TAND tỉnh Tuyên Quang vừa mở phiên tòa xét xử đối với Nguyễn Thị La (SN 1960, phường Tân Quang, TP. Tuyên Quang – Tuyên Quang) và Nguyễn Thị Dung (SN 1958, phường Tân Quang, TP. Tuyên Quang) về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Phiên tòa đã phải hoãn nhiều lần, để cơ quan tiến hành tố tụng bổ sung các căn cứ pháp lý, chứng minh hành vi phạm tội của các bị can nêu trên, khi luật sư đưa ra các chứng lý xác định đây là các quan hệ dân sự, không có hành vi phạm tội hình sự.

 
Theo hồ sơ vụ án, trong thời gian từ 10/12/2009 đến 1/4/2010, Nguyễn Thị La đã vay 847.000.000 đồng;  Nguyễn Thị Dung đã vay 1.509.700.000đ của bà Nguyễn Thị Lạng (trú tại phường Tân Quang, TP Tuyên Quang).
 
Mục đích La và Dung vay tiền nói là để làm thủy điện ở Hà Giang, nhưng hai bị cáo đã không làm thủy điện mà chiếm đoạt số tiền vay của bà Lạng. Từ tháng 12/2009 đến 01/2010, Dung và La đã trả lãi cho bà Lạng được 157 triệu đồng. Bà La sau đó đã khắc phục hậu quả, trả hết tiền cho bà Lạng. 
 
 
Tranh tụng tại phiên tòa, luật sư Hoàng Văn Hướng (Văn phòng luật sư Hoàng Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng Nguyễn Thị La không phạm tội, việc vay nợ giữa Nguyễn Thị La, Nguyễn Thị Dung với bà Nguyễn Thị Lạng chỉ là tranh chấp dân sự. Bởi các lẽ sau: 
 
Việc Nguyễn Thị La vay tài sản của bà Nguyễn Thị Lạng là rõ ràng, tuy nhiên Nguyễn Thị La không dùng thủ đoạn gian dối, không bỏ trốn và cũng không sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp.
 
Ngày 10/8/2010, bà Nguyễn Thị Lạng làm đơn tố cáo Nguyễn Thị La đến cơ quan công an. Ngày 12/8/2010, một mình Nguyễn Thị Dung viết giấy vay, nhận nợ với bà Lạng với mục đích “vay tiền làm thủy điện Hà Giang”, La không biết mục đích này. Việc viết giấy vay và nhận nợ ghi mục đích làm thủy điện Hà Giang là do bà Lạng yêu cầu ghi vào.
 
Thời điểm này, cơ quan điều tra đã nhận được đơn tố cáo của bà Lạng, nên việc bà Lạng yêu cầu viết thêm giấy vay ngày 12/8/2010, với mục đích làm thủy điện Hà Giang để từ đó điều tra khởi tố Dung và La là không khách quan và đúng với bản chất của vụ việc, đây không thể coi là hành vi gian dối để khởi tố Dung và La.
 
Hơn nữa, trong giấy vay tiền của Dung và La với bà Lạng còn thể hiện mục đích vay kinh doanh, nên kể cả có việc vay làm thủy điện Hà Giang thật mà chưa đầu tư vào thủy điện thì cũng không phạm tội. Từ đó có thể khẳng định rằng La và Dung không có hành vi gian dối, cũng không bỏ trốn. 
 
Đồng thời, số tiền Nguyễn Thị La và Nguyễn Thị Dung vay của bà Lạng đã cho Ngô Thị Hoa (trú tại TP. Tuyên Quang) vay lấy lãi, việc này không vi phạm pháp luật mà là một quan hệ dân sự vay tài sản thuần túy, số tiền đối chiếu khoản Dung và La vay của bà Lạng với khoản Dung và La cho Ngô Thị Hoa vay còn nhỏ hơn, nên Dung và La không sử dụng tiền vay của bà Lạng gian dối và không mất khả năng thanh toán hay có ý chí chiếm đoạt. Việc Dung và La chưa trả được tiền vay cho bà Lạng chỉ vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo quy định tại bộ luật Dân sự.
 
Cũng tại phiên tòa sơ thẩm, khi Hội đồng xét xử và luật sư hỏi Ngô Thị Hoa (người đã vay tiền của La): Nguyễn Thị La có dùng vũ lực hay gian dối khi cho Hoa vay tiền không? Ngô Thị Hoa đã khẳng định không bị Nguyễn Thị La ép buộc hay gian dối. Như vậy càng rõ ràng là một quan hệ dân sự. Luật sư Phương Hữu Tuyến (Đoàn luật sư Hà Nội) khi nghiên cứu hồ sơ vụ án cho rằng: Hồ sơ vụ án rất mâu thuẫn qua các lời khai chứng cứ, chưa phản ánh sự thật khách quan. Đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Tuyên Quang xem xét lại các căn cứ pháp lý nêu trên để bản án đảm bảo khách quan, có căn cứ.
 
NHÓM PV