(BVPL) - Báo BVPL số 73, ngày 15/9 có bài: Như Xuân (Thanh Hóa) quản lý Nhà nước theo kiểu ..bát nháo. Sau khi báo phát hành, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị - CTCP, do ông Đỗ Đức Ty, Tỉnh ủy viên (khóa 2010 -2015) làm Giám đốc đã di chuyển phương tiện khai thác, vận chuyển đến làng En, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh tiếp tục…trộm tài nguyên, tạo dư luận không đẹp cho Đại hội Tỉnh đảng bộ Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 -2010.
 
Đơn thư công dân phản ánh: Mỏ sét cao lanh tại làng En, xã Trí Nang đã hết phép, nhưng hơn 2 tháng trở lại đây Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng - CTCP đẩy mạnh việc khai thác, vận chuyển sét cao lanh trái phép gia tăng hơn trước. Đoàn xe của công ty vận chuyển suốt từ sáng sớm cho đến tận chiều muộn làm bùn đất vương vãi, tràn ngập mặt đường, gây tai nạn và cản trở giao thông …
 
 Dàn xe của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị - CTCP chực chờ “ăn hàng”
Dàn xe của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị - CTCP chực chờ “ăn hàng”
 
Theo đường Tỉnh lộ 530, chúng tôi đến địa danh khai thác nêu trên. Điểm khai thác sét cao lanh cách TP.Thanh Hóa trên 100km và cách thị trấn Lang Chánh vài chục km. Quá bất ngờ, tại đây có trên chục xe vận tải cỡ lớn mang tên Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị - CTCP dàn hàng chờ máy múc cao lanh lên thùng xe, chở về Khu công nghiệp Lễ môn, TP. Thanh Hóa.
 
  Theo tìm hiểu của PV, mỏ sét cao lanh này được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy phép khai thác cho Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị - CTCP, địa chỉ số 25, phường Phan Chu Trinh,  TP. Thanh Hoá do ông Đỗ Đức Ty, Tỉnh ủy viên làm Giám đốc. Mỏ này được cấp phép lần đầu vào ngày 29/05/2007 theo Quyết định số 1576/QĐ – UBND với diện tích khai thác 60.000 m2, thời hạn khai thác là 36 tháng. Lần 3 được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản và thuê đất số 89/GP – UBND vào ngày 12/07/2013. Tổng Công ty này tiếp tục được khai thác khoáng sản sét cao lanh tại vị trí cũ, diện tích mỏ 60.000 m2, khối lượng khai thác 30.000 m3, công suất khai thác 15.000 m2/năm và thời hạn giấy phép 2 năm.
 
Bãi tập kết sét cao lanh của Tổng Công ty ĐTPDHT đô thị - CTCP
Bãi tập kết sét cao lanh của Tổng Công ty ĐTPDHT đô thị - CTCP
 
Như vậy, đến thời điểm này, mỏ sét cao lanh nêu trên đã hết hạn khai thác hơn hai tháng nay. Thế nhưng đơn vị này vẫn ngang nhiên trộm tài nguyên, khoáng sản của quốc gia, nhưng không bị cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ngăn chặn?
 
Ông Hà Văn Tằm – Chủ tịch UBND xã Trí Nang “vô tư” nói: tôi cứ tưởng công ty này còn hạn khai thác và mới biết khi cán bộ huyện gọi điện kiểm tra phản ánh của nhà báo..?
 
Ông Lê Đức Tiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho biết: việc khai thác, vận chuyển đất sét cao lanh hàng ngày của Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị - CTCP đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến đi khu danh lam thắng cảnh thác Ma Hao và làng nguyên sơ Năng Cát. Hiện, bùn đất chảy tràn, lầy lội, trơn trượt gây mất an toàn đến các phương tiện giao thông. Hệ thống rãnh thoát nước đã bị bồi đắp…
 
Vấn đề, Đại hội Tỉnh đảng bộ Thanh Hóa lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010 -2015 đã bầu Tỉnh ủy viên, đảm trách một công ty lớn của tỉnh nhưng “chuyên trộm” tài nguyên, khoáng sản. Hy vọng, nhiệ kỳ XVIII diễn ra từ ngày 22 đến 25/9, Đại hội đại biểu Tỉnh đảng bộ Thannh Hóa lần này sẽ sáng suốt hơn, chọ được “công bộc”, đức tài, đáng tin cậy và không còn chuyện “trộm” tài nguyên, khoáng sản, nhằm trốn thuế, phí và lệ phí như Công ty của Tỉnh ủy viên nêu trên.
 
Phạm Ngọc
 
Bài II: Ai tiếp tay cho Doanh nghiệp khai thác trái phép?