"Tôi đã khiếu nại nhiều lần mức giá bồi thường, hỗ trợ... nhưng đều bị UBND huyện Nhơn Trạch bác đơn. Họ nói tôi khiếu nại sai. Giá bồi thường đất bị thu hồi gia đình tôi có thể tạm chấp nhận nhưng về khoản hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp thì họ lại phớt lờ ". Bà Lương Huệ Thanh ( địa chỉ thường trú tại 126/1 đường 10, Bình Thới, phường 14, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh ) bức xúc nói.
 
Chuyện là, gia đình bà Thanh sở hữu 3.634 m2 đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, trong đó có 200 m2 đất thổ cư tại ấp 3 Bàu Sen, xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Ngày 08/11/2013, UBND huyện Nhơn Trạch đã ra Quyết định thu hồi 2.616,3 m2 đất của bà ( cùng 26 hộ dân khác trên địa bàn ) để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trạm biến áp 220KV thành phố Nhơn Trạch và hướng tuyến các đường dây 110, 220KV đấu nối đoạn qua xã Phú Thạnh do Ban quản lý dự án các Công trình Điện Miền Nam làm chủ đầu tư. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho bà Thanh từ số đất thu hồi do UBND huyện Nhơn Trạch phê duyệt chỉ vẻn vẹn số tiền 290.809.000 đồng và 1 lô đất tái định cư 140 m2 tại xã Đại Phước. Kinh phí này bao gồm các khoản tiền bồi thường đất ( đất ở 330.000 đồng/m2 , đất nông nghiệp vị trí 3 tại xã Phú Thạnh 70.000 đồng/m2 ) ; bồi thường nhà cửa, vật kiến trúc; bồi thường cây trồng; hỗ trợ giảm công năng sử dụng đất và thưởng di dời.
 
Chủ đầu tư đang thi công trên đất đã bị thu hồi của bà Lương Huệ Thanh
Chủ đầu tư đang thi công trên đất đã bị thu hồi của bà Lương Huệ Thanh
 
Bà Lương Huệ Thanh đã không đồng ý nhận số tiền bồi thường, hỗ trợ ít ỏi nói trên. Bà liên tục khiếu nại ở cấp huyện và gửi đơn đến cấp tỉnh. Trong khi đó, đất của bà vẫn được Chủ đầu tư thản nhiên thi công với rất nhiều hạng mục để cho kịp tiến độ của họ. Bà Thanh thắc mắc, sao UBND huyện Nhơn Trạch không thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp từ 1,5 lần giá đất theo quy định của Chính Phủ.
 
Đối chiếu lại Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ ký ngày 13/08/2009 ( Quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư ) thì rõ ràng thắc mắc của bà Thanh là đúng. Bởi trong Nghị định, Điều 22, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm, ở Khoản 1.a có nói rõ " Hỗ trợ bằng tiền từ 1,5 đến 5 lần giá đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi...". Trong phương án bồi thường, hỗ trợ...của dự án xây dựng Trạm biến áp 220KV hoàn toàn không có khoản hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho gia đình bà Thanh (?).
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chính cách làm của huyện Nhơn Trạch trong quá trình thu hồi đất; lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của Dự án xây dựng Trạm biến áp 220KV thời gian qua cũng cần phải rút kinh nghiệm. Vì dường như huyện đã bỏ qua hoặc làm sơ sài giai đoạn lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và hoàn chỉnh nó theo đúng như ở Khoản 3, Điều 30 của Nghị định 69 nêu : " Hết thời hạn niêm yết và tiếp nhận ý kiến, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm tổng hợp ý kiến đóng góp bằng văn bản, nêu rõ số lượng ý kiến đồng ý, số lượng ý kiến không đồng ý, số lượng ý kiến khác đối với phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; hoàn chỉnh và gửi phương án đã hoàn chỉnh kèm theo bản tổng hợp ý kiến đóng góp đến cơ quan tài nguyên và môi trường để thẩm định ". Và " trường hợp còn nhiều ý kiến không tán thành phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng cần giải thích rõ hoặc xem xét, điều chỉnh trước khi chuyển cơ quan tài nguyên và môi trường thẩm định ".
 
Đằng này, đã có sự bất thường ngay từ đầu họp dân để triển khai chủ trương thu hồi đất. Đó là vào ngày 09/03/2012 và 25/04/2012 UBND xã Phú Thạnh tiến hành họp dân công bố chủ trương thu hồi đất để xây dựng Trạm điện 220KV nhưng chỉ có 09/26 hộ dân dự họp. Rồi để hoàn chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Trung tâm phát triển quỹ đất của huyện chỉ " căn cứ vào biên bản kiểm tra hiện trạng và giấy xác nhận nguồn gốc đất, Hội đồng bồi thường đã lập phương án bồi thường trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định ".
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Quang, một cán bộ theo dõi dự án Trạm 220KV của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Nhơn Trạch cho biết các huyện trong tỉnh Đồng Nai khi thu hồi đất của dân đều có hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp , riêng huyện Nhơn Trạch thì đang thụ lý, xem xét, giải quyết (!?).
Rõ ràng, cách làm chưa tuân thủ đúng tinh thần của Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư...của huyện Nhơn Trạch đã khiến người dân phải khiếu nại kéo dài. 
 
Nhật Mai