(BVPL) - Như báo BVPL đã phản ánh: Dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng công tác quản lý chất lượng có dấu hiệu bị thả nổi. Đó là thực trạng chủ đầu tư là Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh và đơn vị tư vấn giám sát không làm tốt công tác quản lý ở công trường, để đơn vị thi công mặc sức “tung hoành” tuồn đất núi k95 không đạt chuẩn vào công trình!
Để có đất núi k95, k98 làm nền đường cao tốc trong gói thầu XL 02, XL 03, tỉnh Quảng Ninh đã quy hoạch hẳn khu Trại Thành, phường Đông Mai, thị xã Quảng Yên. Thế nhưng đơn vị thi công là Công ty xây dựng Xuân Trường lại không hề lấy ở đây. Lý do công ty này đưa ra để đi gom một lượng đất “thổ phỉ” không nhỏ là đường vận chuyển ở khu tỉnh giao quá xa, công tác giải phóng mặt bằng khó khăn (vừa lâu, lại mất nhiều tiền – PV), đất đạt chuẩn ít (!)
Không lấy đất núi ở khu tỉnh giao, đơn vị thi công Công ty Xuân Trường đã đi gom đất của khoảng 7 đơn vị cung cấp. Với nhu cầu 1 triệu m3 cát, 2 triệu m3 đất san nền đã vô tình biến núi, rừng ở thị xã Quảng Yên như một đại công trường. Có nơi dùng cách này cách khác để “lách luật”, có nơi trắng trợn múc đất đem bán như đã phản ánh ở số báo trước. Mất núi, mất đất kéo theo đó thị xã Quảng Yên cũng như tỉnh Quảng Ninh còn mất cả thuế tài nguyên!.
Theo đơn vị thi công Công ty Xuân Trường cho biết, đơn vị này mua đất núi một số công ty như: Công ty Tuyến Xuyên; Công ty Sáng Đạt, Công ty Thuận Thiên, Công ty Quỳnh Vân; Công ty Trường Lộc, Công ty Linh Nga. Nhưng theo tìm hiểu của phóng viên hơn một nửa số công ty này khai thác đất trái phép ở thị xã Quảng Yên.
Ngoài 3 hộ dân được UBND thị xã Quảng Yên “tạo điều kiện” cho phép hạ cốt đồi rừng là: hộ ông Đỗ Văn Đức, bà Vũ Thị Thêm, ở phường Cộng Hòa; ông Đặng Văn Nho ở phường Đông Mai; ông Phạm Văn Hoa, bà Nguyễn Thị Nguyệt tại xã Tiền An. Tương ứng với 3 hộ dân trên là một số doanh nghiệp “liên kết” để lấy đất “hợp pháp” là: Công ty Bình Khánh; Công ty Linh Nga… Bên cạnh đó, có Công ty Quỳnh Vân thực hiện dự án của Bộ Quốc phòng số còn lại là khai thác đất núi trái phép. Việc khai thác đất núi trái phép dẫn đến thị xã Quảng Yên mất núi và mất thuế tài nguyên.
Theo ông Phạm Đức Khang – Chi cục trưởng Chi cục thuế thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh cho biết: Trong số 3 hộ dân được phép của thị xã cho hạ cốt đồi rừng thì không một hộ dân nào khai báo đóng thuế. Còn về phần doanh nghiệp lấy đất núi trên địa bàn thị xã Quảng Yên thì chỉ có 3 đơn vị đóng thuế là Công ty Quỳnh Vân, Công ty Tuyến Xuyên và Công ty Linh Nga. Ba đơn vị này có mua của các hộ này và nộp thay thuế tài nguyên cho 3 hộ trên hay không thì chúng tôi phải kết hợp với cơ quan chức năng của Thị xã đi kiểm tra mới biết được!”.
Việc không chỉ dừng lại việc một số đơn vị cung cấp đất núi cho Công ty Xuân Trường lấy đất núi trái phép và trốn thuế tài nguyên, mà có một số công ty có biểu hiện của hành vi buôn bán hóa đơn. Theo một doanh nghiệp trên địa bàn cho biết, nếu thế tài nguyên phải nộp là 1 tỷ đồng thì các loại thuế khác như thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp tính ra phải nộp khoảng 2 tỷ đồng nữa. Vì vậy, nếu công tác quản lý tài nguyên của thị xã Quảng Yên và các ngành chức năng của tỉnh Quảng Ninh không tốt, Nhà nước sẽ mất đi nhiều tỉ đồng tiền thuế tại dự án này.
Công ty Sáng Đạt, theo Công ty Xuân Trường là có cung cấp đất và còn dẫn phóng viên ra đoạn mà Công ty Sáng Đạt đổ đất. Nhưng khi phóng viên ghi nhận được người ghi hóa đơn đoạn mà Công ty Sáng Đạt đổ đất lại là tên Công ty Trường Lộc. Ngay cả ông Nguyễn Văn Thế - Chỉ huy công trường của Công ty Xuân Trường cũng không hề hay biết việc này. Đến mức ông này tức giận đuổi người ghi hóa đơn về và hỏi nhân viên Công ty Trường Lộc là công ty nào? Sự việc trên của Công ty Sáng Đạt khiến dư luận càng hoài nghi về việc có tình trạng buôn bán hóa đơn để trốn thuế.
Khi phóng viên liên lạc hỏi ông Quang – chủ doanh nghiệp Sáng Đạt thì ông Quang nói “Tôi thường xuyên ở Ninh Bình, ít ra Quảng Ninh lắm nên không thể gặp được. Còn công ty Trường Lộc là công ty “liên kết” với chúng tôi đổ đất cho Xuân Trường. Hồ sơ chúng tôi đã cung cấp cho nhà thầu và Ban quản lý dự án rồi…”.
Công ty Thuận Thiên không chỉ cung cấp đất núi cho Công ty Xuân Trường, mà còn cung cấp hầu như toàn bộ cát san lấp cho đơn vị này. Theo thông tin được biết, ở Hải Phòng Công ty Thuận Thiên không được cấp mỏ khai thác cát san lấp. Nếu thông tin này là đúng thì gần 1 triệu m3 cát cuả Công ty Thuận Thiên cung cấp cho Công ty Xuân Trường được lấy ở đâu? Và nếu không lấy nguồn cát ở Hải Phòng thì khả năng phản ánh của người dân sống dọc Sông Chanh phản ánh “cát cung cấp cho dự án cao tốc Hạ Long – Hải Phòng khai thác trái phép ở Sông Chanh” là có cơ sở.
Có hay không việc đơn vị thi công “bắt tay” với doanh nghiệp khai thác đất núi trái phép, “tuồn” đất k95 không đạt chuẩn vào công trình? Một số đơn vị có dấu hiệu buôn bán hóa đơn để trốn thuế? Chủ đầu tư “thả nổi” chất lượng dự án?...Với một loạt vấn đề “nhức nhối” đang diễn ra ở dự án cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, dư luận đang trông chờ sự vào cuộc của tỉnh Quảng Ninh./.
Hoàng Hưng – Quang Chiến