(BVPL) - Vừa qua, dư luận đã phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hồng, gây sạt lở bờ bãi, người dân mất đất canh tác, Nhà nước vừa mất tài nguyên, vừa mất tiền thuế… Trong số các nguyên nhân, dư luận cũng đã chỉ ra rằng lỗi không hề nhỏ từ việc cơ quan chức năng đã “dán bùa” cho doanh nghiệp lấy cát trái phép trên sông Hồng.
 
Lợi dụng dự án để làm cát tặc
 
Tháng 11/11 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã thi hành lệnh bắt bà Phạm Thị Nguyệt Nga (46 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Anh Tùng về hành vi “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên” theo điều 172 Bộ luật hình sự.
 
Cát chất cao như núi của Doanh nghiệp Sáu Hằng
Cát chất cao như núi của Doanh nghiệp Sáu Hằng
 
Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Anh Tùng do bà Nga làm giám đốc đăng ký 28 ngành nghề kinh doanh, trong đó có ngành nghề khai thác cát, sỏi, buôn bán vật liệu xây dựng, nạo vét lòng sông. Công ty có bãi kinh doanh vật liệu xây dựng tại bãi Bạc thuộc tổ dân phố Đông Ngạc 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
 
Giữa năm 2014, công ty này ký hợp đồng với Công ty cổ phần đầu tư Xây dựng và Thương mại Sơn Hà lập hồ sơ khảo sát, đề nghị cơ quan chức năng phê duyệt dự án nạo vét đường thủy nội địa, tận thu sản phẩm đoạn cạn Thượng Cát - Võng La.
 
Sau khi Cục đường thủy nội địa Việt Nam (sau đây viết tắt là Cục ĐTND VN) chấp thuận dự án, UBND Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty Anh Tùng, nêu rõ vị trí, khối lượng nạo vét.
 
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, lợi dụng việc này, từ tháng 1 đến tháng 4/2015, công ty của bà Nga đã khai thác cát không đúng vị trí trong giấy phép với tổng khối lượng hơn 835.000 m3, đã bán hơn 450.000 m3 trong. Hội đồng định giá tư pháp xác định thiệt hại cho Nhà nước do việc khai thác cát trái phép này là trên 8,3 tỷ đồng.
 
Ngoài ra, cơ quan cảnh sát điều tra xác định hành vi khai thác cát trái phép còn gây thiệt hại phi vật chất, như sạt lở bờ bãi, đê điều, ảnh hưởng đến dòng chảy, việc đi lại của người dân, gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường và bức xúc trong nhân dân.
 
Với vụ việc này, dư luận cho rằng, nếu không có “lá bù” là được sự chấp thuận của Cục ĐTNĐ VN cho thực hiện dự án “nạo vét đường thủy nội địa” thì liệu Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Anh Tùng có thể khai thác cát trái phép được không?
 
Đi dọc sông Hồng dễ dàng có thể đếm được hàng trăm bãi cát chất như núi cạnh sông và cũng có không ít những dự án nạo vét đã được cấp phép. Liệu trường hợp như Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Anh Tùng lợi dụng dự án để khai thác cát trái phép có phải là trường hợp duy nhất (?)
 
Cục ĐTNĐ có tiếp tay cho doanh nghiệp?
 
Như dư luận đã phản ánh, Doanh nghiệp tư nhận Sáu Hằng (có trụ sở thôn Duyên Linh, xã Đông Ninh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) với chiêu bài xây dựng cảng làm “tấm bình phong” để khai thác cát trái phép đem bán trục lợi. Qua vụ việc này, dư luận cũng cho rằng, Cục ĐTNĐ VN đã “tiếp tay” cho doanh nghiệp này. 
 
Ngày 5/9 vừa qua, Cảng vụ ĐTNĐ Hưng Yên đã phát hiện Doanh nghiệp tư nhân Sáu Hằng đang tiến hành hút cát trái phép và tiến hành lập biên bản xử phạt hành chính Doanh nghiệp này 7,5 triệu đồng.
Chủ Doanh nghiệp tư nhân Sáu Hằng thừa nhận sai phạm hút cát trong mùa mưa lũ nhưng lại chìa ra cho đoàn kiểm tra một tờ “bảo bối” - đó là Công văn của Cục ĐTNĐ Việt Nam chấp thuận cho Doanh nghiệp này xây cảng thủy nội địa Đông Ninh và được múc cát để “cải tạo vùng nước phục vụ thi công xây dựng cảng”.
 
 
Tuy nhiên, lần theo quy trình để được cấp tờ “bảo bối” xây dựng cảng lại thấy nhiều điều bất thường thể hiện việc làm hồ sơ chỉ che đậy hành vi cát tặc công khai.
 
Bến thủy nội địa Sáu Hằng đảm bảo cho tàu thuyền có mớn nước đầy tải đến 2m hoạt động nên đã được Sở GTVT Hưng Yên cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. Thế nhưng, Doanh nghiệp tư nhân Sáu Hằng vẫn có đơn gửi Cục ĐTNĐ VN xin chấp thuận phương án cải tạo vùng nước trước cảng, tức là hút cát với khối lượng 14.733,93 mét khối.
 
Đơn đề nghị của Doanh nghiệp tư nhân Sáu Hằng được Cục ĐTNĐ VN đóng dấu Công văn đến ngày 1/2/2016 thì cũng ngày 1/2/2016 ông Hoàng Minh Toàn - Phó Cục Trưởng - ký Công văn 215/CĐTNĐ-PCTTr chấp thuận cho phép Doanh nghiệp tư nhân Sáu Hằng cải tạo vùng nước trong 60 ngày, phục vụ thi công xây dựng cảng thủy nội địa có khả năng tiếp nhận phương tiện thủy có mớn nước 2m hoạt động.
 
Chưa hết, ngày 29/6/2016, Doanh nghiệp tư nhân Sáu Hằng lại có “Đơn đề nghị chấp thuận lại chủ trương đầu tư xây dựng cảng thủy nội địa” gửi Cục ĐTNĐ VN xin hút tiếp 17.162,50 mét khối cát.
Đơn của Doanh nghiệp tư nhân Sáu Hằng được đóng dấu Công văn đến của Cục ĐTNĐ ngày 4/7/2016 thì ngày 5/7/2016 ông Hoàng Minh Toàn - Phó Cục Trưởng - ký ngay Công văn số 1413/CĐTNĐ-PCTTr chấp thuận đề nghị của Doanh nghiệp.
 
Một điều bất thường nữa là công văn của Cục ĐTNĐ VN luôn “chấp thuận” cho Doanh nghiệp thời gian “thi công” là 60 ngày nhưng không có thời gian bắt đầu và kết thúc. Và như vậy, bất cứ lúc nào cơ quan chức năng có kiểm tra thì việc hút cát sông Hồng cả Doanh nghiệp tư nhân Sáu Hằng cũng được tờ “bảo bối” bảo vệ(!!!)
 
Sau bị dư luận phản ánh về việc khai thác cát trái phép trên sông Hồng, rồi các cơ quan chức năng “sờ gáy”, thì Doanh nghiệp tư nhân Sáu Hằng bất ngờ “xin dừng dự án”.
 
Theo văn bản “về việc xin dừng thực hiện dự án xây dựng cảng” ngày 30/11/2016 được Doanh nghiệp tư nhân Sáu Hằng gửi đến Cục ĐTNĐ VN, Doanh nghiệp này đưa ra lý do không bố trí được “nguồn nhân lực và khả năng tài chính đề nghị Cục ĐTNĐ cho phép Doanh nghiệp tạm dừng dự án đầu tư xây dựng cảng, chỉ tiếp tục hoạt động kinh doanh khai thác bến thủy nội địa”.
 
Với việc Doanh nghiệp tư nhân Sáu Hằng có văn bản gửi Cục ĐTNĐ VN xin tạm dừng dự án đầu tư cải tạo xây dựng cảng với lý do doanh nghiệp không đủ nguồn nhân lực và tài chính. Sau này Doanh nghiệp có đủ nhân lực và khả năng tài chính sẽ tiếp tục thực hiện. Với tình tiết này, dư luận đặt câu hỏi Cục ĐTNĐ VN, cụ thể là Phó Cục trưởng Hoàng Minh Toàn khi chấp thuận cho Doanh nghiệp tư nhân này thực hiện dự án (cấp phép tới 3 lần) có biết về thực tế năng lực doanh nghiệp này hay không, hay vì “một lý do nào đó” để cấp (?!)
 
Với một loạt những nghi vấn, dư luận cho rằng, Cục ĐTNĐ VN, cụ thể là ông Hoàng Minh Toàn  - Phó Cục trưởng tiếp tay cho Doanh nghiệp tư nhân Sáu Hằng lợi dụng dự án để khai thác cát trái phép. 
Theo tìm hiểu của Phóng viên, hiện nay, khu bến bãi của Doanh nghiệp Sáu Hằng chất đầy cát. Hàng ngày, những chiếc xe vài chục tấn lối đuôi nhau vào mua cát của Doanh nghiệp Sáu Hằng. 
 
Theo một vị Phó Chủ tịch UBND xã Đông Ninh (huyện Khoái Châu) phản ánh, khu nhà điều hành của Doanh nghiệp Sáu Hằng xây trên đất 03 của dân và xây trên đất hành lang đê. Hiện UBND xã đã báo cáo vụ việc này lên huyện để xử lý và cơ quan chức năng cũng đã xử phạt Doanh nghiệp Sáu Hằng về hành vi xây dựng trái phép này.
 
Qua 2 sự việc trên mà dư luận đã phản ánh đều có điểm chung là doanh nghiệp lợi dụng dự án để làm cát tặc và đều nổi lên vai trò quan trọng của cơ quan chức năng cấp phép cho dự án. Đã đến lúc cơ quan chức năng, cụ thể là Cục ĐTNĐ VN cần nhìn nhận lại những dự án nạo vét luồng lạch, để tránh việc doanh nghiệp lợi dụng dự án để trục lợi.
 
Hoàng Phong