(BVPL) - Sau nhiều tháng thụ lý vụ án, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Bình Thuận dường như vẫn bất lực trước hành vi chặt bán hàng trăm hecta rừng keo lá tràm để tẩu tán tài sản của ông «trùm» Thanh long Hoàng Hậu- Trần Ngọc Hiệp.
 
Trong khi Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Hàm Thuận khẳng định, đối với vị trí đất tại xã Hàm Kiệm thì từ  đầu năm 2015 cho đến nay, UBND xã không có xác nhận hồ sơ khai thác lâm sản rừng trồng của ông Trần Ngọc Hiệp, cư ngụ tại xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. UBND xã Hàm Cường có xác nhận 3 hồ sơ khai thác của bà Nguyễn Thị Sô (ngụ thôn Phú Hưng, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) theo GCNQSDĐ số BS 283826 và bà  Đỗ Thị Út Sáu (ngụ thôn Phú Nghĩa, xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam) theo GCNQSDĐ số 283835 và ông Nguyễn Duy Hai (ngụ thôn Phú Mỹ, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) theo GCNQSDĐ số BS 283830. Toàn bộ ba hộ dân này lại ký cam kết có cả chứng thực rằng, chủ sở hữu rừng keo lá tràm mà họ đang đứng tên khai thác là ông Trần Ngọc Hiệp?  
 
Giấy cam đoan
Giấy cam đoan
 
UBND huyện Hàm Thuận Nam còn cho biết, ông Hiệp không có bán cây tràm cho Công ty TNHH Lâm Bình An (Đồng Nai) mà chỉ có ba hộ dân nói trên bán cho ông Trương Công Quang (Phó Giám đốc Công ty Lâm Bình An)...Như vậy theo nhận định của cơ quan quản lý địa phương thì rừng keo lá tràm mà ba hộ dân đang khai thác tại xã Hàm Cường không liên quan gì đến tài sản mà ông Hiệp đã từng bán cho Công ty Châu Á TBD. Vì vậy UBND huyện Hàm Thuận Nam không thể ngăn chặn để giữ nguyên hiện trường vụ  án theo đơn đề nghị của Công ty CP Xây dựng và Giao thông Châu á Thái Bình Dương - TP.Vũng Tàu (Công ty Châu Á TBD). Tuy nhiên, theo những tài liệu mà chúng tôi thu thập được trong thời gian gần đây thì cả 3 hộ dân này đều đã thừa nhận, thậm chí cam kết rằng toàn bộ diện tích rừng keo lá tràm mà họ đang khai thác thực chất đều thuộc sở hữu của ông Hiệp. Cả ba đều cho biết họ là người trong gia đình nên chỉ đứng tên giúp ông Hiệp.
 
Vậy tại sao ông “trùm” Thanh long Hoàng Hậu lại không trực tiếp đứng tên bán khu rừng cây là tràm này cho ông Trương Công Quang như đã từng bán cho Công ty Châu Á TBD trước đây mà phải “núp bóng” ba hộ dân này? Đây có phải là chuyện mờ ám, liệu đây có phải là hành vi lách luật để không đối diện với cáo buộc lừa đảo khi cùng một khu rừng keo lá tràm lại bán đến hai lần, thu hai lần tiền của hai đối tượng mua khác nhau?
 
Để thấy rõ bản chất vụ việc, cũng như những việc làm bất minh của ông “trùm” Thanh long Hoàng Hậu không thể không xâu chuỗi lại toàn bộ diễn biến vụ việc. Sau khi ông Hiệp tự nhận mình là chủ sở hữu 500 ha rừng trồng cây keo lá tràm 5 - 6 năm tuổi tại các xã Hàm Kiệm, Hàm Cường (huyện Hàm Thuận Nam) và Tiến Thành (TP.Phan Thiết) rồi bán cho Công ty Châu Á TBD với giá 32,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đo đạc diện tích thực tế được xác định là 427,123 ha (249,810 ha tại xã Hàm Cường, 148,643 ha tại xã Hàm Kiệm và tại xã Tiến Thành là 28,670 ha). Theo đó, tổng giá trị hợp đồng thực hiện chưa đến 27,8 tỷ đồng.
 
Công ty Châu Á TBD đã chuyển vào tài khoản ông Hiệp 8 tỷ đồng và bắt đầu tiến hành khai thác và bán lại cho Công ty Lâm Bình An. Không hiểu vì lý do gì, vừa thực hiện giá trị hợp đồng được khoảng hơn 3,5 tỷ  đồng thì Công ty Châu Á TBD liên tiếp gặp phản ứng từ người dân và chính quyền địa phương và cả đối tác nên tạm phải ngưng khai thác. Trong khi Công ty Châu Á TBD tạm ngưng khai thác thì cũng khu rừng tràm này có 3 hộ dân xuất trình quyền sở hữu và xin được khai thác rừng keo lá tràm này. Sau khi chính quyền địa phương xác nhận và 3 hộ dân tiến hành khai thác thì Công ty Châu Á TBD đã làm đơn tố cáo ông Hiệp lừa đảo bán rừng của người khác?
 
Trong khi cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an tỉnh Bình Thuận đang củng cố hồ sơ vụ án thì ngày 28/7/2015, ông Hiệp đến UBND xã Hàm Cường và được Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Trí xác nhận: “Theo đơn đề nghị xác nhận của ông Trần Ngọc Hiệp, thường trú tại thôn Phú Sum, xã Hàm Mỹ. Thì  ông Hiệp là người trồng và là chủ sở hữu với số keo lá tràm trên như trong đơn ông đã nêu”. Cùng ngày, ông Hiệp đến xã Hàm Kiệm để xác nhận có trồng và sở hữu rừng keo lá tràm tại địa phương này để  đối phó với Cơ quan CSĐT về vấn đề bán rừng của người khác. Mặc dù UBND xã Hàm Kiệm và Hàm Cường đã xác nhận ông Hiệp là người sở hữu khu rừng keo lá tràm này và 3 hộ đang khai thác cũng ký cam kết đây là sở hữu của ông Hiệp nhưng UBND huyện Hàm Thuận Nam lại khẳng định chưa từng xác nhận cho ông Hiệp, và hiện trường khai thác hiện nay là của 3 hộ có xác nhận của chính quyền địa phương. Đáng chú ý, UBND xã Hàm Cường vừa xác nhận ông Hiệp là chủ sở hữu vừa xác nhận sở hữu cho 3 hộ dân khác ngay sau đó.?
 
Theo giới thạo tin tại địa phương, sở dĩ trong thời gian qua ông Hiệp liên tục có những hành động bất thường, biến một số cán bộ địa phương như những con rối trong vụ việc vì ông Hiệp không phải là chủ sở hữu trên mặt pháp lý nên khi Công ty Châu Á TBD yêu cầu ông Hiệp một cung cấp hồ sơ pháp lý là chủ sở hữu hoặc là chịu thuế (người dân trồng trực tiếp bán mới được miễn thuế- PV). Hồ sơ pháp lý không có, lại không muốn chịu tiền thuế (ước tính hơn 2,7 tỷ đồng) nên ông Hiệp mới tránh né. Cũng theo nguồn tin này, trong khi thực hiện hợp đồng ông Hiệp cũng đã biết được Công ty Châu Á TBD bán keo lá tràm của mình với giá 65 triệu/ha nên đã âm thầm liên hệ bán trực tiếp với giá 75 triệu/ha cho Công ty Lâm Bình An. Để trốn khoản thuế phải trả này, ông Hiệp để cho những người trực tiếp đứng tên chứng nhận quyền sử dụng đất bán. Và đề tránh điều tiếng, tranh chấp với Công ty Châu Á TBD, người dân sẽ bán cho cá nhân ông Phó giám đốc Công ty Lâm Bình An. Như vậy, ông Hiệp và Công ty Lâm Bình An không có liên quan gì đến phi vụ mua này dù tiền ông Hiệp nhận, cây keo lá tràm thu và Nhà nước không thu được khoản thuế nào?...
 
Với những bằng chứng và những chứng cứ phát sinh cho đến thời điểm này đã phần nào bộc lộ rõ bản chất của vụ việc. Khu rừng keo lá tràm mà ba hộ dân đang khai thác chính là khu rừng mà ông Trần Ngọc Hiệp là chủ sở hữu thật sự và đã bán cho Công ty Châu Á TBD. Vậy tại sao cơ quan chức năng huyện Hàm Thuận Nam, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đến nay vẫn tỏ ra bất lực trước hành vi có dấu hiệu tẩu tán tài sản này của ông Hiệp? Phải chăng đằng sau ông Hiệp có ai “chống lưng” nên mới ngang tàng xem thường kỷ cương phép luật, bất chấp tất cả để vi phạm pháp luật?
 
Cơ quan CSĐT tỉnh Bình Thuận xử lý ra sao trước hành vi bán một khu rừng cho cả Công ty Châu Á TBD và ông Trương Công Quang để thu 2 lần tiền của ông Hiệp? Ba hộ dân đang khai thác phải chịu trách nhiệm đến đâu với hành vi tiếp tay cho ông Hiệp lừa Công ty Châu Á TBD, qua mặt cơ quan chức năng để trốn hàng tỷ đồng tiền thuế?... Báo BVPL sẽ tiếp tục thông tin diễn biến tiếp theo của vụ việc.
 
Nhóm PVPL