(BVPL) - Như báo Bảo vệ pháp luật điện tử đăng tải bài viết “Chi Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Thái Nguyên, có hay không việc "cướp" thương hiệu của Hợp tác xã (HTX) Miến Việt Cường”… Ngay sau khi có bài viết được đăng tải, nhiều độc giả, doanh nghiệp trên cả nước bày tỏ sự bất bình với những việc làm “o ép, thiếu khách quan, dối trên lừa dưới” quyết tâm “giành dật” thương hiệu của ông Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Thái Nguyên đối với Hợp tác xã Miến Việt Cường...
 
 
Ông Ba và ông Sơn cũng cho biết thêm: Việc UBND tỉnh Thái Nguyên đồng ý và Cục Sở hữu trí tuệ cấp “Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu MCV Miến Việt Cường Hóa Thượng” cho Chi Cục TCĐLCL làm chủ sở hữu như vậy là chưa phù hợp với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Bởi vì, hiện giấy chứng nhận Miến “Việt Cường” mà ông Sơn đứng tên là chủ sở hữu trước đó đã thuộc sở hữu của HTX Miến Việt Cường. Trước đó, ngày 18/10/2010 HTX Miến Việt Cường có tổ chức họp bàn với các xã viên trong HTX và đi đến thống nhất cho ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ nhiệm HTX góp vốn vào HTX bằng tài sản vô hình là Thương hiệu có tên Miến “Việt Cường” với giá trị được quy đổi là 200 triệu đồng (hai trăm triệu đồng chẵn). Sau đó, ngày 20/08/2010, ông Nguyễn Văn Sơn, đã ký “Hợp đồng chuyển nhượng Quyền Sở hữu đối tượng, Sở hữu Công nghiệp” là giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu Miến “Việt Cường” số 85608, cấp ngày 07/08/2007 cho HTX Miến Việt Cường do ông Ba là Chủ nhiệm toàn quyền quyết định.
 
Như vậy, Biên bản làm việc số: 86/BB-TĐC ngày 04/11/2013 của Chi cục TCĐLCL tỉnh Thái Nguyên với ông Nguyễn Văn Sơn là không hợp pháp. Bởi lẽ, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Miến “Việt Cường” nói trên đã thuộc Quyền sở của HTX Miến Việt Cường. Mặt khác, tại biên bản này, ông Sơn lại ký đại diện cho HTX Miến Việt Cường là hoàn toàn không đúng theo quy định của pháp luật. Vì ông Sơn không được sự ủy quyền của ông Nguyễn Văn Ba Chủ nhiệm HTX cũng như sự đồng ý, nhất trí của các xã viên trong HTX… Ông Ba cũng khẳng định rằng: "Điểm mấu chốt của vụ việc này là việc ông Lê Vĩnh Phượng, Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL cùng một số cán bộ của mình đã tìm mọi cách, mọi thủ đoạn dối trên, lừa dưới…nhằm qua mắt các lãnh đạo của Sở, UBND tỉnh Thái Nguyên và Cục sở hữu trí tuệ, để hợp thức hóa giấy chứng nhận thương hiệu “Miến Việt Cường Hóa Thượng”… Bởi lẽ trong văn bản thỏa thuận mà Chi cục TCĐLCL với ông Nguyễn Văn Sơn, chủ sở hữu thương hiệu miến Việt Cường đã không chỉ rõ Chi cục TCĐLCL được làm chủ sở hữu mà chỉ thể hiện là ông Sơn đồng ý cho Chi cục TCĐLCL được sử dụng chung hai chữ “Việt Cường” trong thương hiệu “Miến Việt Cường Hóa Thượng”… Bên cạnh đó, ngày 25/12/2013 tại Quyết định số: 2889/QĐ-UBND do bà Ma Thị Nguyệt, Phó chủ tịch UBND tỉnh ký, tại điều 1, 2 và 3 của quyết định này cũng không thể hiện là “cho phép Chi Cục TCĐLCL được phép làm chủ sở hữu, mà chỉ đồng ý sử dụng tên địa danh Việt Cường, Hóa Thượng  dùng cho nhãn hiệu chứng nhận “Miến Việt Cường Hóa Thượng…".
 
Qua điều tra, tìm hiểu và nghiên cứu hồ sơ, tài liệu liên quan, việc Chi cục TCĐLCL tỉnh Thái Nguyên đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “MVC Miến Việt Cường Hóa Thượng” còn có nhiều những bất cập...?. Mặc dù, Dự án tạo lập, quản lý và phát triển do Chi cục TCĐLCL tỉnh Thái Nguyên làm chủ sở hữu, nhằm nâng cao giá trị kinh tế, uy tín, danh tiếng… chung cho tập thể. Song, không chỉ vì nhưng tiêu chí đề ra như vậy mà bỏ qua những quy định của pháp luật cũng như Luật sở hữu trí tuệ.
 
Báo bảo vệ pháp luật đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ, UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở Khoa học và Công nghệ cần sớm vào cuộc xem xét giải quyết dứt điểm vụ việc trên. Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả cả nước khi có câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng.
 
Thế Hùng – Trọng Tài