Phản ánh đến PV Báo Bảo vệ pháp luật, gia đình anh Nguyễn Hoàng Đệ (phường 14, quận Gò Vấp, TP HCM) cho biết đang đứng trước nguy cơ mất hơn 400m2 đất. Thửa đất của gia đình anh Đệ mua từ 2018 (tại ấp 3, xã Bình Mỹ)  thuộc thửa đất số 1, tờ bản đồ số 3 và được cấp GCNQSDĐ (số BP 097350; CH 06834) với tổng diện tích 1.091m2.

leftcenterrightdel
 Con đường "ăn" vào khu đất gia đình anh Đệ.

Theo anh Đệ, Ban quản lý dự án Rạch Cống Chùa (xã Bình Mỹ là chủ đầu tư) đã tự ý lấn chiếm hơn 400m2 đất của gia đình làm đường giao thông ven rạch Cống Chùa mà gia đình không hề hay biết, sự việc vỡ lỡ khi dự án đang trong quá trình thi công, UBND xã Bình Mỹ liền tổ chức cuộc họp ngày 20/2/020 với biên bản thừa nhận những sai phạm trên và đồng ý cắt giảm khối lượng công trình và trả lại nguyên trạng diện tích đất bị lấn chiếm cho gia đình anh Đệ.

Tuy nhiên, UBND xã đã “hứa lèo” khi phá vỡ cam kết với gia đình anh Đệ, vẫn chỉ đạo cho đơn vị thi công tiếp tục thực hiện công trình lấy mất hơn 400m2 đất của dân. Trước việc cố ý gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của gia đình, anh Đệ đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư là UBND xã Bình Mỹ dừng thi công, trả lại nguyên trạng đất thì lãnh đạo UBND xã lòng vòng né tránh.

leftcenterrightdel
Xã đề nghị hiến đất vì không có kinh phí bồi thường. 
Anh Đệ cho biết, vài tháng không ghé thăm đất, gia đình anh Đệ “tá hỏa” khi phát hiện một con đường đất chạy dài ngay trên mảnh đất gia đình. “Không hiểu họ thi công kiểu gì, khảo sát, đo vẽ dự án ra sao mà họ làm hẳn một con đường đi ngang trên phần đất của gia đình tôi, đất tôi mua chính chủ, đã được cấp sổ hẳn hoi…vậy mà giờ trở thành đất công cộng. Tôi đã lên xã nhiều lần, bà Thúy chủ tịch xã viện cớ bận họp nhiều lần né tránh không tiếp, anh phó chủ tịch xã thì chỉ nói đường giờ đã làm rồi khuyên gia đình…nên hiến đất”.
leftcenterrightdel
 Xã đề nghị giải pháp khắc phục là tiếp tục đề nghị dân “hiến đất” vì công trình đã làm rồi.
Được biết, dự án công trình Rạch Cống Chùa này thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới nên chủ yếu là vận động dân và hoàn toàn không có kinh phí giải tỏa, đền bù. Vì vậy việc khảo sát không kỹ, không vận động dân, cố tình làm sai…là những nguyên nhân khiến dân bị  mất oan phần đất trị giá gần 3 tỉ đồng.

Để làm rõ thông tin bạn đọc phản ánh, PV đã gặp bà Đỗ Thị Thanh Thúy – Chủ tịch UBND xã, kiêm chủ đầu tư thì bà lại từ chối trả lời vì bận họp và nói gặp cấp phó của mình.

Trao đổi với PV, ông Trần Quang Thái (Phó Chủ tịch UBND xã) cho biết, xã đề nghị giải pháp khắc phục là tiếp tục đề nghị dân “hiến đất” vì công trình đã làm rồi, tiền bồi thường, giải tỏa lại không có./.
Nguyễn Lánh