(BVPL) - Làm việc với PV Báo BVPL cả ông Ngô Văn Anh – Chánh toà kinh tế (Thẩm phán Chủ toạ phiên toà xét xử vụ án kinh doanh thương mại giữa ông Thép và Công ty CP xây dựng 204) và ông Lê Khắc Hạnh – Phó Chánh án Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng đều phủ nhận các đoạn băng ghi âm, phủ nhận mình không nhận “bôi trơn” như ông Thép tố cáo... Nhưng một vị Hội thẩm nhân dân trong HĐXX vụ án trên đã thừa nhận gặp ông Ngô Văn Anh đang “nghị án” với bị đơn ngay trong phòng làm việc!
Nhận định về phần nội dung vụ án, ông Vĩnh cho biết: Ở vụ án này tôi có 3 quan điểm:
Một là, việc tính lãi chậm trả tại Công trình biệt thự Bảo Đại, Đồ Sơn, Vốn ai bỏ ra đầu tư thi công thì người đó được hưởng lãi chậm trả này. (Theo đó, thì số tiền lãi chậm trả (56,8 triệu đồng) là của ông Thép - PV).
Hai là, số máy móc thiết bị (trị giá khoảng 3 tỷ đồng) trước đây Công ty 204 đã quyết định bán cho ông Thép, ông Thép đã sử dụng, khấu hao rồi, đã trả Công ty 204 50% tiền gốc và trả cả tiền lãi vay của Công ty 204 để mua số máy móc thiết bị này, thì tài sản này phải là tài sản của ông Thép. Thẩm phán chấp nhận khoản này cho bị đơn là chưa đúng. Sau này ông Thép có thể khởi kiện Công ty 204 đòi số máy móc thiết bị này bằng một bản án khác.
Ba là, việc ông Đồng Xuân Thép và ông Ngô Văn Toản mỗi ông thi công gói cầu Thanh Trì 2 một giai đoạn, nên có cơ sở để tách bạch, đối trừ rõ ràng. Việc thẩm phám cho ông Toản tham gia vụ án với tư cách là Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nhưng trong khi xét xử lại không thấy ông Toản có liên quan gì đến nghĩa vụ và quyền lợi của Công ty 204 và của ông Thép. Đặc biệt mọi chi phí phát sinh, vay mượn của ông Toản thi công trong gói thầu 2 Thẩm Phán lại tuyên gộp cho ông Thép chịu cả. Trong bản án của Toà án cũng không nói gì việc ông Toản và ông Thép sau này không thoả thuận được thì sẽ giải quyết bằng một vụ án khác...
Ông Vĩnh cũng thừa nhận mình mới được phân công làm Hội thẩm nhân dân cho vụ án này (trước đó là HĐXX khác) nên chưa nghiên cứu kỹ hết các tài liệu có trong hồ sơ. Việc giải quyết vụ án chủ yếu là do Thẩm phán là chính, mình chỉ đưa ra quan điểm của mình về vụ án để thẩm phán cân nhắc xét xử.
Về việc ông Thép tố cáo Thẩm phán Ngô Văn Anh nhận “bôi trơn” 130 triệu đồng sau đó chia cho nhiều người trong HĐXX, ông Vĩnh khẳng định không biết việc này và cũng không nhận một đồng nào từ ông Ngô Anh hay ông Thép.
Theo ông Vĩnh khẳng định: “Trong các ngày 16 đến 18/7/20013 khi vụ án kinh doanh thương mại trên được đưa ra xét xử, chiều thứ 5 ngày 18/7/20013 HĐXX đã công bố phiên toà sẽ nghị án trong 3 ngày (từ 19 – 22/7) và sẽ tuyên án vào sáng 22/7/2013. Sáng thứ sáu, ngày 19/7/2013 ông Ngô Văn Anh có gọi điện cho tôi lên phòng làm việc để chuẩn bị tài liệu nghị án. Sáng hôm đó, vào khoảng 8 h 30 phút tôi mở cửa Phòng ông Ngô Anh thì thấy bà Phạm Thị Ánh Hằng là Trưởng Phòng kế hoạch và đầu tư – Người đại diện theo ủy quyền của Công ty CP Xây dựng 204 (Bị đơn) đang ngồi trong phòng nói chuyện với ông Ngô Anh và một người thanh niên nữa nạ nữa mà tôi không biết là ai. Tôi giật mình (vì trong thời gian nghị án mà Thẩm phán lại tiếp Bị đơn, trong phòng riêng) quay trở ra đợi khoảng 40 phút, khi bà Hằng cùng người thanh niên kia ra khỏi phòng mới tiếp tục vào phòng ông Ngô Anh đưa quan điểm của mình về giải quyết vụ án rồi sau đó đi họp tại Trường đảng Chính trị Tô Hiệu, Hải Phòng. Tôi khẳng định về những gì mình đã chứng kiến sẽ cung cấp khi cơ quan điều tra triệu tập tôi, tôi cũng khẳng định điều này và những gì tôi biết về vụ án.”
Theo nguyên tắc, trong quá trình xét xử vụ án, khi thẩm phán cần gặp Nguyên đơn, Bị đơn, Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng để thu thập tài liệu chứng cứ thì phải có giấy triệu tập, có lịch và nội dung làm việc, có thư ký ghi biên bản và chỉ được làm việc tại phòng tiếp dân của Toà án. Trong thời gian nghị án thì HĐXX không được gặp bất cứ những người có liên quan trong vụ án. Việc ông Ngô Anh gọi bà Hằng lên gặp tại phòng riêng trong thời gian nghị án là vi phạm nghiêm trọng Bộ luật tố tụng dân sự và nguyên tắc xét xử của toà án.
Quốc Hùng – Quang Chiến