(BVPL) - Như Báo Bảo vệ Pháp luật đã phản ánh chi tiết trên số báo 82 ra ngày 11-10-2013 và 85 ra ngày 22-10-2013 về vụ “ tranh chấp hợp đồng giữa Công ty Vĩnh Tường và Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai”.
|
Khách sạn Wooshu trước đây của công ty Vĩnh Tường nhưng nay đã thuộc quyền sở hữu của Công ty Vĩnh Thiện. |
Xin tóm tắt nội dung như sau: Năm 2011, Công ty Vĩnh Tường vay của Ngân hàng Nam Á số tiền 188 tỷ đồng đã bị chuyển thành nợ xấu do quá hạn mà công ty này vẫn không trả được nợ. Đang đứng trước nguy cơ bị phá sản thì bà chủ tịch HĐTV của Công ty Vĩnh Tường đã gặp bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, thường trú tại Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội để nhờ vay một khoản tiền lớn nhằm “cứu” công ty thoát khỏi nợ nần. Để thuận lợi trong giao dịch bà ta đã bổ nhiệm cho bà Hạnh làm phó giám đốc công ty Vĩnh Tường và giao quyền quản lý, định đoạt hai thửa đất 117 và 150 thuộc tờ bản đồ số 24, phường Tân Mai, Biên Hòa( Đồng Nai). Sau đó bà Nguyễn Thị Bích Hạnh đại diện công ty Vĩnh Tường đã vay của Công ty Orient ( Anh quốc) do bà Đồng Thị Lan làm Đại diện hợp pháp số tiền 209.079.999.093 đồng ( tương đương 10 triệu USD). Mục đích vay được xác định rõ là để Công ty Vĩnh Tường trả nợ gốc và lãi cho Ngân hàng Nam Á với thời gian vay là 9 tháng, lãi suất 1%/tháng. Công ty Vĩnh Tường thế chấp bằng toàn bộ giấy tờ quyền sở hữu hai thửa đất 117 và 150 thuộc tờ bản đồ số 24 phường Tân Mai, Biên Hòa, Đồng Nai và tài sản gắn liền trên đất là Trung tâm khách sạn Wooshu. Trong 3 tháng đầu, Công ty Vĩnh Tường trả đủ cho Công ty Orient tiền lãi suất là 6.223.563.708 đồng, nhưng sau đó thì không trả được một đồng nào hết. Tính đến ngày 12-7-2012, Công ty Vĩnh Tường đã nợ Công ty Orient vay gốc, lãi và lãi phạt là 233.789.249.093 đồng. Toàn bộ số tiền này Công ty Orient đã góp vốn vào Công ty Vĩnh Thiện (Đồng Nai) nên cũng kể từ đó Công ty Vĩnh Thiện trở thành chủ nợ đối với Công ty Vĩnh Tường. Sau nhiều tháng ngày đòi nợ không được, Công ty Vĩnh Thiện đã khởi kiện Công ty Vĩnh Tường ra TAND tỉnh Đồng Nai.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 05/2013/DS-ST ngày 4-7-2013 của TAND tỉnh Đồng Nai tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Vĩnh Thiện đối với Công ty Vĩnh Tường. Buộc Công ty Vĩnh Tường phải có nghĩa vụ giao toàn bộ diện tích đất 1.858,0m2 ( thửa số 117) và diện tích đất 2.111,0m2 ( thửa số 150) thuộc tờ bản đồ số 24, phường Tân Mai, Biên Hòa, Đồng Nai và toàn bộ tài sản gắn liền trên hai thửa đất cho Công ty Vĩnh Thiện. Công ty Vĩnh Tường còn phải xuất hóa đơn VAT theo giá thanh toán là 228 tỷ đồng và phải chịu thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp. Sau đó Công ty Vĩnh Tường đã kháng cáo. Tại bản án phúc thẩm số 317/2013/DS-PT ngày 14-10-2013 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên xử : Y án sơ thẩm, không chấp nhận đơn kháng cáo của Công ty Vĩnh Tường. Ngoài ra Công ty Vĩnh Tường còn phải chịu lệ phí thẩm định giá tài sản là 197.861.167 đồng.
Sau khi bản án phúc thẩm số 317/2013 của TAND Tối cao có hiệu lực pháp luật, bên phải thi hành án là Công ty Vĩnh Tường đã cố tình trì hoãn, không tự nguyện thi hành án nên ngày 28-10-2013, Cục thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định số 09/QĐ-CTHA thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật theo đơn yêu cầu của bên được thi hành án là Công ty Vĩnh Thiện. Quyết định nêu rõ: Buộc Công ty Vĩnh Tường có nghĩa vụ giao toàn bộ diện tích đất 1.858,0m2 ( thửa số 117); diện tích đất 2.111,0m2 ( thửa số 1500 đều thuộc tờ bản đồ số 24, phường Tân Mai, Biên Hòa, Đồng Nai và toàn bộ tài sản gắn liền trên hai thửa đất 117 và 150 cho Công ty Vĩnh Thiện. Công ty Vĩnh Tường phải xuất hóa đơn VAT theo giá thanh toán là 228.000.000.000 đồng và phải chịu thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp. Công ty Vĩnh Tường phải giao nộp cho Công ty Vĩnh Thiện số tiền 197.861.167 đồng chi phí thẩm định giá và lệ phí giám định do công ty này đã nộp tạm ứng trước. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 5 tháng trôi qua mà quyết định trên của Cục thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai vẫn chỉ có giá trị trên giấy mà thôi. Bên phải thi hành án chẳng những không tự nguyện chấp hành mà còn cố tình trốn tránh việc phải thi hành án. Thậm chí, do chậm thi hành án nên hiện nay Công ty Vĩnh Tường còn có hiện tượng tẩu tán, hủy hoại tài sản thi hành án.
Trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ Pháp luật, bà Nguyễn Thị Thanh Yên- Giám đốc Công ty Vĩnh Thiện cho biết: “Theo quy định của pháp luật hiện hành thì sau 15 ngày kể từ ngày ra quyết định thi hành án nếu bên phải thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì Chấp hành viên phải tiến hành biện pháp “ cưỡng chế thi hành nghĩa vụ giao vật”, nhưng đã hơn 5 tháng mà Chấp hành viên mới bắt đầu có kế hoạch xác minh và triệu tập chúng tôi đến để thỏa thuận thi hành án, thậm chí Chấp hành viên còn có hành vi cố tình làm khó bên được thi hành án. Chúng tôi khẳng định là Công ty Vĩnh Tường có đủ điều kiện thi hành án đối với yêu cầu giao quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất. Bằng chứng là Khách sạn Wooshu đang tồn tại hiện hữu; Giấy CNQSDĐ đang do chúng tôi nắm giữ và Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án vẫn đang còn hiệu lực. Vậy mà không hiểu vì lý do gì mà Chấp hành viên lại cố tình trì hoãn không thực hiện việc thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật từ lâu”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Yên cho biết thêm: “Theo pháp luật thi hành án thì Chấp hành viên có trách nhiệm giao trực tiếp hoặc bằng thư bảo đảm cho bên được thi hành án các quyết định, giấy báo, giấy triệu tập về thi hành án. Thế nhưng, Chấp hành viên đã không gửi bất kỳ loại giấy nào cho chúng tôi theo đúng quy định nên dẫn đến việc Công ty Vĩnh Thiện bị áp lực về việc sắp xếp kế hoạch làm việc và đã ảnh hưởng rất lớn về thời gian đi lại, tổn thất tiền bạc, tinh thần. Hành vi của Chấp hành viên đã vi phạm vào điều 39 Luật thi hành án. Hơn nữa, việc Công ty Vĩnh Tường không tự nguyện thi hành án đã vi phạm pháp luật và xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của Công ty Vĩnh Thiện. Vì thế, Công ty Vĩnh Thiện đã rất nhiều lần đề nghị Cục thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định tại điều 71 Luật thi hành án, nhưng Chấp hành viên cố tình trì hoãn và tìm mọi cách để thoái thác trách nhiệm. Hành vi của Chấp hành viên đã vi phạm khoản 7&8 điều 21 Luật thi hành án đó là sách nhiễu, gây phiền hà cho cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thi hành án. Chúng tôi kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần ra quyết định thay đổi Chấp hành viên trong vụ án này”.
Làm việc với phóng viên Báo Bảo vệ Pháp luật, ông Lâm Xuân Bốn- Chánh văn phòng Cục thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai cho biết, sở dĩ đến nay đã hơn 5 tháng trôi qua mà cơ quan thi hành án tỉnh Đồng Nai vẫn chưa thi hành được bản án dân sự phúc thẩm số 317/2013/DS PT của TAND Tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh về tranh chấp hợp đồng giữa Công ty Vĩnh Tường và Công ty Vĩnh Thiện là vì vụ án có liên quan đến yếu tố người nước ngoài. Hơn nữa khi Cục thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai triệu tập đại diện hợp pháp của Công ty Vĩnh Tường đến làm việc thì công ty này đã tỏ thái độ không hợp tác, thậm chí cử người đến làm việc nhưng không có đủ tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, lý do mà đại diện Cục thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai đưa ra là thiếu thuyết phục bởi lẽ, ngày 18-2-2014 Công ty Vĩnh Thiện đã có đơn đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Chủ tịch HĐTV Công ty Vĩnh Tường và cung cấp thông tin như số hộ chiếu, ngày tháng năm sinh của bà ta để có biện pháp xử lý nhưng Chấp hành viên đã “ phớt lờ” không thực hiện theo yêu cầu của Công ty Vĩnh Thiện. Phải chăng là Chấp hành viên trong vụ án này đã có tiêu cực gì?
Đề nghị lãnh đạo Tổng cục thi hành án dân sự, Cục thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai sớm có chỉ đạo việc thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật mà chúng tôi đã nêu trên, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của bên được thi hành án.
Hữu Hoa