành kỷ luật đối với ông Lại Văn Chốc bằng hình thức buộc thôi việc kể từ ngày 15/6/1985, vì cho rằng ngày 15/6/1985, ông Chốc đã bỏ vị trí sản xuất, không đến nhà máy làm việc mà ở nhà gây án mạng chết người. 

Ông Chốc không đồng ý với quyết định của Nhà máy vì ngày hôm đó là ngày nghỉ ca theo quy định của nhà máy nên việc ông không có mặt tại nhà máy không vi phạm 5 điều kỷ luật lao động như Quyết định số 82/QĐ-TCCB-LĐ đã đưa ra.

Điều đặc biệt hơn là sau gần 26 năm, từ ngày bị kỷ luật, đến ngày 13/6/2011, ông Chốc mới nhận được quyết định buộc thôi việc trên. 

Ông Chốc đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lãnh đạo Công ty TNHH đóng tàu Phà Rừng hủy Quyết định số 82/QĐ/TCCB-LĐ ngày 26/06/1985 buộc thôi việc đối với ông trái quy định và xem xét giải quyết chế độ, phục hồi quyền lợi cho ông. 

Ngày 12/8/2014, Công ty TNHH đóng tàu Phà Rừng ra Quyết định số 188/QĐ-TCCB-LĐ “về việc thành lập tổ xử lý vụ việc”. Ngày 28/7/2015, Công ty đã ra Văn bản số 1261 trả lời về việc giải quyết đơn của ông Chốc và cho rằng: “theo quy định của Luật Khiếu nại thì thời hiệu khiếu nại của ông Chốc đã hết”. 

Theo luật sư Nguyễn Cẩm, Trưởng Văn phòng Luật sư Lam Sơn: Khiếu nại của ông Chốc đối với Quyết định số 82 nêu trên, tại thời điểm này pháp luật không quy định thời hiệu khiếu nại, Doanh nghiệp này đã vi phạm Điều 11 Điều lệ ban hành kèm theo Nghị định số 195/CP ngày 31/12/1964. Về thời gian xét kỷ luật: sự việc chưa rõ ràng, nhưng Nhà máy đã ban hành ngay quyết định kỷ luật, không đảm bảo thời gian xét xử lý kỷ luật, không thực hiện đầy đủ các bước thi hành kỷ luật; về thành phần Hội đồng kỷ luật, đối chiếu với Điều 9 Nghị định số 195/CP, Nhà máy cử Phó giám đốc làm Chủ tịch Hội đồng kỷ luật là trái pháp luật. Hồ sơ kỷ luật chưa đầy đủ, không tuân theo mẫu hướng dẫn theo tiết b, điểm 2, mục II Thông tư số 03-LĐ-TT ngày 28/2/1979 của Bộ Lao động; Về nội dung: ông Chốc không bỏ vị trí sản xuất, ngày 15/6/1985, ông không có mặt ở Nhà máy là do được nghỉ ca theo nội quy của Xí nghiệp, nên không vi phạm Điều lệ kỷ luật lao động theo Nghị định 195/CP... Vì vậy, Công ty Đóng tàu Phà Rừng cần phải hủy bỏ Quyết định số 82/QĐ-TCCB-LĐ ngày 26/2/1985, phục hồi quyền lợi cho ông Chốc. 

Quang Chiến