(BVPL) - Hơn 5 năm trở lại đây, gần 20 hộ dân khu phố Sơn Hải, phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn chờ Công ty EITC thực hiện cam kết bồi thường do đơn vị thi công làm hỏng nhà của họ. Về phía công ty EITC dù đã vi phạm Luật xây dựng nhưng vẫn cố tình “chây ỳ” trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với đơn vị thi công… 
 
Trung tâm thương mại – Great Dragon Hotel tồn tại đến bao giờ ?
Trung tâm thương mại – Great Dragon Hotel tồn tại đến bao giờ ?
 
Theo tìm hiểu của PV: sau khi có được mảnh đất vàng đối diện với UBND thị xã Sầm Sơn, Công ty EITC TNHH Điện tử - Tin học – Viễn Thông EITC (gọi tắt là Công ty EITC) có trụ sở tại số 32, ngõ 208 đường Giải Phóng, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã thực hiện các bước như thăm dò bom mìn, kiểm tra môi trường, địa chấn… sau đó mới tiến hành thiết kế công trình. Ngày 28/7/2010 Giám đốc Công ty EITC do ông Nguyễn Hùng Phương ký Hợp đồng số 28, với Công ty CP tư vấn xây dựng dân dụng và đô thị VACC (gọi tắt là Công ty VACC), số 115 phố Vọng, phường Đồng Tâm, Hai Bà Trưng, Hà Nội về việc giao thầu thi công Trung tâm thương mại – Great Dragon Hotel với thiết kế 13 tầng, 2 tầng ngầm với nhiều công năng (khách sạn, karaoke, khu thương mại…) địa chỉ: số 25 đường Lê Lợi, khu phố Sơn Hải, phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa. Tại phần diễn giải phân tích từ ngữ thì tất cả các bản vẻ, bảng tính toán và thông tin kỹ thuật công trình đều do Công ty EITC cung cấp, Nhà thầu chỉ việc thi công theo thiết kế. Nhằm đảm bảo tiến độ xây dựng công trình, ngày 15/8/2010 Cty VACC đã thực hiện Hợp đồng số 8, với Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Hoàng Lập (gọi tắt là Công ty Hoàng Lập), số 2B, Nam Tràng, Ba Đình, Hà Nội về ép, rút và cho thuê cừ thép Larssen. Điều không lường trước, quá trình thi công đã làm gần 20 hộ dân gần kề công trình bị nứt nhà ở kiên cố dẫn đến khiếu nại. Ngày 15/10/2010 Cty EITC đã có Bản cam kết đền bù, nội dung giải quyết “Trong quá trình thi công, ép cọc làm móng đã làm gãy móng, sụt nền và hư hỏng nhà dân…”. Theo đó, ngày 30/12/2011 tại cuộc họp do UBND phường Trường Sơn chủ trì, trong biên bản họp dân lần 2, ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc công ty Cty EITC ký biên bản, khẳng định: 100% các hộ khác gần kề công trình bị nứt tường, trần…được kiểm tra và khắc phục trong 3 tháng. Còn các nhà ở bị hưng hỏng sẽ được đền bù 100% giá trị làm mới. Thế nhưng Công ty EITC đã không thực hiện theo cam kết, ngày 15/7/2013 UBND thị xã Sầm Sơn đã có Công văn số 1215 về việc bồi thường thiệt hại do Công ty EITC, yêu cầu công ty này thực hiện theo cam kết tại biên bản đối thoại giải quyết thiệt hại. Tuy nhiên, Công ty EITC đã phớt lờ Công văn này, dừng thi công và mua Khách sạn của Công ty CP mía đường Lam Sơn gần trăm tỷ đồng để kinh doanh, mặc cho Công ty VACC yêu cầu bồi thường thiệt hại do sơ xuất từ nhà đầu tư trong việc khảo sát, thiết kế dẫn đến nhiều nhà ở của dân bị hỏng nhà. Do Công ty EITC đền bù trên giấy nên các hộ dân bị thiệt hại đã ngăn cản không cho Cty Hoàng Lập vận chuyển 235 cây cừ với tổng giá trị trên 3 tỷ đồng ra khỏi công trình và nhiều thiệt hại khác từ phía đơn vị thi công. 
 
Ông Nguyễn Danh Thuật, trao đồi vố PV
Ông Nguyễn Danh Thuật trao đổi với PV

 

Do Công ty EITC thiếu hợp tác và chối bỏ trách nhiệm, nên ngày 15/9/2015 TAND thị xã Sầm Sơn đã có Bản án số 01 về việc “đòi tài sản và bổi thường thiệt hại”, buộc Công ty EITC phải thu hồi 235 cây thép cừ Larssen trả cho Công ty VACC và bồi thường thiệt hại cho Công ty này hơn 5 tỷ đồng. Ngày 24/2/2016 tại phiên Tòa phúc thẩm đại diện Công ty EITC cho rằng “Tòa sơ thẩm không tiến hành thẩm định số cây cừ để làm căn cứ xác định thiệt hại, nguyên đơn không có quyền khởi kiện nhưng Tòa vẫn thụ lý, thiếu khách quan và không có căn cứ pháp luật vì suy diễn cho Công ty EITC liên quan đến việc không thu hồi được 235 cây cừ”. Điều đã làm cả phiên tòa ngạc nhiên trước sự đồng thuận của Kiểm sát viên làm nhiệm vụ giám sát phiên tòa vì cho rằng “nên hoản phần nghị án để xem xét ý kiến của bị đơn…”. Vị này đã bỏ qua chi tiết, sau khi thi công được vài tháng Công ty EITC đã phải ký vào biên bản cam kết đền bù thiệt hại cho các hộ dân bị hỏng nhà và không quan tâm đến chi tiết “quá trình khiếu nại Bị đơn không yêu cầu Tòa án phải định giá tài sản tranh chấp, Công ty EITC không có biên bản nào thể hiện Cty VACC vi phạm thiết kế thi công”.

 
Câu hỏi đặt ra: Công ty EITC thực hiện Luật xây dựng đã đúng hay chưa? Vì sao từ năm 2010 đến nay công trình 13 tầng xây dựng dở dang phần thô đến tầng 7 thì dừng lại, hiện đang thách thức dư luận và chính quyền sở tại. Công trình này đã thực hiện đúng Luật đầu tư, sẽ làm xấu thị xã du lịch Sầm Sơn, góp phần gây mất trật tự khu vực đến bao giờ ? Vì sao Công ty EITC vi phạm cam kết đền bù cho dân nhưng bị không xử lý dứt điểm…?
 
Phạm Ngọc