(BVPL) - Với quy mô 40ha, trải dài 2km bờ biển thuộc xã Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa), dự án Resort Eureka - Linh Trường được đánh giá là “điểm nhấn” du lịch cho vùng quê nghèo ven biển này. Tuy nhiên, trong quá trình “vừa đầu tư, vừa khai thác”, Công ty CP Bất động sản 126 (địa chỉ: 175 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) do khó khăn về vốn nên dự án hoạt động rất cầm chừng, chủ đầu tư có dấu hiệu lừa đảo khách hàng… 
 
1 căn hộ - bán 2 khách 
 
Theo tài liệu phóng viên thu thập được, ngày 12/3/2011, bà Nguyễn Thị Nhuận (trú tại P.307, nhà CT4-4, khu đô thị mới Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm, Tp. Hà Nội) ký hợp đồng với đại diện Công ty CP Bất động sản 126 mua căn hộ số 3504 - chung cư Sapphire. Nội dung hợp đồng thể hiện: Căn hộ có diện tích 54m2, tầng 6, đơn giá: 10 triệu đồng/m2, tổng giá trị căn hộ là 540 triệu đồng. Căn hộ dự kiến sẽ bàn giao vào ngày 31/8/2011. Theo thỏa thuận, khách hàng mua căn hộ sẽ nộp tiền cho Công ty CP Bất động sản 126 thành 5 đợt. 
 
Chung cư Sapphire tại khu nghĩ dưỡng
Chung cư Sapphire tại khu nghĩ dưỡng
 
Mặc dù chưa ký hợp đồng, nhưng ngày 25/12/2010, bà Nhuận đã “đặt cọc” cho Công ty CP Bất động sản 126 số tiền 100 triệu đồng. Ngày 12/3/2011, theo thông báo của phía công ty, bà Nhuận tiếp tục nộp 100 triệu đồng nữa và cả 2 bên chính thức ký kết hợp đồng mua bán căn hộ nêu trên. Ngày 27/6/2012 bà Nhuận nộp lần tiền cuối cùng theo thông báo của công ty. Tổng số tiền bà Nhuận đã nộp để mua căn hộ đến nay là 550 triệu đồng (trong đó có 10 triệu đồng trong số 100 triệu đồng mua sắm nội thất nằm ngoài giá trị căn hộ). 
 
Do đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính mua căn hộ từ giữa năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa được phía Công ty CP Bất động sản 126 bàn giao căn hộ nên bà Nhuận rất bức xúc. Bà Nhuận nói: “Cứ mỗi lần đến công ty đề nghị bàn giao căn hộ theo cam kết nêu trong hợp đồng thì đại diện phía công ty lúc này là bà Đào Thị Hà khất lần và “gạ” đổi sang căn hộ khác ở tầng cao hơn”. Nghi ngờ có dấu hiệu bất minh trong việc mua bán căn hộ, bà Nhuận đã tự mình từ Hà Nội vào tận dự án Eureka - Linh Trường để xác minh. Vào tận dự án, gặp những người quản lý khu chung cư, bà Nhuận mới tá hỏa là căn hộ của mình đã bị công ty bán tiếp cho khách hàng khác có tên là Nguyễn Hồng Nhật, trú tại số nhà 23, ngõ 127 phố Văn Cao (Hà Nội) với giá 567 triệu đồng. 
 
Trở về Hà Nội, bà Nhuận lần tìm đến số nhà nêu trên, gặp bà Nguyễn Hồng Nhật thì sự thật đúng như vậy. 
 
2 khách hàng đều là nạn nhân
 
Người thứ 2 mua căn hộ số 3504 nói trên là bà Nguyễn Thu Hương (mẹ của bà Nguyễn Hồng Nhật). Khi bà Nhuận và chúng tôi gặp bà Hương để tìm hiểu về việc mua bán căn hộ, khách hàng này vẫn không hề biết bà Nhuận là nạn nhân trước đó đã bị lừa. 
 
Bà Hương cho biết: “Lúc ký hợp đồng mua căn hộ, do tôi đi công tác nên con gái tôi đứng tên”. Theo các thông tin được ghi trên hợp đồng thì căn hộ này được bà Đào Thị Hà- giám đốc Công ty CP Bất động sản 126 bán cho bà Nguyễn Hồng Nhật vào ngày 14/3/2012 với giá 567 triệu đồng (10,5 triệu đồng/m2). Căn hộ nói trên được công ty bàn giao cho bà Nhật ngày 8/4/2013. 
 
Căn hộ mô phỏng theo hợp đồng.
Căn hộ mô phỏng theo hợp đồng.
 
Căn cứ vào ngày, tháng ký kết hợp đồng thứ 2 này cho thấy, mặc dù hợp đồng mua bán căn hộ ký giữa Công ty CP Bất động sản 126 và bà Nguyễn Thị Nhuận trước đó đang còn hiệu lực (phía công ty vẫn ra thông báo nộp tiền theo tiến độ), nhưng bà Đào Thị Hà đã lén lút bán căn hộ nêu trên cho bà Nguyễn Hồng Nhật để thu 567 triệu đồng.  
 
Bà Nguyễn Thu Hương (chính chủ căn hộ) cho biết: “Ngoài tiền mua căn hộ, tôi phải nộp thêm 100 triệu đồng nữa theo yêu cầu của bà Hà để công ty hoàn thiện nội thất. Nhận bàn giao căn hộ xong, tôi và đại diện công ty lại ký tiếp bản “hợp đồng hợp tác khai thác”, trong đó mỗi năm chủ hộ được sử dụng 40 ngày căn hộ cho gia đình nghĩ dưỡng, thời gian còn lại, công ty sẽ cho thuê và trả cho mỗi chủ hộ 20 triệu đồng/năm”. 
 
Mặc dù căn hộ đã được 2 bên ký hợp đồng hợp tác khai thác từ tháng 4/2013 nhưng đến nay bà Hương vẫn chưa nhận được đồng lợi nhuận nào. Bà Hương cũng đang có nhu cầu bán lại căn hộ với nguyên giá gốc vì nhận thấy quá lãng phí nguồn vốn đầu tư bởi các hoạt động dịch vụ ở khu nghĩ dưỡng Resort Eureka - Linh Trường quá nghèo nàn, manh mún, thiếu chuyên nghiệp nên rất vắng khách. 
 
Trao đổi với phóng viên, bà Nhuận than thở: “Gia đình tôi đã phải vay mượn rất nhiều nơi với lãi suất cao để đầu tư mua căn hộ. Khi biết bị lừa, tôi đã gửi đơn yêu cầu công ty trả lại tiền gốc và tiền lãi nhưng chưa được trả lời bằng văn bản”. 
 
Bà Nhuận cho biết, gia đình bà đã gửi đơn tố cáo tới Công an Tp Hà Nội, Công an tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan chức năng về hành vi lửa đảo của chủ dự án này. 
 
Thông qua báo Bảo vệ pháp luật, bà Nhuận mong các nạn nhân khác sớm phát hiện rằng mình có bị chủ dự án lừa tương tự hay không để tự cứu lấy mình trước khi dự án đổ bể./.
 
Trần Cường