(BVPL) - Cách đây không lâu, người dân phường Láng Thượng (Đống Đa, Hà Nội) xôn xao chuyện hàng loạt cổ vật tại chùa Nền biến mất một cách bí ẩn. Khi mà các cơ quan chức năng đang tỏ ra “bất lực” trong việc tìm lại thì một số người dân lại “tố” trực tiếp ông Bí thư Đảng ủy phường Láng Thượng bao che cho sư trụ trì đánh mất cổ vật.
Người dân tố cổ vật bị biến mất
Đầu tháng 11, ông Đặng Huynh (SN 1936, nguyên Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm cũ từ năm 1980-1990), vừa có đơn tố giác gửi Công an TP Hà Nội về việc một loạt các cổ vật có niên đại hàng trăm năm bị lấy cắp khỏi Đản Cơ Tự (chùa Nền, phường Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội). Ông Đặng Huynh hiện là Phó Ban quản lý di tích phường Láng Thượng, đặc trách khu di tích chùa Nền.
|
Lư hương cổ này đã biến mất (hình ảnh do người dân lưu giữ lại) Chùa Nền |
Theo đơn tố cáo của ông Huynh, chùa Nền được xây dựng từ thời nhà Lý, có niên đại nhiều thế kỷ. Năm 1992 chùa Nền được Nhà nước công nhận là Di tích văn hóa - lịch sử. Ngôi chùa này có một số đồ thờ là cốt lõi linh khí mang yếu tố tâm linh tối thượng (thuộc hạng mục được Luật Di sản bảo vệ) như: Lư hương cổ chạm nổi hình rồng, văn bia, 4 đạo sắc phong của các triều nhà Nguyễn và các pho tượng đồng cổ trong tòa Cửu Long.
Được biết, 4 sắc phong cổ bị mất từng được đặt trong cung cấm và để trong một chiếc hộp. Chiếc hộp được giao cho trụ trì chùa là sư Thích Đàm Phương trông giữ. Tuy nhiên, từ năm 2012, mặc dù khóa cửa cung cấm không bị bẻ, nhưng không hiểu sao 4 sắc phong trong hộp bỗng dưng biến mất.
Không chỉ sắc phong, mà 4 pho tượng Phật bằng đồng cổ trên tòa Cửu Long cũng không cánh mà bay. 4 bức tượng cổ bằng đồng đen cùng với 5 bức tượng gỗ được gắn trong một vòng tròn lớn đặt tại vị trí cố định, nhưng không hiểu sao tất cả đều biến mất. Đó là chưa kể bát hương cổ, bia cổ từ thời chùa được xây dựng cũng không cánh mà bay.
Điều bất thường là tất cả các cụ cao niên, thậm chí cả các phật tử hàng ngày lên chùa tụng kinh niệm Phật chưa bao giờ được nhà chùa thông báo gì về việc mất các cổ vật này. Chỉ khi phát hiện thấy bát hương, bia cổ và các tượng khác được thay bằng các đồ mới hỏi sư trụ trì mọi người mới hay biết các cổ vật đã bị đánh cắp. Nhiều người đặt dấu chấm hỏi về sự mất tích bí ẩn của các cổ vật ở chùa Nền.
Trong lá đơn gửi đến PV mới đây, ông Nguyễn Đình Tùng và các bô lão, người dân đang sinh sống tại phường Láng Thượng đề nghị các cơ quan chức năng xem xét về phẩm chất, tư cách và có hình thức xử lý đối với ông Bí thư Đảng ủy phường Láng Thượng. Họ cho rằng, trong những năm qua, ông Tám đã có những sai phạm liên quan đến việc quản lý xã hội, về hoạt động tôn giáo tại Đản Cơ Tự (chùa Nền).
Cụ thể, trong năm 2011, 20112 và 2013, ni sư Thích Đàm Phương, trụ trì chùa Nền đã đánh mất rất nhiều cổ vật của chùa. Mặc dù khi đó người dân có ý kiến UBND phường phải truy tìm, làm rõ việc đánh mất cổ vật nhưng ông Bí thư khi đó là Chủ tịch UBND phường không có động thái vào cuộc và trả lời cho người dân. Từ đầu năm 2015, các Phật tử và người dân trong phường đưa đơn kiến nghị, tố giác, yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, ông Trưởng công an phường cho biết không nhận được bàn giao nhiệm vụ trên, mãi đến tháng 11/2015, công an quận Đống Đa mới thụ lý tiến hành điều tra. “Như vậy, trước đây, ông Bí thư đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn không thông báo kết quả điều tra, không lưu hồ sơ mất cổ vật, không báo cáo lên cấp trên vụ việc nghiêm trọng để bao che trách nhiệm đánh mất cổ vật cho ni sư Thích Đàm Phương”, ông Tùng khẳng định.
Lãnh đạo phường Láng Thượng nói gì?
Không dừng lại ở đó, theo ông Tùng, trong thời gian làm trụ trì chùa Nền, ni sư Thích Đàm Phương còn đưa 12 pho tượng mới và đôi sư tử đá vào chùa. Huy động các Phật tử góp tiền để dựng mới một ngôi nhà 52m2 có khung bằng thép, lợp mái tôn, án ngữ trước sân Tam Bảo. Tuy nhiên, ông Bí thư khi đó là Chủ tịch UBND phường đã làm ngơ không xử lý, ngược lại còn công nhận bằng thông báo số 143 ngày 8/10/2014 do chính ông ký với nội dung : “Bổ sung 12 pho tượng gỗ là các tượng phật, Bồ tát…thường thấy trong hệ thống tượng thờ bài trí phổ biến các ngôi chùa Phật giáo miền Bắc nước ta”.
Tháng 3/2014, sau khi ni sư Thích Đàm Phương rời khỏi chùa, ông Bí thư khi đó là Chủ tịch UBND phường đã thành lập “Tiểu ban quản lý di tích chùa Nền”, đặt chùa Nền dưới sự quản lý điều hành hoạt động trực tiếp của chính quyền địa phương. Ông Tùng và người dân phường Láng Thượng cho rằng, việc làm trên đã vi phạm Pháp lệnh tôn giáo của Nhà nước. Đồng thời ông Bí thư còn phát biểu, đe dọa trong sinh hoạt các chi bộ rằng : “Gia đình nào có người tham gia vào những sự việc của chùa Nền sẽ bị xem xét trong việc công nhân Gia đình Văn hóa”.
Sau đó, tháng 5/2015, ông Bí thư phường đã trực tiếp đưa người của chùa Phúc Lâm (một ngôi chùa khác do ni sư Thích Đàm Phương là trụ trì –PV), đại diện các ban ngành và lực lượng công an phường đến chùa Nền tháo dỡ công trình nhà 52m2 xếp tất cả vật liệu lên xe chuyển đi đâu không ai biết.
Để tìm hiểu rõ về nội dung này, PV đã liên hệ với ông Bí thư Đảng ủy phường Láng Thượng. Trao đổi với PV, ông này khẳng định: “Tôi cũng biết qua về nội dung lá đơn kiến nghị của ông Nguyễn Đình Tùng rồi. Tôi khẳng định, tất cả các nội dung đó hoàn toàn không đúng sự thật”.
Ông Bí thư giải thích, việc mất cổ vật xảy ra từ năm 2011, khi đó tôi đã là Chủ tịch UBND phường Láng Thượng, không còn là Trưởng công an phường nữa. Trách nhiệm điều tra khi đó là của công an phường và công an quận Đống Đa. UBND phường không có trách nhiệm điều tra trong sự việc này.
Về việc ni sư Thích Đàm Phương tự ý xây dựng ngôi nhà 52m2 trước sân Tam Bảo, ôn Bí thư cho biết, UBND phường đã tiến hành lập biên bản và báo cáo lên UBND Quận Đống Đa. “Năm 2013, bà Phương tự ý dựng mái tôn trước nhà Tam Bảo. Chúng tôi xét thấy công trình này vi phạm nên đã yêu cầu bà ấy dỡ bỏ. Tuy nhiên, bà Phương chưa kịp dỡ thì người dân đã đuổi đi rồi. Ngày 20/5/2015, UBND quận Đống Đa đã có công văn số yêu cầu UBND phường phải khẩn trương chỉ đạo các lực lượng liên quan xử lý nghiêm, dứt điểm việc xây dựng không phép. Sau đó, bà Phương đã đề nghị được tự tháo dỡ công trình. Còn mái tôn, kèo cột bằng sắt để làm ngôi nhà trước cửa Tam Bảo là do một Phật tử cung tiến. Hôm dỡ, người này cũng có mặt và sau đó đã lấy lại toàn bộ số đồ đã cúng tiến này. Đây không phải là tài sản của chùa”.
Cũng theo ông Bí thư việc người dân cho rằng ông ký quyết định cho phép bà Phương đem 12 pho tượng vào chùa là không chính xác. Bởi trước đó, người dân có cung tiến 12 pho tượng này, bà Phương và ban di tích đã đưa vào chùa để thờ. Từ 2010-2013, người dân đến đây nhang khói, cầu cúng không ai có ý kiến gì cả. Tuy nhiên năm 2014, khi người dân có phản ánh việc này, UBND phường đã mời Sở, Phòng Văn hóa và giáo sư Trần Lâm Biền, người chuyên nghiên cứu về đồ thờ về để khảo sát. Sau khi xem 12 pho tượng, cả Sở, Phòng và giáo sư Trần Lâm Biền đều khẳng định các đình chùa đều có thờ tự những tượng Phật này. “Sở, Phòng Văn hóa đã yêu cầu chúng tôi trả lời vấn đề này cho người dân. Nhưng người dân vẫn không đồng ý. Và sau đó, tôi đã làm theo ý người dân và yêu cầu sư Phương phải chuyển số tượng đó đi khỏi chùa”, ông nói.
“Còn việc người dân nói tôi tự ý thành lập Tiểu ban Quản lý di tích đặt chùa nền dưới sự quản lý của Chính quyền, vi phạm Pháp lệnh tôn giáo là không đúng. Bởi sau khi sư trụ trì rời khỏi chùa, UBND Quận đã có thông báo yêu cầu UBND phường phải thành lập Tiểu ban Quản lý di tích, không phải báo cáo Giáo hội Phật giáo. Tiểu ban Quản lý di tích này khi đó được giao cho một đồng chí Phó chủ tịch UBND phường phụ trách văn hóa làm trưởng ban”, ông Bí thư giải thích.
Đức Thắng