(BVPL) - Báo Bảo vệ pháp luật số 102 ra ngày 20/12/2013 có đăng bài “Vì đâu một Thiếu úy Công an bị tan cửa nát nhà?” phản ánh đơn kêu oan của ông Hứa Văn Cường, nguyên cán bộ Phòng Hậu cần Công an tỉnh Bắc Kạn trong việc ông bị kết án về hai tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” và “Mua bán gỗ trái phép”. Để tìm hiểu rõ vụ việc, chúng tôi đã có nhiều chuyến công tác tại Bắc Kạn và Hải Phòng để thu thập tài liệu cũng như tìm gặp các nhân chứng. Chúng tôi đã thu thập được khá đầy đủ về các thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ án. Trong bài này, chúng tôi xin đưa ra một số nhân chứng, vật chứng cụ thể để bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn về vụ việc.
 
Theo bản án số 21/2009/HSPT, ngày 28-4-2009, của TAND tỉnh Bắc Kạn, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Trong khoảng thời gian từ tháng 7-2005 đến ngày 8-5-2006, Hứa Văn Cường đã có 5 lần mua bán gỗ trái phép của Nguyễn Xuân Khoát để bán kiếm lời, cụ thể như sau: thứ nhất, bán cho Đặng Văn Sy, ở thôn 8, Việt Tiến, Vĩnh Bảo, Hải Phòng với khối lượng 12m3 gỗ xẻ; thứ hai, bán 02 chuyến cho Nguyễn Tiến Mạnh ở xóm 7, Sơn Cẩm, Phú Lương, Thái Nguyên tổng cộng 17,5m3 gỗ xẻ; thứ ba, bán cho bà Vi 02 chuyến, tổng cộng là 20 m3 gỗ xẻ. Để chứng minh những con số trên, bản án đã đưa ra một số lời khai của ông Sy, ông Mạnh và bà Vi bằng trích bút lục. 
 
Tuy nhiên, đáng lưu ý, trong ba lời khai gọi là nhân chứng trên thì bà Vi cho biết, bà đã có đơn tố cáo nhiều lần đối với cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Kạn, nhưng chưa được giải quyết. Trong đơn cũng như trực tiếp chúng tôi gặp bà tại Hải Phòng, bà Vi cho rằng đây là vụ bắt vô cớ, dọa nạt, ép cung của Công an huyện Bạch Thông nhằm “xử lý” ông Hứa Văn Cường (?) Bà Vi còn cho biết thêm, bà phải nộp phạt tổng cộng là 40 triệu đồng, nhưng trong phiếu thu tiền phạt hành chính chỉ ghi có hơn 30 triệu đồng (?) Còn ông Cường cũng khẳng định, hoàn toàn không có việc ông  mua gỗ trái phép của ông Khoát vào khoảng 2005 đến 2006, mà ông chỉ mua gỗ của ông Khoát một lần duy nhất vào năm 2003. Lần mua này được thể hiện rõ trên hóa đơn (tức là ông Cường mua của ông Khoát rồi bán cho ông Sy), có hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) của Lâm trường Bạch Thông phát hành ngày 16-10-2003, hóa đơn số 073217, mẫu số: 01DTKT-3LL ký hiệu AS/2003B, do Giám đốc Lâm trường Nguyễn Sơn Hà ký. Trong hóa đơn này ghi rõ: “ông Nguyễn Xuấn Khoát là người mua hàng, địa chỉ trả hàng tại Hải Phòng, tên hàng hóa, dịch vụ là gỗ xẻ - N5-7, đội 3 (thực hiện), số lượng là 14,089m3, thành tiền là mười ba triệu bảy trăm hai mươi bảy nghìn bốn trăm linh chín ngàn”; thứ hai, đối với bà Vi và ông Mạnh không phải mua gỗ của ông Cường qua ông Khoát mà trực tiếp nhận ngay ở Lâm trường Bạch Thông, cụ thể: hóa đơn GTGT của Lâm trường phát hành ngày 27-2-2003, mẫu số 01DTKT-3LL kí hiệu 02-B, CH036076, người mua hàng là Nguyễn Tiến Mạnh, địa chỉ Thái Nguyên, nội dung hóa đơn ghi rõ: tên hàng hóa, dịch vụ: gỗ tròn, N5+6+7 vòng dây 120cm, số lượng 12,622m3, thành tiền là tám triệu tám trăm chín mươi tư nghìn năm trăm bảy mươi mốt đồng, do Giám đốc Lâm trường Nguyễn Sơn Hà kí; thứ ba, hóa đơn GTGT của Lâm trường phát hành ngày 31-3-2003, mẫu số 01DTKT-3LL, ký hiệu 02-B, CH036107, người mua hàng là Lê Thị Vi, địa chỉ phường Lạch Tray – Hải Phòng, nội dung hóa đơn: tên hàng hóa, dịch vụ: gỗ xẻ KTCB, nhóm 5 đến 8, số lượng là 15,13m3, thành tiền là mười sáu triệu hai trăm bốn mươi lăm nghìn chín trăm đồng, do Giám đốc Lâm trường Nguyễn Sơn Hà kí. Thật ra, còn một lần nữa ông Cường mua gỗ của Lâm trường (do vợ ông Cường lúc đó là bà Hà Thị Huyền nộp tiền), được thể hiện trong hóa đơn GTGT của Lâm trường phát hành ngày 6-8-2003, mẫu số hóa đơn DTKT-3LL, ký hiệu 02-B, HK028492, có nội dung là: tên hàng hóa, dịch vụ: gỗ xẻ - nhóm 5,6,7,8, số lượng là 14,61m3, số tiền là: mười hai triệu không trăm tám mươi ba nghìn chín trăm bốn mươi lăm nghìn đồng, do Giám đốc Lâm trường Nguyễn Sơn Hà kí. Bốn hóa đơn này được thể hiện ở “biên bản giao nhận chứng từ”, ngày 12-12-2013, của Lâm trường Bạch Thông do Phó Giám đốc, Lục Thế Trung ký.
Qua một số thông tin trên, thì tổng cộng ông Cường đã mua bốn lần gỗ, một lần mua của ông Khoát rồi bán cho ông Sy ở Hải Phòng; ba lần còn lại, ông Cường mua của Lâm trường rồi bán lại cho ông Mạnh ở Thái Nguyên, bà Vi ở Hải Phòng và một số người ở Bắc Kạn. Đáng chú ý nhất là tất cả 4 lần ông Cường mua bán gỗ đều diễn ra trong năm 2003, chứ không phải ông mua gỗ trái phép của ông Khoát trong khoảng thời gian tháng 7-2005 đến ngày 8-5-2006 (như khẳng định trong Bản án số 21/2009/HSPT ngày 28-3-2009 của TAND tỉnh Bắc Kạn). Vậy phải chăng ông Cường còn có vụ mua bán nào khác đối với ông Khoát rồi bán cho ông Sy, bà Vi, ông Mạnh, như Công an huyện Bạch Thông đã điều tra?! Trong quá trình xác minh, tìm hiểu về vụ án này, chúng tôi còn được cung cấp thông tin cho biết “…Kết luận của Công an huyện Bạch Thông đối với ông Cường hai lần đưa lên Viện kiểm sát huyện Bạch Thông đều  bị trả lại… mãi tới khoảng hai tháng sau, Viện kiểm sát mới nhận… và hồ sơ này có dấu hiệu không minh bạch…”. Chúng tôi sẽ tiếp tục thẩm định thông tin và phản ánh tới bạn đọc.
 
T.Phong - M.Tuấn